MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung: Khẩu chiến từ Bắc Kinh

18-05-2019 - 20:03 PM | Tài chính quốc tế

Một chiến dịch khơi gợi không khí chiến tranh và bày tỏ lòng yêu nước trước cuộc chiến thương mại đã được phát động trên báo đài Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc nói nước này sẽ đình lại các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nếu Washington tiếp tục có những hành động cứng rắn chống lại Bắc Kinh.

Bài bình luận trên Taoran Notes, một tài khoản có liên kết với Nhật báo Kinh tế, nói Trung Quốc sẽ không "hợp tác” nếu Mỹ không chứng tỏ sự thành thực trong việc giải quyết tranh chấp thương mại song phương.

“Nếu không có hành động thực sự từ phía Mỹ, sẽ thật là vô nghĩa khi ông lại tới để đàm phán tiếp”, bài bình luận viết, đề cập chuyện bộ trưởng Tài chính Mỹ  Steven Mnuchin thông báo hôm thứ Tư rằng ông sẽ tới Bắc Kinh để tiếp tục đối thoại. “Tốt hơn là hãy đình lại hoàn toàn các cuộc thương thảo”, bài bình luận viết, theo tường thuật của SCMP.

Bài báo nói Trung Quốc đã chứng tỏ sự thành thực giải quyết tranh chấp khi cử Phó thủ tướng Lưu Hạc tới Washington ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10 lên 25%. Nhưng Mỹ vẫn giữ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh sau khi Washington ban hành các biện pháp hạn chế hoạt động của công ty Huawei, Trung Quốc.

Hòa vào không khí khẩu chiến, bài bình luận trang bìa Nhân dân nhật báo nói chiến tranh thương mại với Mỹ chỉ khiến Trung Quốc mạnh thêm và không bao giờ khiến nước này khuất phục. Bài báo kêu gọi khơi gợi lại lòng yêu nước của người dân Trung Quốc.

Trong bài bình luận, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả sự quyết tâm bảo vệ lợi ích và danh dự quốc gia “vững như đá tảng”.

“Chiến tranh thương mại không làm Trung Quốc bị khuất phục. Nó chỉ tôi luyện chúng ta thêm mạnh”.

“Bão giông nào chúng ta cũng đã trải qua, làm gì có thử thách nào Trung Quốc chưa nếm trải trong suốt chiều dài hơn 5.000 năm lịch sử? Trước bão giông, gần 1,4 tỷ dân Trung Quốc có đủ sự tự tin và sức chịu đựng”.

Trong tuần này, truyền hình trung ương Trung Quốc liên tục phát các chương trình có chủ đề chiến tranh, tập trung vào cuộc xung đột ở Triều Tiên 1950-1953 với sự đối đầu của quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ, theo tin của Reuters. Hôm thứ Năm, đài truyền hình Trung ương (CCTV) thay thế một chương trình dự kiến là phim châu Á bằng một bộ phim Trung Quốc sản xuất từ năm 1964 về chiến tranh Triều Tiên với tựa đề “Những đứa con trai và con gái anh hùng”.

Tối thứ Sáu, nhà đài cho phát một bộ phim chiến tranh kinh điển của Trung Quốc có tựa đề “Trận chiến núi Thượng Cam Lĩnh”, theo một trạng thái được đưa lên tài khoản của nhà đài trên mạng xã hội. Nội dung này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người dùng mạng Trung Quốc, thậm chí có người còn đề nghị đài chiếu phim về vụ tấn công Trân Châu Cảng, khi không quân Nhật tấn công và đánh chìm nhiều tàu chiến, làm thiệt mạng hàng ngàn người Mỹ. “Đánh bại những kẻ đế quốc Mỹ”, một người khác viết.

Không chỉ báo đài, các giới ở Trung Quốc dịp này cũng đồng thanh chỉ trích Mỹ. Cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm qua nói “một số lãnh đạo sử dụng chiến thuật bất chấp lý lẽ và sẽ thất bại”, theo SCMP.

Không đề cập cụ thể Mỹ và ông Trump, ông Chu nói: “Một số lãnh đạo mới được bổ nhiệm vi phạm các lý thuyết về kinh tế và lý lẽ thông thường, và chỉ dựa vào các tư duy thương mại khi đưa ra các quyết sách. Tôi tin rằng cách làm việc không khoa học, bất chấp kiến thức và các lý thuyết mà những người đi trước đã tích lũy được, sẽ đâm đầu vào tường”.

Bình luận này xuất hiện sau khi người phát ngôn bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói Trung Quốc không biết chuyến thăm của ông Mnuchin đã được lên kế hoạch và cảm thấy tiếc rằng Mỹ đã “đơn phương và tiếp tục leo thang xung đột thương mại”.

Chỉ trong tháng 4, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ lên cao, theo đa số nhà phân tích kinh tế mà Reuters vừa hỏi ý kiến. Họ cho rằng trong vòng hai năm tới, nguy cơ một cuộc suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là 40%. Cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia cũng do hãng Reuters thực hiện hồi tháng trước mang lại kết quả 35%.

Theo Anh Minh

Tiền Phong

Trở lên trên