Trí tuệ làm người cả đời không phải chịu ấm ức: Biết người không bình người, biết việc không rêu rao, biết lý không tranh biện
Không cười nhạo, không phê phán, không ỷ lại vào bất cứ ai, chỉ nỗ lực thầm lặng, sống cuộc đời mà mình mong muốn. Đó mới là đỉnh cao sống!
- 28-06-2020Uống 3-5 tách trà mỗi ngày còn lợi hơn cả thuốc bổ: Cơ thể nhận đủ lợi ích từ giảm nguy cơ ung thư đến tăng cường trí tuệ
- 16-06-2020Sau tuổi 50, cuộc sống thay đổi bất ngờ khi tôi nhận ra điều này: Nếp nhăn đi cùng trí tuệ, hãy học cách tận hưởng món quà vô giá mà tuổi tác dành cho bạn
- 05-06-2020Trí tuệ người giàu: "Trên đời này không có cái gọi là bữa trưa miễn phí", đó là lý do vì sao chúng ta phải biết quản lý tài chính đúng cách!
Triết gia người Hy Lạp Democritos từng nói: "Di sản của những người có giáo dục và nhân cách có giá trị hơn rất nhiều so với khối tài sản kếch xù của những kẻ không có tri thức".
Con người không gì quý hơn là tri thức, giáo dục và nhân cách. Thể hiện trong việc: "Biết người không bình phẩm, biết việc không rêu rao, biết lý không tranh biện".
01
Biết người không bình phẩm
Trên chuyến tàu nọ, có một cậu bé đang chăm chú nhìn ra bên ngoài cửa. Rồi bất chợt kêu lớn:
- Bố ơi, bố nhìn kìa, những cái cây đang lùi lại phía sau!
Ông bố mỉm cười, nhìn con trai bằng ánh mắt trìu mến. Đôi vợ chồng trẻ ngồi bên cạnh, tỏ vẻ thông cảm trước hành động "thiểu năng trí tuệ" của cậu bé.
Lát sau, cậu bé lại hét lên đầy phấn khích:
- Bố ơi, bố nhìn kìa, những đám mây đang chạy cùng con!
Thấy vậy, đôi vợ chồng trẻ quay sang hỏi ông bố:
- Tại sao anh không đưa cháu đi tìm một vị bác sỹ tốt hơn để chữa bệnh?
Ông bố cười rồi nói:
- Chúng tôi đi khám rồi, chúng tôi vừa từ bệnh viện trở về.
Đôi vợ chồng trẻ lập tức chê bai trình độ của bác sỹ kém.
Ông bố lên tiếng đáp:
- Không, bác sỹ rất giỏi, con trai tôi kể từ sinh ra đã không thể nhìn thấy mọi vật, hôm nay cháu mới được nhìn thấy thế giới.
Đôi vợ chồng trẻ nghe thấy vậy liền cảm thấy hổ thẹn vô cùng.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, trong thế gian này ai cũng có vinh quang và khó khăn riêng của mình. Trước khi chưa hiểu rõ tình hình, tuyệt đối đừng vội vàng đưa ra kết luận.
Nếu như bạn không hiểu, tốt nhất là im lặng, bởi bạn không bao giờ có thể biết được, người khác đã phải trải qua những gì.
Cô bạn đồng nghiệp tên Hương tháng trước không may trượt chân bị ngã từ cầu thang tầng 8 xuống tầng 7 ở công ty. Đi bệnh viện kiểm tra, chẩn đoán bị gãy đốt sống lưng cuối.
Mọi người trong phòng bàn tán xôn xao, không biết vì sao Hương ngã, một chị đồng nghiệp lên tiếng:
- Chắc chắn là nó vừa đi vừa xem điện thoại nên mới ngã. Các cô các cậu trẻ bây giờ là điện thoại không rời mắt.
Nửa tháng sau, Hương đi làm trở lại, chúng tôi mới biết, hôm Hương đi bộ xuống cầu thang, thấy có cậu bé chạy đằng trước, sợ cậu bé bị ngã, nên Hương đi nhanh để kéo cậu bé lại, không may trượt chân ngã.
Tôi liếc mắt sang nhìn chị đồng nghiệp bữa trước nói Hương chắc chắn vừa đi vừa xem điện thoại nên mới bị ngã thì thấy chị ấy vô cùng ngượng ngùng, vẻ mặt không được tự nhiên chút nào.
Càng lớn càng hiểu, biết người không bình phẩm là điều vô cùng quan trọng. Nhiều một phần thiện ý sẽ bớt một phần tổn thương.
Trong đối nhân xử thế, chúng ta thường hay bị nhận thức sai, bình phẩm cuộc sống của người khác bằng cảm nhận, ý kiến chủ quan và phiến diện của bản thân.
Đứng ngoài cuộc mới thấy, hành động bình phẩm đó của chúng ta nực cười chẳng kém gì con ếch ngồi trong đáy giếng.
Dù gì, vị trí đứng khác nhau, phong cảnh nhìn thấy sẽ khác nhau. Lập trường khác nhau nên góc độ nhìn nhận cũng không giống nhau. Chúng ta không thể đồng điệu với cảm xúc của người khác, càng không thể cảm nhận được những gì mà họ đã trải qua.
02
Biết việc không rêu rao
Nhân vật nữ được công nhận là người có lý trí nhất trong "Hồng Lâu Mộng" không ai khác ngoài Tiết Bảo Thoa.
Tiết Bảo Thoa là người có lý trí không chỉ thể hiện ở việc đối nhân xử thế thận trọng, kín kẽ mà còn "biết việc không rêu rao", luôn nghĩ có người khác.
Có lần về thăm nhà, Giả Mẫu nhìn thấy con kỳ lân bằng vàng có đính lông khổng tước, liền cầm lên rồi nói:
- Hình như ta từng thấy ai đó cũng có đeo một cái như thế này.
Bảo Thoa cười đáp:
- Vân muội muội có một cái, nhỏ hơn cái này một chút ạ.
Giả Mẫu đáp:
- Ồ, là Vân Nhi sao?
Bảo Ngọc đáp:
- Sao lúc Vân muội sống ở đây, chúng ta lại không nhìn thấy nhỉ?
Thám Xuân cười đáp:
- Chị Bảo Thoa thật hay để ý, gì chị cũng nhớ.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Việc khác thì chị ấy để ý ít, chỉ có vật người ta đeo trên người là chị ấy để ý nhiều thôi.
Bảo Thoa dĩ nhiên biết là Đại Ngọc đang xỉa xói mình. Đổi là người khác, chắc chắn sẽ đáp trả gay gắt. Dù phá vỡ không khí, cũng phải cho Đại Ngọc một trận bẽ mặt.
Nhưng Bảo Thoa lại không làm vậy, cô quay đầu lại trả vờ không nghe thấy, hoàn toàn là vì suy nghĩ cho Đại Ngọc. Tri thức, học vấn và nhân cách cao thượng luôn là thứ có muốn giấu cũng không thể giấu được.
Sau này, có lần Bảo Ngọc bị đánh, kẻ tấn công đứng trước mặt Bảo Thoa nói là do Tiết Bàn xúi giục.
Bảo Thoa về nhà nói với mẹ, Tiết Bàn vì bị vu oan, nên làm rùng beng một trận, mắng chửi Bảo Thoa bênh vực bảo ngọc, khiến Bảo Thoa choáng váng.
Bảo Thoa uất ức vô cùng, nhưng vì sợ mẹ lo lắng nên đành nuốt nước mắt vào trong rồi từ biệt mẹ ra về, một mình khóc suốt đêm trong phòng. Bảo Thoa thà để mình chịu uất ức, cũng không muốn mẹ phải lo lắng, phiền lòng.
Tất cả những việc khó khăn mà Bảo Thoa xử lý đều hoàn toàn đứng trên góc độ của người khác, suy nghĩ cho người khác. Sở dĩ Bảo Thoa giữ im lặng đối với những việc mà mình biết và nhìn thấy là vì muốn để đường lui cho người khác.
Biết việc không rêu rao, không phải là sự nhường nhịn nhu nhược mà là khả năng kiềm chế bản thân, là nhân cách cao thượng. Dù nhìn rõ chân tướng sự việc những vẫn tử tế và bao dung.
03
Biết lý không tranh biện
Tôi có anh bạn làm diễn giả, trong một lần diễn thuyết tại trường Đại học, anh ấy đột nhiên bị một nữ sinh khiếu nại. Người nữ sinh đó nói anh ấy tuyên truyền những ngôn luận không phù hợp với học đường, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của sinh viên.
Anh bạn tôi cảm thấy khó hiểu, không hiểu tại sao nữ sinh đó lại vu khống, bôi nhọ mình? Tại sao lại có sự hiểm nhầm cực đoan đối với nội dung diễn thuyết của mình đến vậy?
Đứng trước sự bôi nhọ, anh bạn tôi rất muốn đối chất trực tiếp với cô nữ sinh, để đòi lại sự trong sạch cho mình.
Thế nhưng, hàng trăm cặp mặt trong giảng đường đang nhìn chằm chằm vào anh ấy. Anh ấy hiểu rõ rằng, nếu như trực tiếp tranh luận với một nữ sinh đang bị quá khích như vậy, dù kết quả như thế nào thì anh ấy vẫn là người thua cuộc.
Anh liền giả bộ không nghe thấy, không nhìn thấy rồi tiếp tục nội dung diễn thuyết của mình.
Sau buổi diễn thuyết, rất nhiều thầy cô và các bạn sinh viên giơ ngón tay cái biểu thị sự khâm phục trước trí tuệ, tầm nhìn và nhân cách của anh ấy. Anh ấy chỉ cúi đầu bày tỏ lòng biết ơn và không hề trách móc hay giải thích riêng với bạn nữ sinh kia.
Anh ấy đã thực sự làm được một điều: Tôi không tranh đấu với ai, bởi không ai đáng để tôi hoài sức ganh.
Chu Quốc Bình nói: "Cuộc sống có trí tuệ là cuộc sống không tranh chấp và so đo".
Đúng vậy, tranh biện dù nhiều đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì. Bởi dù cuộc sống của bạn có xán lạn, cao thượng đến mấy cũng vẫn luôn có người hoài nghi bạn.
Giống như những gì mà Lỗ Tấn từng nói: "Buồn vui của nhân loại không hề tương thông". Mà cách nhìn nhận và lý giải cùng một sự vật của mỗi người cũng không hề tương thông.
Tăng Quốc Phiên thời trẻ đi học thường có một người đồng học chuyên "cà khịa" ông.
Bàn học của Tăng Quốc Phiên đặt gần cửa sổ, người đó liền nói:
- Ánh sáng bị nhà ngươi che cả rồi thì bọn ta đọc sách thế nào?
Tăng Quốc Phiên không hề tranh biện, lặng lẹ chuyển bàn học vào trong một góc.
Đêm khuya, Tăng Quốc Phiên vẫn chăm chỉ đọc sách. Người đó lại ý kiến:
- Muộn vậy rồi vẫn đọc sách, định không cho bọn ta nghỉ ngơi sao?
Tăng Quốc Phiên liền không đọc thành tiếng nữa, chỉ đọc nhẩm trong tâm.
Không lâu sau, Tăng Quốc Phiên thi đỗ cử nhân. Người đó liền nói:
- Đấy là do hắn chiếm hết cả phong thủy của ta, hắn đỗ cử nhân, là nhờ phúc của ta.
Rất nhiều người đều bất bình thay Tăng Quốc Phiên, nhưng Tăng Quốc phiên không hề để tâm, lại còn khuyên mọi người:
- Người ta thích nói thì mặc người ta nói, không cần phải tính toán làm gì.
Trang Tử nói: "Cùng ếch giếng không thể nói chuyện biển, cùng côn trùng mùa hạ không thể nói chuyện băng giá".
Chúng ta không cần phải tốn sức giảng giải với những người người không thấu tình đạt lý; Nhận thức khác nhau, không nhất thiết phải đôi co lý sự.
Muốn thành cây lớn thì đừng tranh với cỏ. Tướng quân cầm kiếm không chém ruồi. Những người biết lý không tranh biện mới thực sự là những người thông thấu.
Không tranh luận thị phi, không cổ xúy vô tri. Học cách chắt lọc những thông tin hữu ích từ trong cảm xúc, dốc hết sinh lực có hạn vào những việc thực sự thiết thực và có ý nghĩa nhất.
Biết người không bình phẩm là thiện ý thầm lặng;
Biết việc không rêu rao là phẩm chất cao quý;
Biết lý không tranh biện là sự từ bi không vẩn đục.
Khi chúng ta chỉ chuyên tâm vào sự trưởng thành của bản thân, cuộc sống sẽ trở nên dịu dàng và suôn sẻ hơn. Không chế giễu, chê bai, không phê phán, không ỷ lại vào bất cứ ai, chỉ nỗ lực để sống như mình mong muốn. Đó mới là trí tuệ cao thượng của nhân loại!
Báo Dân sinh