Trên diễn đàn quốc tế, nữ tỷ phú Việt nói gì với 400 CEO và nhà lãnh đạo toàn cầu?
Sáng ngày 31/10, CEO Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo xuất hiện tại Hội nghị Forbes Global CEO trước 400 CEO, doanh nhân, nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo toàn cầu trong tà áo dài nổi bật và nữ tính.
Khi được hỏi về cạnh tranh với khu vực kinh tế nhà nước, nữ CEO khẳng định sự tham gia vào thị trường của Vietjet không phải là sự thách thức với hãng hàng không khác mà là nhân tố tích cực làm thay đổi thị trường về căn bản, hấp dẫn hơn, sôi động hơn và phát triển hơn bao giờ hết, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ, bà cảm thấy vui và tự hào khi Vietjet là nhân tố thúc đẩy sự đổi mới này.
Nữ tỷ phú đến từ Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo khác gồm có ông Goodwin Gaw, Chủ tịch & Giám đốc điều hành Gaw Capital Partners, ông William E. Heinecke, Chủ tịch & Giám đốc điều hành Tập đoàn Minor International, ông Mario Moretti Polegato, Chủ tịch của GEOX Group và bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập, Grab đã có một phiên thảo luận sôi nổi, giàu cảm hứng về chủ đề "khó" và rất mới: Hyperdrive - " Siêu lực đẩy".
Phát biểu tại Hội nghị, bà Thảo đã chia sẻ những câu chuyện kinh doanh, những bài học kinh nghiệm và kế hoạch tiếp theo với những doanh nghiệp bà đang điều hành với tinh thần Hyperdrive “Siêu lực đẩy”.
Câu chuyện kinh doanh hàng không của bà Thảo đã được truyền thông trong nước và quốc tế khai thác ở nhiều góc độ, nhưng 400 CEO và nhà lãnh đạo toàn cầu vẫn bật cười thú vị khi bà Thảo thành thật kể, những năm 1990 khi còn kinh doanh ở Đông Âu, trong lúc các công ty vận chuyển và nhận hàng bằng đường sắt từng container bà đã thuê những máy bay vận tải cỡ lớn, vận chuyển hàng chục container hàng tới sớm mà chi phí thậm chí thấp hơn tàu hoả. Ý tưởng kinh doanh hàng không nảy sinh từ đó, tuy nhiên, ban đầu bà dự định mở một hãng hàng không Hoàng Gia, 6 sao.
"7-8 năm về trước, tỉ lệ dân số Việt Nam được đi máy bay chỉ chiếm dưới 1%. Việc đi máy bay vẫn còn rất xa xỉ với người dân Việt Nam. Người nông dân phải bán vài ba tấn thóc mới có thể mua một vé máy bay. Tôi gặp một người nông dân khi đi làm từ thiện, họ nói ước mơ của họ là được đi máy bay. Câu nói đó khiến tôi thay đổi, chuyển sang làm hàng không giá rẻ".
"Nguồn cảm hứng của chúng tôi đến từ khát khao tạo ra những sản phẩm mới, những giá trị mới cho xã hội, từ quyết tâm tạo ra xu thế tiêu dùng mới và dẫn đầu xu thế. Hàng không mang đến sự đổi mới, văn minh cho người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Hiện thực hoá giấc mơ bay của hơn 99% dân số Việt Nam lúc đó chính là nguồn cảm hứng đã thôi thúc chúng tôi triển khai kế hoạch bay của mình. Chúng tôi chọn hàng không chi phí thấp để thúc đẩy đi lại nhiều hơn, lượng người tham gia đi lại bằng đương hàng không tăng trưởng nhanh hơn. Chúng tôi phát triển một Vietjet với chi phí vận hành thấp, từ đó tạo ra các giá trị hiệu quả cho khách hàng và cổ đông của mình", nữ tỷ phú nói.
CEO Vietjet thẳng thắn chia sẻ rằng cạnh tranh với hãng hàng không nhà nước là thách thức khi được hỏi về câu chuyện có phần “nhạy cảm” này.
Bà cho biết Vietjet thực ra không lấy khách hàng của ai cả mà ưu tiên phát triển khách hàng mới và mở các đường bay mới chưa có ai khai thác. "Chúng tôi đã tạo nên lực lượng khách hàng mới cho ngành hàng không. Nghành hàng không Việt Nam tăng trưởng liên tục với tỉ lệ bình quân gần 20% mỗi năm, trong đó Vietjet đóng góp tới 70% của sự tăng trưởng này và 30% còn lại là sự tăng trưởng của các hãng khác nghĩa là tăng trưởng đã tới trên toàn nghành hàng không".
Nữ tỷ phú cũng đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho thấy, thành công của Vietjet kéo theo sự bùng nổ của dịch vụ hàng không, dịch vụ mặt đất, xăng dầu, đào tạo, v.v. Sự đổi mới của cả ngành hàng không đã làm cho lợi nhuận và giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp hoạt động hàng không trong đó có hãng hàng không nhà nước đều tăng trưởng mạnh. Bà cũng vui vẻ và hài hước cho rằng từ khi Vietjet hoạt động, các hãng hàng không được xem là đối thủ cũng đã có sự thay đổi tích cực, mọi hoạt động tốt lên, thậm chí giá cổ phiếu cũng... tăng theo.
Người phụ nữ được truyền thông thế giới săn đón như là một nhân tố làm thay đổi thị trường khá khiêm tốn nhưng không giấu giếm niềm vui và tự hào "là nhân tố thúc đẩy sự đổi mới trên toàn ngành hàng không từ chính sách, luật pháp tới các chương trình đầu tư xây mới, mở rộng liên tục các sân bay". "Sự tham gia thị trường của Vietjet không phải là sự thách thức một hãng hàng không khác mà là nhân tố tích cực làm thay đổi thị trường về căn bản, hấp dẫn hơn, sôi động hơn và phát triển hơn bao giờ hết", nữ tỷ phú nhấn mạnh.
Thảo luận bên lề sự kiện về chiến lược phát triển tiếp theo của Vietjet, bà Thảo khá hào hứng nói về mô hình “Consumer Airline”, hàng không phục vụ cho mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử trong hệ sinh thái kết nối chuỗi các dịch vụ đa dạng trên toàn cầu.
Nữ tỷ phú chia sẻ, "Consumer Airline" không chỉ là mô hình chiến lược mà còn là giấc mơ của bà và hàng ngàn cán bộ, nhân viên tại Vietjet. Gắn kết với chủ điểm Hyperdrive - "Siêu lực đẩy với tốc độ ánh sáng" mà Forbes đang hướng tới trên nền nắm bắt xu hướng kinh doanh toàn cầu, nữ tỷ phú Việt đưa ra quan niệm của mình: "Giấc mơ và đam mê sẽ ra tạo sự thay đổi tốc độ. Giấc mơ lớn sẽ cho chúng ta thêm nhiều cảm hứng, tạo ra những năng lượng vượt trội vượt lên mọi thách thức để đạt được những điều mình mong muốn. Giấc mơ của chúng tôi là mang lại nhiều nhất cơ hội bay cho tất cả những ai chưa từng được bay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển văn minh cho cộng đồng.