Triển vọng các kênh đầu tư năm 2021
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, việc đầu tư vào các kênh ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hay vàng... sẽ như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng.
- 16-02-2021Giá vàng có là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2021?
- 14-02-2021Kênh đầu tư nào sẽ hấp dẫn trong năm Tân Sửu dưới góc nhìn phong thuỷ?
Ông đánh giá thế nào về các kênh đầu tư trong năm 2021?
Với kênh đầu tư tôi chia ra hai loại: đầu tư an toàn và đầu tư mạo hiểm. Đầu tư an toàn gồm có trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm ngân hàng... Còn kênh đầu tư mạo hiểm hơn gồm bất động sản, chứng khoán, chứng khoán phái sinh, tiền mã hóa...
Tuy nhiên, đầu tư vào kênh nào còn tùy thuộc vào khẩu vị riêng của các nhà đầu tư để đưa ra quyết định cho chính xác. Theo tôi, các nhà đầu tư lớn tuổi, hay cả những nhà đầu tư trẻ tuổi nhưng có thiên hướng đầu tư an toàn, trong danh mục đầu tư có thể chọn 70-80% số vốn đầu tư kênh an toàn như trái phiếu Chính phủ, tiết kiệm, bảo hiểm... Còn những nhà đầu tư có hiểu biết, kiến thức về đầu tư tốt có thể chọn tỷ trọng đầu tư mạo hiểm nhiều hơn từ 60-80% vốn gồm chứng khoán, bất động sản, chứng khoán phái sinh, vàng...
Vậy theo ông triển vọng kênh đầu tư nào tốt hơn?
Trong số kênh đầu tư chính thống thì tôi thấy thị trường chứng khoán có tiềm năng rộng hơn. Tại sao tôi lại chọn chứng khoán, vì nếu so sánh với vàng hay bất động sản, mặc dù các kênh này có thể có khả năng sinh lời tốt, nhưng các nhà đầu tư cần phải bỏ ra khoản tiền lớn. Còn đầu tư mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận tương đồng, thậm chí có thể cao hơn, trong khi số vốn đầu tư lại bỏ ra ít hơn.
Đơn cử như đầu tư bất động sản, có thể nhà đầu tư sẽ thu lãi gấp đôi, song phải chờ đợi trong thời gian dài. Trong khi đầu tư cổ phiếu bất động sản có thể lãi gấp 3-4 lần chỉ trong thời gian ngắn.
Số tiền bỏ ra đầu tư ít hơn nhưng mức độ sinh lời cao hơn, thêm nữa sử dụng vốn vay margin trên thị trường chứng khoán đơn giản hơn là trên thị trường bất động sản. Nên theo tôi đây là kênh đầu tư vừa linh hoạt vừa mang lại lợi nhuận tốt trong năm 2021.
Còn xét về yếu tố lợi nhuận cao thì tiền mã hoá là kênh mang lại lợi nhuận tốt hơn. Nhưng rủi ro trên thị trường này cũng lớn nhất trong tất cả các kênh đầu tư. Với tiền mã hóa tỷ suất sinh lời có thể rất lớn, nhưng cũng có thể chịu thua lỗ khủng khiếp. Hơn nữa kênh đầu tư này không được luật pháp cho phép, nên tất cả rủi ro nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu. Ngoài ra, họ còn gặp nhiều rủi ro khác mà các kênh đầu tư khác không gặp phải đó là bị hacker tiền... Có thể nói, những người đầu tư tiền kỹ thuật số sẽ chịu rủi ro bao trùm.
Nói như vậy, kênh chứng khoán đang hấp dẫn nhất. Liệu năm 2021, chứng khoán có tiếp tục thăng hoa không, thưa ông?
Theo tôi, thị trường chứng khoán khó có thể tăng trưởng như năm 2020, mặc dù trong năm 2021 có nhiều tín hiệu tích cực như có vắc-xin ngừa Covid, kinh tế dự báo trên đà phục hồi... Lý do là trong năm 2020, thị trường đã tăng quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như bạn biết tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ là 2,91%, trong khi VN-Index tăng hơn 70%, còn HNX-Index thậm chí tăng tới 120%. Người ta thường nói thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng ở tình huống này thì chứng khoán tăng với tốc độ tên lửa trong khi nền kinh tế mới ở tốc độ đi xe đạp. Tất nhiên, trong năm 2020, dòng tiền và nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn. Do tác động của covid khiến sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nên dòng tiền khó vào khu vực này và chảy vào tài sản khác, trong đó có chứng khoán. Điều này tạo nên tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán trong năm 2020.
Nhưng năm 2021 tình huống sẽ khác. Vắc-xin ngừa Covid phổ biến nhiều hơn, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm đi, độ phục hồi nền kinh tế nhanh hơn… nên dòng tiền hướng vào sản xuất kinh doanh, hướng vào nền kinh tế thực sẽ nhiều hơn là các tài sản đầu cơ.
Một điều đáng lưu ý nữa là dòng tiền trên thị trường hiện chủ yếu là của các nhà đầu tư cá nhân, trong khi dòng tiền lớn chưa quay trở lại do nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nghe ngóng sau khi bán ròng mạnh trong năm 2020. Khi dòng tiền lớn chưa quay trở lại, có nghĩa là dòng tiền trên thị trường vẫn thiếu hụt. Thanh khoản thị trường kém đi có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro hơn. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là thị trường chứng khoán suy giảm, mà vẫn khá tích cực, chỉ là mức độ tăng không được như năm 2020.
Theo tôi, VN-Index có thể chạm mốc 1.300 điểm trong năm 2021. Xét thứ tự ưu tiên nhóm ngành cổ phiếu, những doanh nghiệp kinh doanh các ngành công nghệ, năng lượng, vận tải... sẽ thu hút được dòng tiền trong năm 2021. Nhưng như tôi nói ở trên, không có công thức nào chuẩn cho tất cả nhà đầu tư, mà tuỳ từng khẩu vị riêng để có quyết định đầu tư phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng