Tránh hút vốn FDI bằng mọi giá
Các chuyên gia kinh tế nhận định việc xả thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của dự án thép Formosa là một thất bại trong quản lý. Từ đó, các ngành và địa phương cần tỉnh táo hơn trong việc thu hút đầu tư
- 09-07-2016TPHCM: Thu hút hơn nửa tỷ USD vốn FDI
- 30-06-2016Vốn FDI dần “tháo chạy” khỏi thị trường bất động sản Việt Nam?
- 15-06-2016Việt Nam thu hút 238 tỷ USD từ nguồn vốn FDI
Đúng 10 năm sau ngày cấp phép đầu tư cho dự án thép 4,5 tỉ USD Guang Lian (Khu Kinh tế Dung Quất), tháng 6-2016, tỉnh Quảng Ngãi đã phải xin ý kiến trung ương về việc thu hồi dự án này do nhà đầu tư không có năng lực triển khai.
Vẽ siêu dự án để “kiếm ăn”
Dự án thép Guang Lian đúng nghĩa là chiếc bánh vẽ điển hình mà các nhà đầu tư nước ngoài trưng ra để tìm kiếm lợi nhuận ở giai đoạn Việt Nam ào ạt thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Ban đầu, dự án có chủ đầu tư là Tập đoàn Tycoon Worldwide (Đài Loan), quy mô hơn 1 tỉ USD, sau đó 4 lần đổi chủ, 2 lần tăng vốn, nâng công suất từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn và tăng quy mô lên 4,5 tỉ USD. Thế nhưng, đến năm 2014, dự án mới được đầu tư vẻn vẹn 42 triệu USD, trong đó ngân sách nhà nước đã tạm ứng 175 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng.
Từ một dự án là “thành tích” thu hút vốn FDI của tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, hơn 500 ha cấp cho Guang Lian vẫn là đất hoang. Dù Guang Lian thu hút sự chú ý của dư luận trong giai đoạn 2008-2010 vì thời điểm đó hiếm có dự án quy mô tỉ USD nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam vẫn liên tiếp cảnh báo Tycoon Worldwide chỉ là doanh nghiệp (DN) nhỏ, thấy dễ ăn nên nhảy vào vẽ ra siêu dự án nhằm giữ chỗ, chờ bán lại cho nhà đầu tư khác kiếm lời.
Trong khi đó, sau nhiều kỳ vọng về một dự án lọc hóa dầu tầm cỡ ở khu vực (27 tỉ USD) thì tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí PTT của Thái Lan cũng đã chính thức xác nhận tạm dừng thực hiện Tổ hợp lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội đặt tại tỉnh Bình Định. Nguyên nhân, đối tác của PTT - một tập đoàn của Ả Rập Saudi - đã rút khỏi dự án trong khi nhà đầu tư chưa tìm được đối tác thay thế.
Đây là giai đoạn Việt Nam bội thực với nhiều dự án liên hiệp thép, lọc hóa dầu và rất nhiều trong số này đã không được giải ngân. Năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ký ghi nhớ với Lion Group của Malaysia để đầu tư nhà máy liên hiệp thép có vốn lên đến 7 tỉ USD, sau đó chi gần 300 triệu USD giải phóng mặt bằng rồi bỏ hoang, bị thu hồi giấy phép. Dự án Thép Kobelco quy mô hơn 1 tỉ USD tại Nghệ An cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đối với ngành lọc dầu, hiện mới có nhà máy ở Dung Quất đi vào hoạt động và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuẩn bị vận hành. Còn các siêu dự án ở Vũng Rô, Long Sơn, Cần Thơ vẫn còn trên giấy.
Rước… công nghệ lạc hậu
Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết quy trình thu hút dự án thép ở nước ta không như thông lệ quốc tế.
Với những dự án liên hiệp thép có công suất 5-10 triệu tấn/năm, các nước chỉ nhắm đến nhà đầu tư có tên tuổi, vốn mạnh, công nghệ cao… và phải đấu thầu. Trong khi đó, ở nước ta, các nhà đầu tư tự tìm đến làm việc với địa phương; địa phương làm đầu mối báo cáo cho các bộ, ngành và Chính phủ xin cấp phép. Do năng lực địa phương có hạn, việc cấp phép rất dễ dãi, sơ hở dẫn đến rước phải công nghệ lạc hậu.
Đánh giá về 25 năm thu hút FDI, ông Đào Quang Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nhận định trên 80% DN đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% công nghệ ở mức thấp và lạc hậu, chỉ 5%-6% có công nghệ cao. Không ít trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý để nhập máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Thu, quy định về môi trường của Việt Nam đang theo tiêu chuẩn của các nước phát triển nhưng việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung vào khâu tiền kiểm. Vì thế, nhiều dự án khi triển khai đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường, gây tác động lâu dài đến sức khỏe của con người và hệ sinh thái. Trong khi đó, nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thừa nhận công tác thẩm định công nghệ của DN FDI chưa được quan tâm đúng mức. Quy định cho phép nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung công nghệ. Thực tế kiểm định các dự án FDI cho thấy giải trình về công nghệ rất sơ sài, thậm chí không có. Để có công nghệ phù hợp, dự án phải đưa ra được các phương án công nghệ để chọn phương án tối ưu nhưng khi phân cấp đầu tư, các địa phương thường không hỏi ý kiến các sở khoa học và công nghệ theo quy định. Do đó, không có cơ chế ngăn chặn từ đầu việc nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường, đến khâu hậu kiểm thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Người lao động