Trầy trật thi hành án dân sự
Trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, các cơ quan thi hành án dân sự đau đầu khi thi hành bản án vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo dự kiến, sáng nay (25-12), TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ tuyên án vụ "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng Việt Nam (VNCB) do có kháng cáo của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm. Liên quan đến vụ án này, trước đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Danh đã có đơn gửi Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP HCM yêu cầu hoãn thi hành án và chờ kết quả tuyên án giai đoạn 2.
Khó thu hồi tài sản
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cục THADS TP HCM đang thi hành nhiều vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng với số tiền hơn 10.000 tỉ đồng. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, NH TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank TP HCM)... Theo Cục THADS TP, việc thi hành bản án gặp không ít khó khăn vì số tiền phải thi hành án lớn trong khi người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa.
Luật sư yêu cầu hoãn thi hành án dân sự đối với ông Phạm Công Danh
Đối với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, TAND Cấp cao tại TP tuyên phạt bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sau khi thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho nhà nước 500 tỉ đồng và Huyền Như không còn tài sản nào khác để thi hành. "Độc chiêu" của Huyền Như khiến các cơ quan đau đầu là tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng. Như tài sản của Huyền Như mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền; tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù hoặc nhận tiền đền bù nhưng vẫn không chuyển đi.
Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Danh và các đồng phạm đã gây tổng thiệt hại khoảng 15.260 tỉ đồng. Kết thúc xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, tòa đã ra quyết định thu hồi, thiệt hại còn lại là 2.556 tỉ đồng. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2, tòa tuyên thu hồi tài sản được xem là vật chứng vụ án từ các cá nhân, thiệt hại giai đoạn 2 không còn và dư ra 1.383 tỉ đồng. Chính vì điều này, các luật sư đã kiến nghị hoãn thi hành án về trách nhiệm dân sự của bị cáo Phạm Công Danh đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao cho đến khi kết thúc vụ án bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm ở giai đoạn 2, phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Theo luật sư, nếu thi hành trách nhiệm dân sự của ông Danh tại bản án phúc thẩm giai đoạn 1 trước khi hoàn tất việc giải quyết vụ án của bà Hứa Thị Phấn giai đoạn 2 và vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 thì sẽ tác động nghiêm trọng đến việc khắc phục hậu quả của vụ án.
Cần đánh giá toàn diện
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Mỗi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành theo đúng Luật Thi hành án mà không phụ thuộc vào vụ án đó có nhiều giai đoạn hay không. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng tách ra thành những giai đoạn khác nhau là để thuận lợi, phù hợp với quá trình điều tra và mỗi giai đoạn có ý nghĩa khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, ở phương diện nào đó, các giai đoạn sau cũng có một sự ảnh hưởng nhất định đối với các giai đoạn trước đó của cùng một vụ án.
Theo ông, các luật sư có kiến nghị hoãn thi hành án về dân sự đối với ông Phạm Công Danh và đợi kết quả phúc thẩm Phạm Công Danh - Hứa Thị Phấn giai đoạn 2 có một ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giải quyết vụ án, cần được sự xem xét, cân nhắc của cơ quan có thẩm quyền là Cục THADS TP. Cần dựa vào vào khoản 1 và 2 điều 48 Luật THADS năm 2014 để xem xét có thuộc trường hợp được hoãn hay không.
Đối với các vụ án liên quan đến tài sản lớn và có tính chất phức tạp (như vụ án được tách thành nhiều giai đoạn để xử lý) thì việc thi hành án chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cho cả người phải thi hành án và cơ quan thi hành án. Vì Luật THADS hiện nay cũng còn có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc hoãn thi hành án cũng như việc ràng buộc thực hiện thẩm quyền yêu cầu hoãn. Để có thể bảo đảm vụ việc được xem xét cẩn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân, cơ quan THADS cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kiến nghị của các luật sư.
Ông Danh dính bẫy lừa của bà Phấn?!
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng lại NH Đại Tín (TrustBank) từ ông Hà Văn Thắm. Trong vụ này, ông Hà Văn Thắm đã nhận 500 tỉ đồng tiền "lót tay" từ ông Danh để nhượng NH. Trên phương án tái cơ cấu TrustBank được NH Nhà nước phê duyệt, ông Hoàng Văn Toàn đã đại diện TrustBank chuyển nhượng 252 triệu cổ phần TrustBank cho ông Danh với tổng số tiền 4.619 tỉ đồng để bà Hứa Thị Phấn tất toán nợ với TrustBank.
Theo ông Phạm Công Danh, khi nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của các cổ đông tại TrustBank không phải để mua NH này mà để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp (bà Phấn được coi là đại diện cho "nhóm Phú Mỹ" gồm 30 công ty). Khi thị trường bất động sản tốt lên, ông Danh hy vọng sẽ bán được các bất động sản này, trong đó có 2 bất động sản lớn là hơn 9 ha đất ở quận 2 và 25,4 ha đất ở Nhà Bè (TP HCM), sẽ có tiền để tái cơ cấu NH. Các luật sư đánh giá đây có thể là sai lầm lớn nhất của ông Danh vì số tài sản này không được chuyển nhượng, 30 doanh nghiệp này cũng không ủy quyền cho bà Phấn kể cả ông Danh. Trong khi đó, ông Danh đã thanh toán 3.658 tỉ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn tại TrustBank.
Luật sư đánh giá nguyên nhân của vụ án xuất phát từ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Phấn và một số cá nhân có trách nhiệm điều hành TrustBank đã chiếm đoạt tiền của chính TrustBank. Cụ thể, luật sư cho rằng bà Phấn và những người liên quan đã chiếm đoạt tiền của các khách hàng bằng cách nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3 chiếm đoạt 1.105 tỉ đồng và chiếm đoạt 5.256 tỉ đồng đối với hành vi hạch toán thu - chi khống để giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang.
Người lao động