Tranh thủ săn hàng giảm giá, sắm Tết từ bây giờ để tiết kiệm hơn
Xu hướng sắm Tết sớm ngày càng phổ biến hơn ở người trẻ.
- 22-11-2022Thất nghiệp trước Tết: Cú sốc tinh thần nhưng là cơ hội sắp xếp lại cuộc sống
- 22-11-2022Nghỉ việc trước Tết, vì sao họ phải chọn thời điểm "không khôn ngoan" này?
- 19-11-2022Xoay xở vì thất nghiệp khi công ty cắt giảm nhân sự trước Tết
Bắt đầu vào tháng 11, nhiều người trẻ đã bắt đầu lên kế hoạch cho Tết Nguyên đán - ngày lễ lớn nhất trong năm. Đây cũng là khoảng thời gian, mọi người chi tiêu nhiều hơn cho quà cáp, chuẩn bị mâm cỗ, quần áo mới hay là đi du lịch cùng gia đình. Do vậy, để tiết kiệm hơn, một số người trẻ đã nhân dịp hầu hết các cửa hàng giảm giá mạnh vào ngày 11/11 và Black Friday đi mua sắm trước một số mặt hàng cần thiết.
Săn vé máy bay cho chuyến du lịch Tết
Mỹ Trương, 26 tuổi, vừa đặt vé máy bay khứ hồi để đi du lịch Tết vào dịp giảm giá trong tháng 11 này. Nếu săn đúng vào những ngày cận điểm Tết dương, giá lên tới 3,5 triệu khứ hồi, giá vé cô bạn mua rơi vào khoảng 2tr hơn một chút. Bên cạnh đó, do là hội viên thường niên, phần tích điểm trừ vào giá vé cũng giúp cô bạn được chiết khấu thêm vài trăm.
Ngoài vé máy bay di chuyển trong dịp Tết, Mỹ Trương cũng canh săn sale áo dài. Đây là món đồ quần áo duy nhất cô bạn có kế hoạch mua trong thời gian này.
"Thông thường, vào Tết mình sẽ chi nhiều hơn một chút ở khoản mua đồ ăn, đồ cúng. Ví dụ mẹ mình sẽ về quê Hà Nội thăm ông bà chi khoảng hơn 15 triệu cho 1 chuyến đi. Mình chọn lựa ở nhà để tiết kiệm hơn và không tiêu quá nhiều vào khoản mừng tuổi". Cô bạn ước chừng sẽ chi khoảng 1 nửa thu nhập cho dịp lễ Tết này.
Mỹ Trương - Ảnh: NVCC
Mua trước quần áo và bánh kẹo
Thu Hà, 22 tuổi, chia sẻ rằng do còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết, do vậy cô bạn chỉ mua trước quần áo, giày dép cho Năm mới. Ngoài ra, Thu Hà cũng mua bánh kẹo, trà, mứt có hạn sử dụng dài để dễ bảo quản. Trong trang trí nhà cửa, cô mua sắm vài đồ dây đèn điện cho dịp Tết.
"Khi sắm trước như vậy, tuỳ từng món sẽ được chiết khấu khác nhau. Thông thường, khi săn sale, mình sẽ được giảm 10-20%. Dù không nhiều, tính tổng lại phần đã được giảm giá cũng không phải là con số nhỏ".
Theo kinh nghiệm của Thu Hà, vào thời điểm trước Tết, các mặt hàng đều khá đa dạng và được giảm giá. Nếu đợi gần Tết mới sắm đồ, có khi những sản phẩm muốn mua không còn mà giá cả lại tăng. Những năm trước dịch bệnh bùng phát, thời điểm cuối năm cũng đông đúc hơn, để hạn chế tiếp xúc nên tranh thủ mua sắm trước Tết.
Thu Hà - Ảnh: NVCC
"Nhiều gia đình quan niệm rằng mỗi năm chỉ có một lần Tết nên cứ chi tiêu thoải mái nhưng đối với mình dù là dịp lễ Tết thì cũng nên chi tiêu vừa phải, đừng biến bản thân thành "con nợ" khi vung tay mua sắm quá đà. Chỉ cần biết cách chi tiêu hợp lý thì vẫn có một lễ Tết đầy đủ, sung túc, vui vẻ mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình", quan điểm của Thu Hà trong việc quản lý chi tiêu Tết.
Để dễ dàng quản lý và trong những dịp lễ Tết như này, Thu Hà thường sẽ chia ra những khoản chi tiêu nhỏ, riêng biệt. Thông thường, cô sẽ ghi lại tất cả những thứ cần thiết cho dịp Tết và cân nhắc bỏ đi những khoản chi tiêu lãng phí, tránh tình trạng "vung tay quá trán",
Sắm trước quà Tết
Với Trà Giang, 25 tuổi, truyền thống gia đình cô sẽ là tặng quà cho nhau vào dịp Tết, thay vì biếu lì xì cho những người lớn hơn. Do vậy, trước Tết 2 tháng, cô bạn đã bắt đầu sắm dần những món quà cần thiết.
"Mình không tính mua 1 lần là xong mà sẽ phân chia ra từng đợt để không bị quá tải ngân sách. Chẳng hạn vào đợt 11/11 này, mình đã kịp mua máy hút bụi giường cho mẹ, được giảm 100 nghìn. Đợt Black Friday, mình sẽ mua được cho ông bộ gối mới, được chiết khấu 15%".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Theo Trà Giang, cô bạn đã bắt đầu lên kế hoạch danh sách từ tháng 10. Cô sẽ hỏi qua những thành viên trong gia đình xem mong muốn của mọi người, từ đó điều chỉnh ngân sách. Dù Tết là dịp để tri ân, song Trà Giang vẫn muốn chuyện tài chính trong tầm kiểm soát để không bị sau Tết là những rắc rối tiền bạc bủa vây.
"Mình vẫn tiếp tục sắm đồ cho bố, em gái và bà. Mình cũng đã mua được quà cho bạn bè với đồng nghiệp. Do lên kế hoạch từ trước, lúc sắm đồ mình không bị bối rối trước những lựa chọn và đỡ chi tiêu lãng phí".
Trà Giang có kế hoạch sẽ dùng khoảng 1 tháng lương để mua quà tặng cho mọi người. Đây luôn là khoản tiền đã được lên kế hoạch từ trước trong mỗi năm, và Trà Giang cố gắng để có khoản chi phù hợp nhất bằng cách săn sale để tiết kiệm trong những dịp giảm giá mạnh.
Trí thức trẻ