MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng của dầu mỏ vẫn bi quan dù giá tăng mạnh gần đây

25-09-2019 - 11:19 AM | Thị trường

Thị trường dầu mỏ thế giới đang trải qua những ngày biến động rất mạnh. Vụ một số cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công vào ngày 14/9/2019 khiến sản lượng của nước này giảm một nửa (khoảng 5,7 triệu thùng/ngày), tương đương mất khoảng 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Cú sốc đó khiến giá dầu phiên liền sau tăng mạnh 20% bởi lo sợ thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu giữa bối cảnh Iran vốn đang bị cấm xuất khẩu dầu nay lại thêm "tội" nghi ngờ là vụ thủ phạm tấn công Saudi Arabia, tức là có thể sẽ bị cấm vận nghiêm ngặt hơn nữa.

Mặc dù phiên tiếp theo thị trường điều chỉnh khiến giá quay đầu giảm khoảng 7%, nhưng tuần 14-21/9 (tuần đầu tiên sau vụ khủng bố) đã chứng kiến giá dầu tăng mạnh nhất trong vòng nhiều tháng, theo đó dầu Tây Texas - Mỹ (WTI) tăng 5,9%, nhiều nhất kể từ tháng 1/2019, trong khi dầu Brent tăng 6,7%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2019.

Tuy nhiên, xu hướng tăng không kéo dài. Chỉ vài ngày sau, giá quay đầu giảm nhanh khi Saudi Arabia đảm bảo cung cấp đủ dầu cho thị trường và sẽ nhanh chóng khôi phục sản lượng như trước khi bị tấn công và nhiều quốc gia tuyên bố xem xét mở kho dầu dự trữ chiến lược, trong đó có Mỹ.

Triển vọng của dầu mỏ vẫn bi quan dù giá tăng mạnh gần đây - Ảnh 1.

Xu hướng giảm vẫn tiếp diễn sau đó khi hãng tin Reuters đưa tin, tính đến ngày 23/9/2019, Saudi Arabia đã khôi phục được 75% sản lượng, và sẽ sớm khôi phục hoàn toàn trong vài ngày tới.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 24/9/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích Trung Quốc vừa thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng, bao gồm những rào cản "khổng lồ" trên thị trường, vừa thao túng tiền tệ và ăn cắp sở hữu trí tuệ, lại làm dấy lên lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang – yếu tố vốn từ lâu gây lo ngại sẽ làm kinh tế thế giới suy thoái kéo nhu cầu dầu sụt giảm.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, ở thời điểm hiện tại, các tổ chức chưa có đủ căn cứ để điều chỉnh mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong thời gian tới, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết, có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm khoảng 13% so với cùng kỳ 2018, và tính trong 15 tháng vừa qua đã giảm khoảng 14%. Doanh số ô tô ở Ấn Độ cũng giảm tương tự, mất khoảng 41% trong tháng 8/2019 so với cùng tháng năm ngoái.

Các tổ chức quốc tế gần đây liên tiếp đưa ra những dự báo bi quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới.

EIA (Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ) ngày 10/9/2019 dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng chậm lại, còn 890.000 thùng/ngày trong năm 2019 (thấp hơn 110.000 thùng so với dự báo trước đây) và 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2020 (thấp hơn 30.000 thùng/ngày so với dự báo trước).

Nếu dự báo này chính xác, năm 2019 sẽ là lần đầu tiên kể từ 2011 mà nhu cầu dầu thế giới tăng dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.

Theo tổ chức này, sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2019 sẽ tăng 1,25 triệu thùng/ngày lên kỷ lục 12,24 triệu thùng/ngày, và sẽ tăng 990.000 thùng/ngày lên 13,23 triệu thùng/ngày.

IEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế) ngày 11/9/2019 cũng hạ dự báo về triển vọng nhu cầu năng lượng do vận tải hàng hóa trên toàn cầu giảm sút. Theo đó, tổng nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm 2019 và tăng 3,7% trong năm 2020.

Thống kê của IEA cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, nhu cầu dầu mazut trên toàn cầu giảm tương đương 225.000 thùng dầu/ngày, mức giảm mạnh nhất trong số các sản phẩm năng lượng, trong đó các trung tâm tiêu thụ như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Hà Lan đều sụt giảm.

Triển vọng của dầu mỏ vẫn bi quan dù giá tăng mạnh gần đây - Ảnh 2.

Morgan Stanley ngày 27/8/2019 cũng đã hạ dự báo về giá dầu từ nay tới cuối năm với lý do triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt hơn khiến nhu cầu dầu thấp xuống và mức tăng sản lượng dầu đá phiến có thể xóa tan nỗ lực của OPEC trong việc đẩy giá lên.

Theo ngân hàng này, giá dầu Brent trung bình năm 2019 sẽ chỉ ở mức 60 USD/thùng, thấp hơn mức 65 USD dự báo trước đây, và giá dầu WTI trong quý 3 và 4 năm 2019 sẽ chỉ còn 55 USD, từ mức 58 USD dự báo trước đây.

Citigroup Inc. cũng có chung nhận định như các ngân hàng trên, cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2019 sẽ còn thấp hơn con số mà EIA dự đoán. City cho rằng giá dầu Brent trung bình trong quý 4 năm nay sẽ ở mức 64 USD/thùng, sau đó giảm còn 53 USD vào cuối 2020.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên