Tránh tình trạng lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc là lương thấp, môi trường làm việc áp lực. Hiện Chính phủ đang đề xuất tăng lương cơ sở, tuy nhiên cũng cần chú ý đến các biện pháp kiềm chế lạm phát để việc tăng lương được thực chất.
- 26-10-2022Một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương từ 1-1-2023
- 22-10-2022Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương sẽ tạo động lực mới, giảm hiện trạng xin nghỉ việc
- 21-10-2022Tăng lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp nghề từ năm 2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đánh giá, kinh tế xã hội của nước ta trong năm 2022 đã phác họa nên một bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng đáng phấn khởi. Tuy nhiên, xét ở từng nhiệm vụ cụ thể, còn nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang).
Dẫn chứng cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, hiện nay đại dịch vẫn là vấn đề nan giải của ngành y tế, cộng thêm tình trạng đội ngũ y bác sỹ nghỉ việc càng khiến xã hội lo lắng. “Nếu đại dịch quay trở lại hoặc một đại dịch nào đó xuất hiện, nhưng những vấn đề tồn tại trên chưa được khắc phục, thì ai sẽ là người bảo vệ sức khỏe của người dân”.
Còn theo đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ y tế nói riêng nghỉ việc trong thời gian gần đây chủ yếu do áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ thực trực tiếp sang trực tuyến.
Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra Nhìn chung đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thuốc men, SGK, viện phí… đều tăng giá, trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng yếu thế làm công ăn lương trong khu vực nhà nước, gây ra tâm lý lo âu, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc.
Từ những thực tế vừa nêu, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị cần nhanh chóng có những giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực ngành y tế, giáo dục.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang).
“Hiện nay cử tri cả nước rất vui mừng trước đề xuất của Chính phủ về tăng lương cơ sở, song Chính phủ cũng nên nghiên cứu kỹ về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại biểu, đa số cán bộ, công chức, viên chức đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1/1/2023 vì theo phương án trình của Chính phủ tăng từ 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa 2 lần tăng lương thì đến thời điểm đó đã là 4 năm.
Bên cạnh việc tăng lương, cũng cần có những giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, hay khi lương tăng 1 đồng thì giá tăng 2 đồng. Nếu không kiềm chế được lạm phát, đời sống người dân nói chung và các đối tượng yếu thế nói riêng sẽ càng khó khăn hơn nữa”, đại biểu Thái Thu Xương đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Thái Thu Xương cũng đề nghị Chính phủ xem xét quy định về phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức đang công tác tại các cơ sở y tế công lập, nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với các viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở, nâng lương khởi điểm với những đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành Y công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Với nhóm người lao động tại các khu công nghiệp, đại biểu Thái Thu Xương cho biết: "Hiện nay nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động, bên cạnh đó vấn đề nhà trẻ mẫu giáo, các trường phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp vẫn chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động.
Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân lao động nhập cư muốn cho con trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, gắn kết tình cảm gia đình, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con, mỗi địa phương chọn 1 bộ SGK khác nhau, do đó khi chuyển trường học sinh sẽ phải mua bộ sách mới và làm quen với sách mới. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cũng cần quy hoạch các thiết chế phục vụ người lao động và con em họ tại các đô thị như nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng đồng quan điểm cho rằng, tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, người lao động còn thấp. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Theo thống kê có hơn 39.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc trong hơn 2 năm.
Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023./.
VOV