Trào lưu uống trà sữa thay rượu bia ở Trung Quốc
Một số công ty sản xuất đồ uống ở Trung Quốc đại lục đã tham gia vào thị trường tiệc cưới và những cặp tân hôn sinh vào những năm 1990, 2000 đang thịnh hành trào lưu đặt mua hàng trăm tách trà sữa để thay thế đồ uống bia rượu truyền thống.
- 04-10-2024Phê La 'pha lâu' nhưng vẫn 'hot' nhất thị trường trà sữa: Lượng thảo luận tăng gần 75% nhờ kéo được khách đi xếp hàng lúc 4h sáng
- 28-09-2024Thử ăn mỳ trà sữa trân châu Yu Tang 100k/bát đang xôn xao cõi mạng: có khó ăn như nhiều người phỏng đoán?
- 28-09-2024Những review đầu tiên về mì trà sữa trân châu bắp bò: Giá bằng 2 bát phở, hương vị ra sao mà gây tranh cãi?
Đường đua mới đã thu hút các công ty nước giải khát lớn tham gia. Trong đó thương hiệu “Hey Tea” (Hỉ Trà) được quảng cáo là có cách phát âm giống với “Song Hỉ”; mẫu ly trà của Bá Vương Trà Cơ có màu đỏ và vàng, thiết kế mẫu mã phù hợp với không khí đám cưới; “Trà Bách đạo” cũng ra mắt sản phẩm mới (màu trắng), trên vỏ ly màu sữa phủ hoa quế vàng, mang ý nghĩa “Kim ngọc mãn đường” (Vàng ngọc đầy nhà) nhằm chiếm được cảm tình của người tiêu dùng… Theo thống kê, chỉ riêng “Trà Bách đạo” đã bán được gần 18 triệu ly trà sữa phục vụ các đám cưới trong năm nay.
Tại một đám cưới được tổ chức gần đây ở Nam Ninh, Quảng Tây, cặp vợ chồng thế hệ 9X đã đặt mua 320 ly “Hey Tea” để quý khách nâng ly chúc phúc. Đồng thời, vật liệu bao gói và trang trí tiệc cưới độc quyền của Hitea đã được đặt hàng điều chỉnh để phù hợp với phong cách chung của tiệc cưới. Chú rể Tiểu Vĩ là fan hâm mộ lâu năm của Hey Tea. Tiểu Vĩ cho biết anh muốn đám cưới của mình diễn ra cá tính và thú vị mà không làm mất đi không khí vui vẻ, đồng thời xét thấy hầu hết khách mời đều là những người trẻ tuổi, thường ngày hiếm khi uống rượu, nên anh quyết định mua Hey Tea thay vì đồ uống rượu bia.
Chữ “Hey” trong tên thương hiệu “Hey Tea” và chữ “Hỉ” đồng âm nên dường như nó có gen tự nhiên dành cho thị trường tiệc cưới. Người quản lý cửa hàng Hey Tea Hangyangchen tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Nam Ninh, Quảng Tây, nơi tiếp nhận đơn đặt hàng đám cưới của Tiểu Vĩ, cho biết trong các dịp nghỉ lễ dài ngày như Quốc tế Lao động (1/5) và Quốc Khánh (1/10), số lượng đơn đặt bữa ăn tiệc cưới trong cửa hàng thường tăng lên khoảng 150 đến 200 ly mỗi đơn hàng. “Sau mỗi đám cưới, nhiều khách dự tiệc đến hỏi cách mua Hey Tea theo nhóm, giá cả và dịch vụ như thế nào”.
Tiểu Vĩ nói với phóng viên tờ “First Finance” (Đệ nhất Tài Kinh) của Trung Quốc, trong những khách hàng tổ chức tiệc cưới mà anh tiếp xúc, tỷ lệ khách hàng lựa chọn dùng trà thay rượu tuy chưa nhiều, nhưng số lượng tổng thể đang ngày một tăng.
Thương hiệu trà sữa mới của Trung Quốc “Bawang Tea Girl” (Bawang Chaji – Bá Vương trà cơ) cũng đã chiếm được thị phần tiệc cưới quan trọng. Trong 9 tháng đầu năm nay, thương hiệu này đã cung cấp khoảng 1,5 triệu ly trà cho các đám cưới, họp mặt hẹn hò, lễ kỷ niệm nơi làm việc và các cuộc tụ họp tập thể khác. Trong dịp Quốc Khánh, số lượng đơn đặt hàng theo nhóm đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, loại trà sữa có tên là “Wanli Mulan” (Vạn lợi Mộc lan) rất được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ thân cốc màu đỏ bắt mắt, phù hợp với không khí đám cưới. Một nhân viên của công ty này cho biết gần đây họ đã nhận được lời mời hợp tác lâu dài từ nhiều công ty tổ chức tiệc cưới và đang nghiêm túc xem xét.
“Cha Baidao” có nhiều loại đồ uống được người tiêu dùng trong các đám cưới ưa chuộng. Ví dụ, loại trà sữa hoa quả “Yangzhi Ganlu” (Dương Chi Cam lộ) phù hợp với mọi lứa tuổi. Xoài và bưởi đỏ trong ly đồ uống tạo nên tông màu “vàng + đỏ rực”, mang đến cho người dùng cảm giác lễ hội, sống động và ngọt ngào. Một sản phẩm khác là sản phẩm mới “Quế Hoa Kim tuyên nãi đông”, trên thân ly màu sữa phô mai màu trắng đục được rắc những cánh hoa quế vàng, chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng với ngụ ý đẹp đẽ là “Kim ngọc mãn đường” (Ngôi nhà tràn ngập vàng ngọc) và “Kim ngọc lương duyên” (Cuộc hôn nhân tốt đẹp như vàng và ngọc). Người phụ trách “Cha Baidao” cho biết, năm nay thương hiệu này đã bán được gần 18 triệu cốc (ly) đồ uống phục vụ theo nhóm, trong đó có nhiều đơn hàng lớn hàng trăm cốc cùng lúc, với số lượng giao dịch mỗi lần hàng ngàn Nhân dân tệ.
Về xu hướng mới “thay rượu bằng trà sữa” trong các tiệc cưới hay các cuộc họp mặt tập thể, ông Chu Đơn Phùng, Phó chủ tịch Hiệp hội xúc tiến an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Đông, cho rằng đây là một bước mở rộng hơn nữa của bối cảnh tiêu thụ trà sữa mới kiểu Trung Quốc. Tiệc cưới mua đồ uống trà sữa kiểu mới nhìn chung tương đối cao cấp, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, thương hiệu và an toàn thực phẩm. “Nếu chất lượng không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn đến thương hiệu, thị trường đám cưới là con dao hai lưỡi. Vì vậy, ngoài mẫu mã bắt mắt, phù hợp ra, chất lượng sản phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất đồ uống”.
Tiền Phong