MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trí tuệ tạo nên thành tựu: Mở đường nhờ TIỀN BỐI, dẫn đường nhờ QUÝ NHÂN, đi đường nhờ BẢN THÂN

08-04-2022 - 15:42 PM | Sống

Mượn ánh sáng của những người đi trước, chắc chắn sẽ có thể soi sáng con đường của chúng ta ngày hôm nay.

Lý Bạch trong "Hành lộ nan" có viết:

"Hành lộ nan, hành lộ nan, đa kỳ lộ, kim an tại".

Đời người, luôn tồn tại những khó khăn và gập ghềnh, có bùn và cả những chông gai.

Nhưng, cứ đi ắt sẽ có đường, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần bạn tìm được phương hướng và phương pháp, bạn sẽ luôn có thể vững bước trên con đường chông gai.

Đúng như câu cổ ngữ đã nói: mở đường nhờ tiền bối, dẫn đường nhờ quý nhân, đi đường nhờ bản thân.

01

Mở đường nhờ tiền bối

Newton đã từng nói như này:

"Nếu tôi nhìn xa hơn những người khác, đó là vì tôi đứng trên vai của những người khổng lồ."

Trong cuộc sống, khó tránh sẽ gặp phải những vấn đề rắc rối, đôi khi dù có vắt óc suy nghĩ cũng không tìm ra được cách giải quyết.

Lúc này, chi bằng tĩnh lại, rút ra kinh nghiệm và trí tuệ từ những người đi trước.

Có một câu chuyện như này.

Vương Hi Chi (nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc) năm 5 tuổi đã bắt đầu học thư pháp, tuy tuổi còn nhỏ nhưng ông đã đạt được rất nhiều thành tích cao.

Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian sau khi trưởng thành, trình độ thư pháp của ông đã bước vào giai đoạn chững lại.

Ông chăm chỉ luyện tập mỗi ngày, thường xuyên rửa bút tới mức nước trong hồ của nhà đã nhuộm đen, nhưng vẫn không thể đột phá.

Lúc này, ông nghĩ đến Chung Do, một bậc thầy nổi tiếng thời Tam Quốc, được mệnh danh là "người khai sinh ra khải thư".

Ông bắt đầu nghiên cứu rất nhiều tác phẩm gốc của Chung Do.

Sau khi nghiên cứu, Vương Hi Chi đã kết hợp sự phong phú cũng như phong cách tỉ mỉ và nho nhã của Chung Do vào phong cách viết chữ của mình.

Sau cùng, ông đã tạo ra được một lối viết chữ uyển chuyển, phóng khoáng nhưng cũng không kém phần chặt chẽ, tinh tế của riêng mình.

Vì vậy mà lịch sử Trung Quốc có một cách nói gọi là "Chung Vương thư pháp".

Chính nhờ việc đứng trên vai của người đi trước và học hỏi cái thế mạnh của "người ta", mà Vương Hi Chi trở thành đại danh nhân nổi tiếng suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc.

Trong hành trình dài của cuộc đời, khó khăn là việc không thể tránh khỏi, và việc tìm kiếm kinh nghiệm từ những người đi trước là một trong những cách tốt nhất để phá vỡ tình thế.

Tiểu thuyết gia Bồ Tùng Linh từng vùi đầu trong thư phòng rất lâu nhưng vẫn không thể xuống bút, vì vậy, ông đi ra ngoài, tìm tới những con người kỳ lạ và nghe những người đi trước kể lại câu chuyện từng trải của họ, sau cùng, ông viết nên tác phẩm nổi tiếng "Liêu Trai Chí Dị".

Hai nhà khoa học Watson và Crick đã thất bại trong việc mô tả câu trúc phân tử DNA hai lần, sau đó, họ mượn kết quả nghiên cứu di truyền phân tử của học giả tiền nhiệm Melkins, và cuối cùng đã thành công.

Người xưa có câu: "Tiền nhân đào giếng, hậu nhân uống nước; tiền nhân trồng cây, hậu nhân hưởng bóng mát".

Đường đời gập ghềnh nhưng con đường ta đang đi sớm đã có bao người từng đi qua.

Các phương pháp đối phó mà họ áp dụng cùng với kinh nghiệm và bài học tích lũy được chính là bước để chúng ta vươn cao và nhìn xa.

Mượn sự khôn ngoan của những người đi trước, chúng ta không chỉ có thể tránh được đường vòng mà còn cho phép chúng ta nổi bật hơn nhờ đứng trên vai họ.

Mượn ánh sáng của những người đi trước, chắc chắn sẽ có thể soi sáng con đường của chúng ta ngày hôm nay.

Trí tuệ tạo nên thành tựu: Mở đường nhờ TIỀN BỐI, dẫn đường nhờ QUÝ NHÂN, đi đường nhờ BẢN THÂN - Ảnh 1.

02

Dẫn đường nhờ quý nhân

Có một câu nói như này: "Tự đi trăm bước, không bằng quý nhân dìu một bước; cao nhân chỉ đường, không bằng quý nhân giúp đỡ."

Quý nhân là người thổi bùng ngọn lửa cuộc đời bạn.

Có một câu chuyện nói về Tả Tông Đường, một danh thần kiệt xuất cuối đời nhà Thanh, Trung Quốc.

Tả Tông Đường khi còn trẻ ba lần tham gia thi Hội, nhưng cả 3 lần đều không qua, theo lý mà nói, con đường quan trường của ông lúc bấy giờ khó mà có cơ hội.

Không ngờ sau này, chỉ trong 10 năm, ông đã trở thành tỉnh trưởng Phúc Kiến, Chiết Giang, rồi trở thành đại sứ cấp cao.

Thực ra, thành công của Tả Tông Đường không thể tách rời sự giúp đỡ của hai quý nhân.

Quý nhân đầu tiên là Ngô Vinh Quang, Thống đốc Huguang.

Tả Tông Đường từng học trong ngôi trường do Ngô Vinh Quang thành lập. Sự siêng năng và ham học hỏi của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng vị thống đốc họ Ngô.

Năm 1835, Tả Tông Đường lần thứ hai đến Kinh đô để thi Hội, một lần nữa bị trượt, và phải trở về quê hương.

Ngô Vinh Quang nghe tin và mời Tả Tông Đường đến giảng dạy tại thư viện Lujiang ở Hồ Nam.

Đây là công việc đầu tiên của Tả Tông Đường, công việc này có thể giúp ông nuôi sống được mình giữa lúc thất bại, chán nản.

Quý nhân thứ hai là Đào Chú, thống đốc khu vực lưỡng Giang.

Khi còn ở Hồ Nam, Đào Chú đánh giá rất cao tài năng của Tả Tông Đường.

Năm 1838, Tả Tông Đường lần thứ ba tham dự cuộc thi Hội, nhưng vẫn trượt, ông lại âm thầm trở về quê.

Khi đi qua Nam Kinh, Đào Chú mời Tả Tông Đường ở lại làm khách.

Vì tâm trạng khi ấy đang chán nản, ở được vài ngày, Tả Tông Đường liền để lại bức thư tạm biệt và rời đi.

Không ngờ Đào Chú sau khi đọc được bức thư đã lập tức đuổi theo Tả Tông Đường, chủ động muốn kết làm người thân.

Nhờ có sự giới thiệu của Đào Chú, Tả Tông Đường từng bước bước vào con đường quan trường, dần dần mở ra một cuộc đời mới.

Nhờ sự giúp đỡ không nhỏ của hai quý nhân đó, mới có một Tả Tông Đường, từ một thư sinh thi rớt ba lần, trở thành một danh thần nổi tiếng.

Có người từng nói: "Một người ưu tú tới đâu, còn phải xem ai ‘chỉ điểm’ cho họ."

Cái gọi là quý nhân, chính là những người hướng dẫn, chỉ cho bạn một con đường khi bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn.

Họ có thể chỉ ra điểm còn thiếu sót của bạn, đánh giá cao sở trường của bạn, đồng thời sẵn sàng đưa bàn tay ra giúp đỡ, ủng hộ khi bạn gặp khó khăn.

May mắn lớn nhất trong cuộc đời là có một ai đó có thể giúp bạn leo lên những ngọn núi cao hơn và dẫn bạn đến một sân khấu rộng lớn hơn.

Sống giữa giang hồ, sự giúp đỡ của quý nhân có thể mở đường cho bạn và giúp cuộc sống của bạn lên một tầm cao hơn.

Trí tuệ tạo nên thành tựu: Mở đường nhờ TIỀN BỐI, dẫn đường nhờ QUÝ NHÂN, đi đường nhờ BẢN THÂN - Ảnh 2.

03

Đi đường nhờ bản thân

Trên đường đời, dù có được kinh nghiệm của người đi trước và sự chỉ dẫn của quý nhân nhưng nếu bản thân không thể tự đứng lên và đứng vững thì dù người khác có kéo thế nào cũng không tiến xa được.

Muốn rèn sắt thì bản thân trước hết phải "cứng", suy cho cùng, một người, chỉ khi sống dựa vào chính mình, mới có thể ngẩng cao đầu mà sống.

Có một câu chuyện về "Nữ hoàng sủi cảo" của Trung Quốc, Tàng Kiện Hòa.

Tàng Kiện Hòa xuất thân trong một gia đình nghèo khó, năm 15 tuổi, bà bỏ học để tới bệnh viện làm y tá.

Năm 22 tuổi, bà kết hôn với một bác sỹ người Thái có gia thế hiển hách.

Cứ ngỡ rằng dựa vào thu nhập của chồng, cùng với sự chăm chỉ của bản thân, cuộc sống của hai người sẽ ngày càng hạnh phúc.

Không ngờ rằng, người chồng sau khi về nước lo chuyện hậu sự cho cha đã không bao giờ quay trở lại Trung Quốc.

Mất đi trụ cột gia đình, cuộc sống của bà bỗng chốc đảo lộn.

Khi cuộc sống quá khó khăn, bà quyết định dắt theo hai cô con gái đi ngàn dặm xa xôi tới Thái Lan tìm chồng.

Càng không ngờ rằng ở quê nhà, người chồng sớm đã lấy vợ khác.

Tức giận, bà lựa chọn cắt đứt mọi quan hệ, một mình đưa hai cô con gái tới Hồng Kông.

Ban đầu, bà định tìm tới sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, những không ai giơ tay ra giúp bà.

Nhìn thấu thói đời, bà quyết định tự mình nuôi cả gia đình, ban ngày bà tới tiệm trà rửa bát thuê, buổi tối tới bệnh viện làm y tá.

Sau này, bà bắt tay vào làm kinh doanh nhỏ, mỗi ngày đẩy chiếc xe hàng nhỏ đi bán sủi cảo rong.

Vì tay nghề tốt, sủi cảo ngon, khách hàng của bà ngày một nhiều, việc làm ăn ngày một mở rộng.

Sau cùng, dựa vào chính mình, bà lập ra thương hiệu sủi cảo của riêng mình và còn được mệnh danh là "Hoàng hậu sủi cảo".

Một tác gia từng nói trong một cuốn sách của mình rằng:

"Đường đời phải tự mình đi từng bước, thứ thực sự có thể bảo vệ bạn chính là sự lựa chọn của chính bạn.

Nếu bạn thực sự không đợi được gió, hãy tự mình bay lên mây."

Cuộc sống, thực chất là một quá trình tự mình bò, tự mình đi, tự mình nâng đỡ bản thân.

Sống ở đời, đi đường phải dựa vào chính mình.

Thay vì trông chờ vào người khác, chỉ bằng dựa vào chính đôi tay của mình, đi giành lấy tất cả những thứ mà mình muốn.

Từ nay về sau, hãy sống như ánh mặt trời, không cần ánh sáng của người khác, vẫn có thể tự rọi sáng con đường dưới chân.

04

Sống ở đời, mỗi người đều có lối đi riêng, thế giới của người lớn trước giờ luôn là "gặp núi thì mở đường, gặp sống thì bắc cầu".

Trên đường đời, chúng ta có thể tìm kiếm sự thông thái trong sách vở, hoặc có thể nhờ người có kinh nghiệm hơn tư vấn.

Nhưng sau cùng, có thể đạt tới độ cao bao nhiêu, vẫn phải dựa vào chính mình.

Mưa gió cuộc đời, tự mình che ô, tự nắm lấy vận mệnh trong tay mình, như vậy mới có thể cưỡi sóng đạp gió trên con đường tiến lên phía trước.

https://cafebiz.vn/tri-tue-tao-nen-thanh-tuu-mo-duong-nho-tien-boi-dan-duong-nho-quy-nhan-di-duong-nho-ban-than-20220406160755397.chn

Theo Như Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên