MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh kéo dài thời gian “ếm ẩm” của nợ xấu

13-03-2017 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Có những khoản nợ xấu đang hướng đến tình trạng “ế ẩm”, chào bán gần chục lần vẫn không xong...

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến việc đấu giá nợ xấu, gắn trực tiếp với yêu cầu xử lý tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đến nay VAMC đã có bốn năm hoạt động, nhưng khung pháp lý và cơ chế hoạt động vẫn tiếp tục phải bổ sung, hoàn thiện. Điều này một phần giải thích vì sao “kho” nợ xấu tại đây vẫn còn tồn đọng lớn.

Một trong những vướng mắc về tiến độ xử lý nợ xấu tại VAMC là thủ tục để thực hiện đấu giá, đem bán nợ xấu, và liên quan nữa là giá bán.

Như VnEconomy đề cập ở bài viết gần đây , một số ý kiến trong cuộc từng đề cập đến điểm mở, cơ chế và chính sách làm sao đó hỗ trợ về điểm tựa trách nhiệm trong bán lại nợ xấu. Người bán chủ động hơn trong quyết định “cắt lỗ”, giảm giá để tăng khả năng bán được cho những món ế ẩm mà an toàn hơn về vấn đề trách nhiệm (vì giảm giá có thể dẫn tới hao hụt tài sản).

Thêm nữa, có những khoản nợ xấu, sau khi bán đấu giá không thành công, VAMC có thể buộc phải làm lại quy trình định giá tài sản, vừa mất thêm chi phí vừa kéo dài thời gian ế ẩm của khoản nợ xấu đó.

Dễ thấy, trong thông báo đấu giá đều đặn mà VAMC công bố, có những khoản đã chào tới 7-8 lần, tổ chức đi tổ chức lại mãi mà vẫn chưa thể bán nổi.

Trước thực tế trên, dự thảo nghị định mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng hướng đến quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập hội đồng đấu giá. Trong đó có những điểm mở để góp phần “chống ế” cho nợ xấu.

Trước hết, dự thảo nghị định này quy định trường hợp phải thực hiện thẩm định giá để xác định giá khởi điểm thì kết quả thẩm định giá sẽ được sử dụng để làm giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm đảm bảo việc xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xác định một cách khách quan, chính xác hơn bởi một tổ chức chuyên nghiệp về thẩm định giá tài sản.

Đáng chú ý, đồng thời, để giải quyết các trường hợp vướng mắc trong thực tiễn khi cuộc đấu giá lần đầu không thành công, phù hợp với quy định hiện hành về đấu giá tài sản của VAMC sau 1 lần đấu giá không thành công và cũng nhằm giảm chi phí trong việc xác định giá khởi điểm khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo nghị định quy định cho phép VAMC được quyết định giảm giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành công và VAMC tiếp tục lựa chọn phương thức bán đấu giá, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành trước đó, mà không cần thiết phải thực hiện lại thủ tục thẩm định giá để xác định giá khởi điểm.

Theo đó, dự kiến với cơ chế trên, với những khoản nợ xấu phải định giá, nếu ban đầu không bán được qua đấu giá, VAMC có thể thuận lợi hơn khi vừa được quyết định giảm giá, vừa đỡ mất thời gian và chi phí thẩm định giá lại để chào bán tiếp.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên