MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh luận 'nóng' về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận: Xóa bỏ hay giữ lại?

Tranh luận 'nóng' về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận: Xóa bỏ hay giữ lại?

Trong khi đại biểu Quốc hội đề nghị xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận để người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển, thì Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lại khẳng định “không có cơ sở để hủy bỏ”.

Ðại biểu Quốc hội: “Không nên luyến tiếc nữa!”

Chiều 30/5, thảo luận về báo cáo giám sát trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận dành toàn bộ thời gian để nói về quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận .

Bà Hương cho biết, năm 2016, Quốc hội khoá XIV đã quyết định tạm dừng chủ trương thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án, vốn gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương vẫn chưa được giải quyết. Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Từ những thực tế trên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.

 Tranh luận nóng về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận: Xóa bỏ hay giữ lại?  - Ảnh 1.

Mô hình dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Đinh. Ảnh: Nhật Minh

Cho rằng, quyết định tạm dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định đúng đắn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Quốc hội cần giải quyết dứt điểm việc này. Cụ thể, ông Nghĩa đề nghị xoá bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

“Tôi nghĩ là Quốc hội nhiệm kỳ trước, Đảng, Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ việc dừng dự án này. Bước tiếp theo phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân, cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo… Rất nhiều chuyện phải làm. Đồng thời, tạo quy hoạch mới cho Ninh Thuận trở thành vùng, trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Việc này giúp tạo chuyển động về kinh tế bằng quy hoạch mới”, ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu đoàn TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn trước việc “luyến tiếc” của Ủy ban Kinh tế khi vẫn đề nghị tạm giữ quy hoạch vị trí làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận . “Cá nhân tôi đề nghị xoá quy hoạch này. Còn trong 10- 20 năm tới chúng ta có làm điện hạt nhân hay không thì làm quy hoạch mới, và khi đó sẽ tính toán nếu làm thì đặt ở đâu. Còn giờ việc cấp bách là rốt ráo triệt để bảo đảm quyền lợi cho bà con, không nên luyến tiếc nữa”, ông Nghĩa nêu quan điểm, đồng thời cảnh báo, việc xây dựng điện hạt nhân có nhiều rủi ro, phụ thuộc vào nước ngoài, trong khi năng lực quản lý, kỹ thuật trong nước vẫn còn những hạn chế nhất định.

Tranh luận 'nóng' về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận: Xóa bỏ hay giữ lại? ảnh 2

Trương Trọng Nghĩa

"Cá nhân tôi đề nghị xoá quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Còn trong 10- 20 năm tới, chúng ta có làm hay không thì sẽ tính toán đặt ở đâu. Còn giờ việc cấp bách là rốt ráo triệt để bảo đảm quyền lợi cho bà con, không nên luyến tiếc quy hoạch nữa"

ĐBQH (TP.HCM)


Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Chưa có cơ sở để xóa bỏ quy hoạch”

Giải đáp những ý kiến được các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm dừng thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận .

“Như vậy nghị quyết của Quốc hội mới là tạm dừng chứ không phải huỷ bỏ, cho nên không có cơ sở xóa bỏ quy hoạch tại địa điểm này”, ông Diên nói. Mặt khác, theo Bộ trưởng Công Thương , địa điểm này đã được các đối tác và bản thân các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định: Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Ở góc độ ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã tham mưu cho Chính phủ và các lãnh đạo cao cấp rằng “thế giới hiện nay đã phải quay lại phát triển điện hạt nhân”. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), các quốc gia cũng đã cam kết phát triển năng lượng sạch, theo đó khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Tuy nhiên, theo ông Diên, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này thì trước hết phải có được “điện nền” ổn định. “Điện nền” chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc thuỷ điện, nhưng nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thuỷ điện cũng hết dư địa phát triển. Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP 26 thì chúng ta phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo. Nhưng phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà điện nền thì xu hướng tất yếu, đến một lúc nào đó chúng ta phải tính đến điện hạt nhân”, ông Diên nói.

photo-2

Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải thực hiện những gì đã cam kết ở Hội nghị COP 26 thì chúng ta phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo. Nhưng phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà điện nền thì xu hướng tất yếu, đến một lúc nào đó chúng ta phải tính đến điện hạt nhân"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên


Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 3 năm trước, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia giảm điện hạt nhân mạnh. Nhưng gần đây, hai nước trên đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân, làm cơ sở để khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Đối với Việt Nam, ông Diên cho biết, đã đề nghị với Chính phủ, báo cáo Quốc hội về quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân ở Ninh Thuận . “Chúng ta chưa nên xem xét đến bỏ quy hoạch, chờ đến khi nào cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục hay không tiếp tục thì lúc đó hãy tính”, ông Diên nói.

Trước đó, trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26.

Theo Văn Kiên - Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên