Trào lưu ông bà già làm vlog: Đi gần hết cuộc đời cũng 70-80 "nồi bánh chưng", điều ông bà cần là niềm vui, thế là đủ
Suy cho cùng, thay vì bỏ mặc phần cuối cuộc đời với u sầu và nỗi ám ảnh về tuổi già, tại sao người già không có quyền thể hiện bản thân và làm những điều họ yêu thích? Bà Tân, hay bất cứ bà nào đi chăng nữa, họ chẳng làm điều gì sai trái. Niềm vui giản đơn ít ai ngờ lại xuất phát từ những món ăn.
Trào lưu người già làm Vlog
Cách đây 6-7 năm, giới trẻ Việt chính thức bị thu hút bởi trào lưu Vlog, nơi những Vlogger thể hiện bản thân thông qua nội dung sáng tạo và chất lượng. Họ - JVevermind, Huyme, Lâm Việt Anh, sau này là Phở Đặc Biệt, An Nguy, D-Crown Nguyen, Huy Cung - sở dĩ "nổi" lên rất nhanh là nhờ suy nghĩ táo bạo, sâu sắc, nhưng không kém phần hài hước về các vấn đề trong cuộc sống.
Cách nói chuyện, dẫn dắt duyên dáng, góc nhìn khác biệt và mới mẻ đã góp phần đáp ứng mong đợi từ khán giả, đưa đến "món ăn tinh thần" tuy lạ lẫm nhưng dễ "thẩm thấu" với người trẻ Việt.
Như một "luật bất thành văn", cứ một thế hệ đi qua và lớn lên từ một trào lưu nào đó thì lại xuất hiện một thế hệ mới, với những xu hướng mới. Và lần này, bên cạnh những vlogger mang đầy tính hiện đại, thú vị và sôi động như Khánh Linh, Vũ Dino, Giang ơi, thì sự xuất hiện của nhóm các... người già làm vlog cũng khiến mọi thứ trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Cú "trỗi dậy" phải nói là mạnh mẽ của những người già đã cố tình tạo nên trào lưu dẫn đầu thị trường Vlog Việt Nam hiện nay. Chấp nhận từ bỏ công việc thường nhật để chú tâm "chen chân" vào làng Youtube, ngỡ tưởng là một cái áo quá lớn đối với họ, nhưng không, giới trẻ đã phải phát cuồng trước sự giản dị, chất phác của thế hệ mới này. Họ gạt qua mọi tiêu chuẩn vốn có để tạo nên sự khác biệt, thổi một làn gió mới vào "sân chơi" trước giờ mãi đắm chìm trong nhàm chán, mờ nhạt.
Họ là các ông bà già U60, U70 - thế hệ nông dân lấn sân Youtube
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên khởi xướng trào lưu người già làm Vlog. Trên thế giới, một số kênh Youtube chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng đã "bành trướng" trên toàn cầu, điển hình như Grandpa Kitchen (4,8 triệu sub), Nilson Izaias Papinho Oficial (4,8 triệu sub), Country Food (1,36 triệu sub). Công thức chung của các kênh Youtube này đều hướng đến vấn đề đơn giản, dễ hiểu, nhưng được sáng tạo một cách hấp dẫn.
Tại Việt Nam, để thấy được "cơn sốt" người già làm Vlog mạnh mẽ đến nhường nào, thì "Bà Tân Vlog" là một minh chứng cụ thể nhất. Dù lập kênh trước, nhưng "Bà già 61 tuổi" chỉ chật vật ở mức 200.000 sub, bị bỏ lại rất xa trước con số 2,3 triệu sub chỉ sau hơn 2 tháng "debut" của bà Tân. Và hàng loạt kênh Youtube ăn theo mô hình "Bà Tân Vlog" liên tục ra đời, trở thành trào lưu "có một không hai", chứng minh một điều, không chỉ giới trẻ mới có thể làm Vlog.
Bà già 61 tuổi
Sân chơi Youtube vẫn luôn chứng minh tính độc lập, rằng nền tảng này không phải của riêng ai cũng như của riêng độ tuổi nào. Bà già 61 tuổi có lẽ được xem là kênh Youtube đầu tiên ở Việt Nam "châm ngòi" mở màn cho trào lưu người già làm Vlog.
"Chào tất cả mọi người tôi tên Điểm, năm nay tôi 61 tuổi. Tôi có đam mê trở thành một YouTuber. Tôi xuất thân là một người nông dân làm ruộng. Tôi tạo kênh này để chia sẻ cuộc sống hàng ngày của tôi. Sở thích của tôi là săn bắt, hái lượm, nấu những món ăn độc đáo. Mong mọi người sẽ ủng hộ tôi".
Thời điểm đầu gia nhập Youtube, "Bà già 61 tuổi" từng gây bão với sức mạnh nổi tiếng đi lên rất nhanh, ăn theo các trào lưu dù chỉ làm về những clip kể chuyện đời sống bình thường. Cách quay và dựng clip từ smartphone cũng khá đơn giản, hầu hết bao gồm quay trực diện, cắt ghép và tua nhanh chậm.
Để thu hút sự chú ý của cư dân mạng, bà già "học tập" một cách tinh tế xu hướng "Cảm ơn và đọc tên từng người subscribe mình trên Youtube", thậm chí bà còn làm clip "Mổ gà ăn mừng 10 lượt sub". Đây cũng chính là clip đạt nhiều lượt xem nhất trên kênh, khoảng 1,5 triệu và là bước đệm đạt nút bạc sau này của bà già 61 tuổi.
Trước khi bà Tân xuất hiện, bà già được cộng đồng mạng tôn vinh về sự độc nhất vô nhị, xứng danh Youtuber lớn tuổi nhất Việt Nam. Mọi người một phần vì ngạc nhiên. Mặt khác cũng rất vui lòng và sẵn sàng chung tay ủng hộ cụ bà, rủ nhau subscribe kênh liên tục.
Những câu chuyện giản dị thường nhật ở vùng quê, cách bà chế tạo nồi đất ẩm thực, câu cá bằng cần câu khổng lồ hay làm bẫy cá khu nước cạn, có lẽ cũng chính là một phần khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì không phải lúc nào cũng được chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó thời nay. Bởi thế, tiếc gì một like và chút view cho cụ bà xì-tin này nhỉ?
Bà Tân Vlog
Cho đến hiện tại, chúng ta đều phải thừa nhận một điều, bà Tân là một hiện tượng Youtube đáng kinh ngạc, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chỉ trong vòng 2 tuần kể từ ngày đăng tải clip đầu tiên, kênh Youtube của bà nhanh chóng đạt được 500.000 lượt đăng ký. Tính đến nay, sau hơn 2 tháng, con số đã đạt ngưỡng 2,3 triệu. Trong một thời gian ngắn, người phụ nữ gốc Bắc Giang cao 1,1m, nặng 32 cân vui vẻ nhận chiếc nút vàng của "thằng cháu" Youtube, mở màn công phá hiện tượng "siêu to khổng lồ" - "câu cửa miệng" gần đây của giới trẻ.
Bà Tân tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tân, 58 tuổi. Nhà bà ở Xóm Chùa, huyện Xuân Hương, tỉnh Bắc Giang. Bà sở hữu chất giọng đầy "nội lực", đậm chất địa phương, gần gũi và mộc mạc dù thỉnh thoảng hay nói ngọng giữa âm "l" và "n". Trước khi là một Youtuber, bà làm nông, mỗi ngày cày vài sào ruộng để lấy thóc ăn. Bà nuôi thêm một con lợn, trồng thêm mấy khóm ngô.
Nụ cười mộc mạc, chân chất của bà Tân đốn tim biết bao người.
Để bàn về việc bà Tân từ một người nông dân vụt sáng thành "ngôi sao" triệu người săn đón, điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, chính là nhờ nét duyên dáng, dung dị và chất mộc mạc của bà. Đích thị, bà xứng đáng được trao danh hiệu "Người tạo "trend" cho giới trẻ" thông qua những phát ngôn đậm chất "nông dân".
Mở đầu mỗi clip, bà đều chào các cháu thân yêu bằng câu cửa miệng quen thuộc: "Xin chào tất cả các cháu đã quay trở lại kênh của Bà Tân Vê Lốc". Chữ "Lốc" được ngân dài, âm vang như để khẳng định, "các cháu đã tìm đến đúng kênh của bà rồi đấy!". Chào các cháu xong, bà đi vào nội dung chính: "Cuộc đời bà gần 60 nồi bánh chưng rồi nhưng chưa bao giờ bà làm món này", "Các cháu thấy bà có ngầu không?". Người ta xem nhiều đến nỗi thuộc từng câu, từng chữ, từng nhịp điệu. Câu văn lời ca của bà tuy có phần ngô nghê, nhưng lại dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào đời sống hàng ngày. Các cháu hiện nay, dù nói văn nói vẻ đến đâu nhưng không chêm thêm vài câu của bà Tân, là "ứ có chịu được"!
Nhắc đến bà Tân, người xem đều nghĩ ngay tới cụm từ "siêu to khổng lồ", đối lập với thân hình nhỏ nhắn của bà. Dù làm nhiều clip, tự nhận mình "tham ăn", nhưng mãi bà chỉ mới tăng được nửa cân. Kích thước các món ăn chính là bí quyết tiếp theo thu hút người xem, cũng là mấu chốt để các kênh Youtube sau này bắt chước bà Tân Vlog. Thường thì bà chỉ nấu những món "đơn giản" thôi, như "Nồi lẩu siêu cay khổng lồ", "Cốc trà sữa khổng lồ", "Đĩa cá viên chiên khổng lồ", "Đĩa cơm sườn siêu to khổng lồ",... Nói chung là phải "siêu to khổng lồ". Không cần đầu tư công phu về bối cảnh và hình ảnh, mọi clip của bà thường quay ngay ở sân nhà, vườn nhà với những dụng cụ nấu bếp quen thuộc của người nông dân như nồi đất, mâm sắt.
Điều người xem thích thú nhất trong mỗi clip nấu ăn của bà Tân chính là sự mộc mạc, giản dị kèm lối dẫn dắt chân thật. Không tập luyện trước, đứng trước máy quay là một người nông dân thực thụ, có chút vụng về, ấp úng. Cứ như thế, ai cũng háo hức không biết hôm nay bà Tân sẽ nấu món gì? Cháu nào may mắn được làm diễn viên quần chúng chuyên ăn trong clip của bà?
Đặc biệt, đằng sau sự thành công của một người mẹ, không thể thiếu vắng "bàn tay vàng" trong làng Youtube của cậu con trai Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog) - một nhân vật cũng "nổi đình nổi đám" không kém với kênh Youtube triệu sub của mình. Hưng bỏ công ty, bỏ mức lương ổn định để về nhà, làm những clip kể về cuộc sống thường nhật tại vùng thôn quê. Tuy được thực hiện một cách đơn giản nhưng những sản phẩm của Hưng đều đạt thành tích rất "khủng" trên Youtube. Chính những clip "troll mẹ" cùng kinh nghiệm 2 năm làm Youtube của Hưng đã tạo ra tiền đề rất lớn cho kênh Bà Tân Vlog sau này. Anh được dân mạng cho rằng là "người đứng sau" góp phần đưa bà Tân Vlog trở thành một hiện tượng mạng xã hội trong thời gian qua, chạm đến những con số trong mơ đối với bất kỳ Youtuber nào.
Cậu con trai đứng sau thành công của Bà Tân Vlog.
Một khi đã làm Youtube, bất cứ ai cũng phải chịu luồng bình luận hai chiều từ dư luận. Một số người cho rằng Hưng đang lợi dụng hình ảnh của mẹ để kiếm tiền. Số khác chê bai nội dung nhảm nhí, vô bổ, không phù hợp với tiêu chuẩn của Youtube. Thay vì nhìn vào sự đánh giá của cộng đồng mạng, Hưng nhận ra sự thay đổi rõ rệt ở mẹ mình. Từ ngày có kênh Youtube riêng và được thoả chí đam mê nấu ăn bất tận, bà Tân vui hơn trước. Ngày nào cũng có khách tới nhà chơi, xin chụp ảnh. Anh để mẹ tự vui trong niềm vui giản đơn mỗi ngày của mình, là được đi chợ nấu những món ăn yêu thích và đón nhận sự hưởng ứng của các fan "khổng lồ", "siêu cay" của bà.
Cuộc sống không cho chúng ta quyền lựa chọn. 5 người 10 ý, đương nhiên một mình hay thậm chí cả 10 bà Tân cũng không thể làm vừa lòng tất cả. Dù sao thì, câu chuyện bà lão nông dân U60 cùng "cái đầu thiên tài" của người con cả, vẫn luôn có thể là niềm cảm hứng cho bất cứ ai có nhu cầu.
Ông Ba Vlog và những ông bà Vlog khác
Ăn theo thành công của bà Tân Vlog là hàng loạt các kênh Youtube với công thức chung "bà già", "ông già" cùng những món ăn "khổng lồ" liên tục ra đời. Hiện nay, sự phủ sóng của thế hệ Vlogger đứng tuổi đang ngày càng một lớn hơn, như: Bà Sáu TV, Bà Tám Vlog, Bà Đường Vlog, Bà Mập Vlog… Thậm chí, cánh đàn ông cũng không nằm ngoài cuộc đua khi chỉ sau một đêm cũng đã xuất hiện thêm kênh "Ông Ba Vlog" với tuyên bố chắc nịch: Lấy lại danh dự cho cánh đàn ông với khả năng làm Vlog hấp dẫn không thua kém gì các bà!
Ông Ba Vlog bên chảo mì siêu to khổng lồ.
Được biết, ông Ba Vlog tên thật là Đỗ Văn Ba, 73 tuổi, hiện đang sống tại Thái Nguyên. Ông Ba kể, dạo này ông thấy trên mạng có bà Tân Vlog đang "làm mưa làm gió" quá nên ông phải bảo ngay thằng cháu lập cho ông một kênh, để cánh đàn ông theo kịp phụ nữ trong cái thời đại công nghệ "bốn chấm không" này.
Ông Ba xuất hiện lật đổ danh xưng Youtuber lớn tuổi nhất Việt Nam của bà già 61 tuổi. Ông từng chia sẻ, ông già rồi, không thể đi cày cuốc lao động nữa nhưng không muốn ngồi chơi. Ông muốn đem niềm vui, giúp ích cho con cháu.
Theo công thức của Bà Tân Vlog, ông Ba thực hiện những món ăn "khổng lồ" để thu hút người xem. Trong clip đầu tiên, người đàn ông 73 tuổi làm thau hoa quả dầm siêu to, đạt 2,5 triệu lượt xem. Cách thực hiện tuy đơn giản, tự nhiên nhưng chính nhờ công thức "khổng lồ" vốn đang được quan tâm, đã giúp ông Ba nhận về những phản hồi khá tốt từ cộng đồng. Tính đến nay, kênh của ông Ba đạt 237.000 lượt đăng ký, bỏ xa nhiều "đối thủ" Vlog khác.
Và những cụ bà tương tự khác tuy đều chung công thức "siêu to khổng lồ", nhưng sự tương tác lẫn mức độ nổi tiếng không thể bằng tốc độ chóng mặt của Bà Tân Vlog. Liệu, với xu thế này, trong tương lai Youtube sẽ còn đón chào những ông bà Vlog nào khác nữa hay không?
Ẩm thực mẹ làm
Giữa những náo nhiệt của thị trường Youtube, đi ngược lại với xu thế, len lỏi trong số những ông bà làm Vlog tràn lan, kênh "Ẩm thực mẹ làm" như một vệt sáng dung dị khiến ai xa quê cũng thổn thức.
Hình ảnh mẹ và con là chủ đề chính trong các clip của kênh Youtube "Ẩm thực mẹ làm". Mẹ không nấu những thứ "siêu to khổng lồ", hôm nay mẹ nấu bánh đúc, ngày mai là đĩa gà xào sả ớt, hôm sau con có bát canh cua mát rượi ngày hè. Cứ như thế, mẹ bước vào "lãnh địa" Youtube tự nhiên như chính hơi thở thường ngày.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của mẹ có bếp củi nồng đượm khói chiều, có khu vườn xanh mát, có 2 chú chó Mập Mập và Lạc Lạc, có đôi bạn gà thỉnh thoảng đi lạc vào khoảng sân và cả bầy heo thay nhau kêu ầm ĩ từng hồi. "Ẩm thực mẹ làm" ra đời giữa chốn quê hương thân quen như thế, mặc cho ngoài kia, làn sóng dữ dội của thế hệ người già làm Youtube xoay vần mỗi ngày. Mẹ chọn con đường đi khác biệt, mộc mạc, chân phương và vô cùng đẹp đẽ.
Mẹ là Dương Thị Cường, 55 tuổi, sinh sống tại Tân Sơn 9, Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên. Mẹ không hiểu Youtube là gì và mẹ phải "diễn" như thế nào. Nhưng con trai mẹ, là cậu thanh niên 23 tuổi Đồng Văn Hùng bảo rằng, mẹ không cần phải làm gì cả. Cứ hãy là mẹ của mỗi ngày: đồng áng và cơm nước. Chỉ quanh quẩn thế thôi. Và mẹ hiểu ra từng ngày, từ sự ngượng ngùng ban đầu cho đến những clip bỡ ngỡ đầu tiên.
Bất kể món gì, mẹ cũng nấu được, bằng chính nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, gia vị thêm tình thương và sự mộc mạc. Mỗi clip là một thước phim ngắn, tái hiện chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của mẹ. Thứ nhạc Hùng đưa vào, khiến người nghe da diết từng khúc. Cảnh Hùng quay, dù không quá cầu kì, nghệ thuật, nhưng đủ đẹp và dễ đi vào lòng người. Đôi khi, chỉ là tiếng lá vỗ xào xạc vào nhau, hay vài tia nắng sót lại của một buổi chiều quê. Ai cũng thòm thèm dõi theo từng cảnh mẹ nấu, muốn ăn thử, làm thử,... và hơn thế, là muốn chạy ngay về với mẹ, ngồi bên mâm cơm nhà giản dị mà yêu thương.
"Ẩm thực mẹ làm" chính thức "chào sân" Youtube từ ngày 26/2/2019. Sau 96 ngày xây dựng, kênh đạt mốc 100.000 người đăng ký, 22 clip, lượt xem trung bình 200-300 nghìn. Một sự phát triển tuy chậm nhưng chất lượng. Và hơn hết thảy, ước mơ nút bạc của 2 mẹ con đã trở thành hiện thực.
Từ con số 0 tới 50.000 người đăng ký, Hùng tự hào, lý do "Ẩm thực mẹ làm" gây được sự chú ý là nhờ nội dung. Làm Youtube, bên cạnh những chiêu trò, nội dung vẫn phải là ưu tiên số một. Những gì là trào lưu, thường chỉ kéo dài một thời gian rồi biến mất. Hành trình tiếp theo chạm mốc 100.000 đăng ký, không ai giúp đỡ, với một Youtuber "chân ướt chân ráo" như Hùng, đó phải gọi là sự may mắn.
Có người xem clip của "Ẩm thực mẹ làm", bảo nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi bỗng chốc muốn thu mình lại, cảm thấy mệt mỏi giữa phố xá thị thành. Xin một tấm vé về với tuổi thơ, vào mùa nhanh nhanh chóng chóng lẽo đẽo theo mẹ đi cấy. Vui có, buồn cũng có, nhưng đọng lại những ký ức không bao giờ quên được. Nơi mà có thể bây giờ là những con đường bê tông hoá, hiện đại biết nhường nào, đều có dấu chân của những ngày thơ bé.
Người trẻ nói gì về trào lưu người già làm Vlog
Đã là một trào lưu, "thời gian sống" chỉ được tính trong một phạm vi rất hạn hẹp. Thị trường Youtube của thế hệ người già tạm thời chia làm 2 mảng: Bà Tân cùng những người bạn "siêu to khổng lồ", còn bên kia là "Ẩm thực mẹ làm" đậm chất nghệ thuật. Khi vô tình trở thành tâm điểm của mạng xã hội, nhất là sự thành công vượt mức tưởng tượng của bà Tân, dù muốn hay không, đều trở thành chủ đề để dư luận mổ xẻ. Điều này đồng nghĩa với việc khi trở thành người "nổi tiếng", người già làm Vlog phải đối mặt với dư luận.
Đã có rất nhiều người làm Youtube bày tỏ thái độ, đánh giá các kênh Youtube kể trên là không có sự sáng tạo. Họ cũng lên án chính sự ủng hộ "dễ dãi" của người xem đã giúp bà Tân, bà già 61 tuổi hay ông Ba dễ dàng kiếm tiền từ YouTube. Nhưng điều quan trọng, người già làm Youtube đâu hẳn là vì tiền?
Số đông còn lại thì khác. Họ ủng hộ. Bởi ở đó, họ bắt gặp hình ảnh thân thuộc của bà, của ông, của mẹ mình ngày xưa. Sự dung dị từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động, dù có thể được lên sẵn kịch bản, nhưng cũng không che lấp được nét mộc mạc, đơn sơ ăn sâu vào bản chất con người họ. Đã xuất phát điểm từ người nông dân, không bao giờ họ mất đi con người thật vốn có của mình.
Suy cho cùng, thay vì bỏ mặc phần cuối cuộc đời với u sầu và nỗi ám ảnh về tuổi già, tại sao người già không có quyền thể hiện bản thân và làm những điều họ yêu thích? Bà Tân, hay bất cứ bà nào đi chăng nữa, họ chẳng làm điều gì sai trái. Niềm vui giản đơn ít ai ngờ, lại xuất phát từ những món ăn tưởng như thân quen, mà sao vui vẻ thư giãn đến thế.
Bà Tân, ông Ba, bà già 61 tuổi hay "Ẩm thực mẹ làm",... đều đến với người xem bằng cái duyên, cái nết giản dị bên trong con người. Mà đã là duyên thì không ai cản được. Họ là đại diện những người mẹ, người bà lâu nay chỉ ở trong gian bếp nhỏ gia đình. Họ không biết tới công nghệ nên họ khác biệt so với những người khác. Nếu muốn chê trách, chúng ta phải tìm được lý do, chỉ một thôi cũng được. Nhưng ít nhất, như mọi người đều thấy, thế hệ người già không lấy sự nổi tiếng của mình để lan truyền những điều vớ vẩn.
Độc giả Trần Thăng Long từng bày tỏ quan điểm cá nhân: "Câu chuyện thành công của bà Tân là một câu chuyện truyền cảm hứng đầy tích cực". Người chê, kẻ khen, nhưng biết đâu với ai đó, họ lại rất cần niềm cảm hứng giản dị như này. Niềm vui miễn là không độc hại, không ảnh hưởng đến xã hội thì chả có gì mà phải lên gân.
"Phụ nữ nông thôn đa phần sẽ ngày ngày lo việc nhà, buôn bán, ngồi trò chuyện với hàng xóm và lần mò xem youtube, chơi game. Với sự giúp đỡ của con trai, bà Tân có một thú vui hằng ngày, và được ủng hộ, có thu nhập lương thiện từ niềm vui ấy. Đó là một câu chuyện đẹp và đầy tích cực. Rằng cứ thử, cứ mày mò làm những gì mình vui, vì biết đâu một cách không ai có thể nghĩ ra, chúng ta lại thành công?
Còn nếu tức giận với khán giả và cộng đồng, thì đó lại càng là một nỗi tức giận vô ích. Nếu đã là người làm sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, chưa thể chấp nhận nhu cầu khó đoán của khán giả chỉ là một thiệt thòi và bi kịch bất tận không lối thoát. Nội dung Vlog bà Tân có thể không bổ ích, không đầu tư, ngô nghê; nhưng lại càng không độc hại hay xấu xa để ngăn cấm. Niềm vui giải trí bà mang lại cho khán giả là thật, và nó hoàn toàn có ích. Và đến tận cùng, công chúng chưa bao giờ là đối tượng để chỉ trích hay lên lớp. Họ là đối tượng để đáp ứng và khơi gợi, phục vụ" - anh viết.
Chẳng phải đâu xa, đồng nghiệp của tôi cũng tự nhận là "fan cứng" của bà Tân Vlog. Chị xem không sót một clip nào, chị đọc vanh vách những câu cửa miệng của bà Tân, chị chia sẻ với mọi người, chị đưa nền văn hoá nông thôn vào chính đời sống hiện đại. Và sau cùng, chính chị chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán mỗi khi đợi chờ một clip mới của bà ra đời.
"Thật sự thì mình cảm thấy bà Tân Vlog là một phần nào đó giúp mình nhìn lại những thứ, những món ăn hằng ngày trong cuộc sống mà đôi khi mình còn chả thèm quan tâm làm như thế nào. Người quê thì chỉ nói được những lời mộc mạc như thế thôi. Mình xem, ủng hộ Lý Tử Thất của Trung Quốc, ngợi khen sự phấn đấu và tài nghệ gia chánh của người ta thì với một người làm bếp nhà quê, tuy làm clip không màu mè sắc sảo, giới thiệu cũng không có gì đặc sắc nhưng nó vẫn mang nét riêng của một người cần mẫn làm ẩm thực. Mình xem thấy vui vui, không có gì đáng phải chỉ trích. Người lớn tuổi còn đủ mạnh khoẻ để làm việc, đó là một điều đáng học tập" - chị chia sẻ.
Theo Eileen Brown - chuyên gia tâm lý người Anh, người già làm Vlog không hẳn vì tiền. Họ chỉ muốn tìm niềm vui bằng cách chia sẻ kinh nghiệm sống, những câu chuyện và đam mê thời thơ ấu, hoặc đơn giản là giảm bớt sự cô đơn cho tuổi già.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ, những người đàn bà thôn quê mộc mạc, với những clip ngắn, hài hước, dung dị, mang đến cho công chúng những nụ cười tích cực. Nếu như không có những công cụ tương tác trực tuyến như Youtube, Facebook, những người phụ nữ như bà Tân không bao giờ có cơ hội được biết đến.
"Thế giới đang thay đổi bởi những cơ hội mà công nghệ mang đến cho rất nhiều thân phận bé mọn trong xã hội. Chỉ cần bạn có tài năng, hoặc chỉ đơn giản là nét duyên trong cuộc sống hang ngày, bạn có thể dễ dàng chia sẻ và lan tỏa tài năng, và sự duyên dáng tới mọi người, thậm chí có thể kiếm được tiền từ đó.
Hôm nay, chúng ta thú vị với một bà Tân làm các món đồ ăn khổng lồ. Ngày mai, có thể chúng ta sẽ say mêmột ông giáo già về hưu hang ngày chia sẻ những cách thức thú vị để giải toán phổ thông, một cô giáo trẻ say mê phân tích về tiếng Việt hiện đại, một anh thợ cơ khí trình diễn mẹo vặt để tự sửa chữa đồ dùng gia đình…
Cuộc sống về cơ bản là một dòng chảy có bên lở, bên bồi, nhưng phù sa mà nó bồi đắp nên những nền văn minh bao giờ cũng đáng kể hơn là những cơn lũ mà nó gây ra. Điều quan trọng là mỗi chúng ta ứng xử và tiếp nhận sự bồi đắp đó như thế nào”.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu Bà Tân Vlog hay những "bà già Vlog" khác đặt chân vào miền đất YouTube sẽ là một xu hướng mới hay chỉ là một trào lưu "sớm nở vội tàn"? Câu hỏi này không nhất thiết phải có câu trả lời, nhỉ!
Vì mỗi người đều có quyền lựa chọn xem hoặc không xem các sản phẩm của Youtube. Nếu cảm thấy không thích thì có thể không xem, đâu có ai ép buộc bạn phải xem bà Tân nấu món lẩu siêu cay khổng lồ như thế nào hay mẹ Cường chế biến món bánh đúc ra làm sao. Nhưng, nếu dùng những từ ngữ thô bỉ để miệt thị một người, nhất là người đã có tuổi, lại chẳng làm gì sai thì quả là không nên.
Vì suy cho cùng, đi gần hết cuộc đời này cũng 70-80 "nồi bánh chưng", điều ông bà cần là niềm vui, sự nhẹ nhõm, thế là đủ.
Trí thức trẻ