Trên đà kiếm được triệu USD ở tuổi 34, cô gái chia sẻ 7 thói quen giúp kiếm tiền nên áp dụng trước khi sang tuổi 40
Thay đổi thói quen tài chính là chìa khóa để cải thiện thu nhập và đây là 7 thói quen giúp kiếm tiền nên áp dụng trước khi bạn bước sang tuổi 40.
- 23-09-2021Ngoài thị trường chứng khoán, đây là 4 cách đầu tư tiền mà chuyên gia đề xuất, cách thứ 4 được khẳng định là khôn ngoan sáng suốt
- 23-09-2021Tài sản của "tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới" lại bốc hơi thêm 10 tỷ USD chỉ trong vài ngày
- 22-09-2021Chán cảnh nghèo khó ở thành phố, người đàn ông tay trắng về quê, lập nghiệp từ những gốc cây và trở thành triệu phú
Vào những năm đầu 20 và 30 tuổi, Mandi Woodruff-Santos đã có những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp và phát triển các chiến lược kiếm tiền thông minh giúp tối đa hóa thu nhập của mình.
Mandi Woodruff-Santos là chuyên gia tài chính cá nhân, nhà báo từng đoạt giải thưởng, nhà chiến lược nội dung và là người đồng dẫn chương trình podcast Brown Ambition.
Ở tuổi 34, cô có số tài sản hơn 700.000 USD (chủ yếu từ thu nhập cá nhân, tài khoản hưu trí, vốn sở hữu nhà, tài khoản tiết kiệm và đầu tư). Mandi đang trên đà kiếm được 1 triệu USD vào sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Cô chia sẻ rằng thay đổi thói quen tài chính là chìa khóa để có được ngày hôm nay. Dưới đây là 7 thói quen kiếm tiền nên áp dụng trước khi bạn bước sang tuổi 40.
1. Tiết kiệm và đầu tư cùng lúc
Mandi là sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Cô đã từng rất lo lắng về việc đầu tư tiền của bản thân vì sợ đánh mất tiền vào một nguy cơ sụp đổ thị trường khác.
Nhưng cô đã nhận ra rằng việc giữ khư khư tiền tiết kiệm trong tài khoản sẽ mang lại cảm giác "an toàn hơn", nhưng nó cũng ngăn cản cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn.
Vì thế, Mandi đã nghĩ ra kế hoạch cho phép cô vừa tiết kiệm, vừa đầu tư mà vẫn an tâm ngon giấc. Cô thiết lập chuyển tiền tự động cho số lương hàng tháng: 10% lương vào 401(k) – một kế hoạch tiết kiệm hưu trí mà chủ lao động trích một phần tiền lương nhân viên để bỏ vào quỹ, và 10% khác vào một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.
2. Can đảm nghỉ việc để tìm cơ hội lương cao hơn
Khi đã có thói quen đầu tư và tiết kiệm 20% tiền lương hàng tháng, bạn nên tập trung vào việc tăng thu nhập để có thể đầu tư và tiết kiệm nhiều hơn.
Điều đó có nghĩa là bạn nên theo đuổi một sự nghiệp thăng tiến. Bạn có thể thỏa thuận tăng lương hoặc tìm kiếm những công việc thu nhập cao hơn, mang lại cơ hội thăng tiến hơn cho sự nghiệp.
Mandi chia sẻ rằng mỗi khi cô tìm công việc mới, mức lương của cô phải tăng ít nhất 30%. Cô cũng lưu ý rằng tất nhiên, bước đi này không hẳn phù hợp với tất cả mọi người. Bạn cần đảm bảo tính toán đến mọi tình huống và mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.
Ở tuổi 24, Mandi kiếm được 45.000 USD/năm, vì vậy tỷ lệ đầu tư 10% đồng nghĩa với việc cô đã dành khoảng 4.500 USD vào quỹ 401(k). Sau 5 năm và một vài lần thay đổi công việc, thu nhập của cô đã là hơn 150.000 USD và lần đầu tiên cô có thể đạt tối đa quỹ 401(k) của mình.
Nếu chỉ lập ngân sách và cắt giảm chi tiêu, cô sẽ không đạt được cột mốc đó.
3. Tránh lạm phát lối sống
Đối với người trẻ, mỗi lần tăng lương giống như một cái cớ để tận hưởng và tiêu xài thả ga. Họ tìm cho mình một căn hộ lớn và tiện nghi hơn, hoặc tìm kiếm nhiều chuyến đi và kỳ nghỉ hơn.
Đối với Mandi, cô đã cố gắng giữ cho chi phí sinh hoạt của mình ở mức thấp. Cô đặt ra quy tắc là không chi quá 30% số tiền trả hàng tháng cho việc thuê nhà, nghĩa là cô vẫn ở ghép với bạn cùng phòng mặc dù đủ khả năng chi trả cho một chỗ ở riêng.
Khi Mandi cần tiết kiệm cho đám cưới của mình, cô và chồng tương lai đã chuyển đến nhà bố mẹ chồng để ở trong 6 tháng. Điều này thật không dễ dàng, nhưng cặp đôi đã tiết kiệm được 11.000 USD cho ngày trọng đại của mình.
Mandi Woodruff-Santos, một chuyên gia tài chính cá nhân, đang trên đà kiếm được 1 triệu USD nhờ thay đổi những thói quen tài chính.
4. Đừng tạo ra ngân sách cứng nhắc mà bản thân không đáp ứng được
Mandi đã rất năng nổ cho kế hoạch ngân sách đầu tiên của mình với mục tiêu tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, cô luôn thấy thất vọng về bản thân khi dành tiền cho những thứ khác như bữa ăn tối ngoài nhà hàng hay những món quà ngày lễ.
Cuối cùng cô nhận ra rằng lập nên một kế hoạch cứng nhắc không đem lại kết quả tốt cho bản thân. Cô thấy tội lỗi khi mua những thứ mà thậm chí bản thân cô cũng không cho đó là hành động vô trách nhiệm.
Vì vậy, thay vào đó, Mandi tập trung tự động hóa tất cả các khoản thanh toán hóa đơn, bao gồm các khoản đóng góp và đầu tư tiết kiệm. Bằng cách đó, mỗi đồng tiền cô có trong tài khoản là số tiền mà cô biết mình có thể chi tiêu.
5. Xây dựng các mối quan hệ sớm trong sự nghiệp
Nếu không phải một người hướng ngoại, bạn cũng hoàn toàn có thể nuôi dưỡng những mối quan hệ với một vài người nhất định. Điều này cũng đem lại hiệu quả tương tự khi hòa nhập với nhiều người lạ cùng một lúc.
Mandi chia sẻ rằng mình là người hướng nội, nhưng cô vẫn giữ liên lạc với bạn bè cũng như đồng nghiệp cũ và hiện tại. Cô theo dõi công việc của họ qua chia sẻ trên mạng xã hội. Đôi khi, Mandi sẽ gửi tin nhắn hoặc email để trao đổi và truyền đi những năng lượng tích cực.
Khi thấy tin tuyển dụng có thể ai đó sẽ quan tâm, Mandi liền gửi nó cho họ. Đổi lại, cô cũng nhận được những chia sẻ tương tự. Điều này mang đến cho cô cơ hội tìm kiếm những công việc tuyệt vời hơn.
Đó cũng là một cách để luôn cập nhật thông tin về việc làm cũng như mức lương trong ngành. Nhờ đó, cô luôn xác định được rằng bản thân đang được trả một mức lương hợp lý trên thị trường.
6. Chú ý báo cáo tín dụng hàng tháng
Ở tuổi 20, Mandi đã từng trả 12.000 USD vì những gian lận tín dụng. Từ đó, cô luôn có nỗi ám ảnh phải kiểm tra báo cáo tín dụng xem có hoạt động gian lận nào xảy ra không.
Cô sử dụng các công cụ để nhận cảnh báo gian lận. Mandi luôn để ý tới các hoạt động đáng ngờ. Khi có biết kỳ bằng chứng gian lận nào, cô liền báo cáo cho các văn phòng tín dụng.
Mandi cho rằng với tình hình gia tăng của gian lận thẻ tín dụng trong thời đại dịch, việc hình thành thói quen kiểm tra trong quản lý tài chính là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
7. Thuê cố vấn tài chính nếu bạn cần trợ giúp để giải quyết thách thức lớn
Không phải ai cũng cần đến cố vấn tài chính để xây dựng sự giàu có. Mandi là người đã biết cách đầu tư, tiết kiệm và quản lý chi tiêu của mình.
Tuy nhiên đối với Mandi, cô vẫn cần đến cố vấn tài chính để xử lý những vấn đề lớn hơn nằm ngoài tầm kiểm soát. Mandi chia sẻ điều cô không thể làm là sắp xếp mục tiêu tài chính của hai vợ chồng khi ý kiến về cách chi tiêu của mỗi người quá khác nhau. Việc thuê cố vấn tài chính đã giúp đôi vợ chồng giải quyết được vấn đề và ghi nhớ các mục tiêu chung của cả hai.
Theo CNBC
Nhịp sống kinh tế