Tránh tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng
Hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được xét xử nhưng rất khó thu hồi tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.
- 27-11-2017TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ hai vụ đại án ngân hàng
- 14-10-2017Đại án ngân hàng: Vòng xoáy tiền - bạc
- 27-07-2017Đại án Ngân hàng Oceanbank: Hàng loạt bị can bị đổi tội danh
Theo báo cáo công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2017 của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, một số vụ án nổi cộm có số tiền thất thoát rất lớn nhưng khó thu hồi.
Khó thu hồi tiền thi hành án tại vụ án Phạm Công Danh Ảnh: PHẠM DŨNG
Điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM, bị kết án chung thân), số tiền phải thi hành án thu hồi về cho ngân sách nhà nước khoảng 14.000 tỉ đồng. Thế nhưng đến nay, mới thi hành được gần 200 tỉ đồng; còn phải thi hành án sung công quỹ nhà nước gần 11.000 tỉ đồng và bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức, cá nhân khác gần 3.000 tỉ đồng. Đối với vụ án Phạm Công Danh, liên quan đến Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, số tiền thi hành án cũng hơn 12.000 tỉ đồng nhưng tiền thu hồi được thấp.
Trong vụ án Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, phải bồi thường 110 tỉ đồng, nhưng đến nay chỉ thi hành được trên 21 tỉ đồng. Theo ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội, ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, hiện Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án với khoản tiền khoảng 88 tỉ đồng.
Theo đại diện Cục THADS Hà Nội, hiệu quả thi hành án trong các vụ án tham nhũng còn phụ thuộc điều kiện thi hành án. Nhiều vụ việc số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Bên cạnh đó, hầu hết đương sự phải thi hành án phần trách nhiệm dân sự trong các vụ việc loại này phải chấp hành hình phạt tù với thời hạn dài, thậm chí bị tuyên án tử hình. Nhiều trường hợp không có tài sản, tiền, thu nhập để thi hành án hoặc gia đình, người thân không có khả năng hỗ trợ thi hành án. Các trường hợp có tài sản thì cơ quan thi hành án đã xử lý.
Về công tác thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tại hội nghị triển khai công tác THADS năm 2018 được Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản.
Người lao động