Trên đời không ai là hoàn hảo: 3 câu chuyện của người xưa về 3 tính xấu của con người khiến ai cũng giật mình ngẫm lại bản thân
3 câu chuyện ngắn dưới đây sẽ giúp ta hiểu rõ về 3 tính xấu đặc trưng của con người mà ai cũng nhìn thấy một phần bản thân ở trong đó.
- 11-09-2017Dù đã 16 năm trôi qua thế nhưng câu chuyện về những nhân vật anh hùng trong vụ khủng bố 11/9 vẫn khiến hàng triệu người bật khóc
- 05-09-2017Tỷ phú Nga mạnh tay chi 100 triệu USD mua… 9 quả trứng vàng và câu chuyện bất ngờ phía sau
- 29-08-2017Câu chuyện đằng sau những chiếc đồng hồ có giá bạc tỷ của Patek Philippe
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo, ai cũng tồn tại 2 mặt “tốt” và “xấu”. Chỉ khi học tính tốt, bỏ tính xấu, thì tâm hồn con người trở nên thanh khiết, tươi đẹp và toàn diện hơn.
Có một bác nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng bỗng nhiên bác nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là bác ta lập tức quay về nhà.
Đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, bác liền nghĩ đến khoai tây có khả năng nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng cấy khoai tây. Khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi, đúng lúc đi lấy củi thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất…
Cứ như vậy bác nông dân chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, bác vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, khoai cũng chưa trồng… cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.
Bài học suy ngẫm:
Trong cuộc sống , có rất nhiều người cũng như bác nông dân trong câu chuyện trên. Họ không kiên trì quyết đoán, như vậy thường rất khó hoàn thành bất cứ việc gì.
Giống như một số bạn trẻ một năm thay đổi mấy nơi làm việc, lẽ nào tất cả công ty họ làm trước đó đều không tốt? Câu trả lời tất nhiên là không. Rất có thể họ đã gặp vấn đề nào đó về tâm lý. Kết quả là chẳng có việc nào thành công , cốt lõi của vấn đề chính là thiếu tính kiên nhẫn.
2. Ổ khóa và chìa khóa: Cái nào quan trọng hơn?
Một đêm nọ, ổ khóa đánh thức chìa khóa dậy rồi trách móc: “Ngày nào tôi cũng vất vả giữ nhà cho chủ nhân, thế mà chủ nhân lại thích anh, lúc nào cũng mang theo anh bên mình, thật ghen tỵ với anh quá!”. Còn chìa khóa cũng không phục: “Ngày nào anh cũng ở nhà, chơi bời thoải mái, thật là nhàn hạ chứ không như tôi cứ lặn lội gió mưa vô cùng cực khổ, tôi càng ghen tỵ với anh hơn đấy!”.
Có một lần, chìa khóa cũng muốn được hưởng thụ cảm giác nhàn hạ của ổ khóa nên tự mình giấu mình đi. Sau khi chủ nhân về không tìm thấy chìa khóa nên tức giận phá hỏng ổ khóa rồi vứt nó vào thùng rác. Sau khi vào phòng, chủ nhân lại tìm thấy chìa, ông ta lại tức giận nói rằng: “Ổ khóa vứt rồi giờ giữ lại nhà ngươi còn có ích gì nữa”. Nói xong, chủ nhân liền vứt luôn chìa vào thùng rác.
Trong thùng rác, ổ khóa và chìa khóa gặp lại nhau, cả hai cùng than thở: “Hôm nay cả hai chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế này là vì chúng ta không nhận ra giá trị cũng như công sức của đối phương mà lại đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, đố kỵ lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau”.
Bài học suy ngẫm:
Sự ghen ghét luôn là một đặc tính của con người. Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến.
Sự ganh ghét, đố kỵ sẽ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần nảy sinh một chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
3. Đi tìm hạnh phúc thật sự
Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui và hạnh phúc .
Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du đây đó. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.
Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi nhưng vẫn không thể tìm ra câu trả lời cho vấn đề của bản thân. Một ngày nọ ông đi đến một ngôi làng, một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.
Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.
Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.
Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi!”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.
Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?”.
Bài học suy ngẫm:
Có những thứ bình thường luôn hiện hữu bên cạnh, khiến ta cảm thấy như là đương nhiên và coi nhẹ sự tồn tại của chúng. Chỉ đến khi ta đánh mất đi rồi mới thấy hối tiếc vô cùng và hối hận vì đã không trân quý chúng ngay từ đầu. Nhưng khi đó, dù có tiếc nuối đến đâu thì cũng không thể lấy lại được những gì đã mất. Chính vì vậy, hãy trân quý hết thảy mọi thứ ở xung quanh để không bao giờ phải hối tiếc về sau.
Trí thức trẻ