MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng giá dầu tích cực bất chấp Covid-19 tấn công Châu Á và nguồn cung tăng từ Iran

23-05-2021 - 19:53 PM | Thị trường

Triển vọng giá dầu tích cực bất chấp Covid-19 tấn công Châu Á và nguồn cung tăng từ Iran

Thị trường xăng dầu vừa trải qua một tuần nhiều biến động. Giá liên tiếp giảm trong 3 phiên giữa tuần do cuộc đàm phán giữa Iran và phương Tây về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã có một số bước tiến đáng kể dẫn tới đồn đoán Iran có thể tăng sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu thùng/ngày hoặc hơn vào cuối mùa hè năm nay.

Mặc dù vậy, đến phiên cuối tuần, 21/5, giá dầu đã hồi phục mạnh. Theo đó, dầu Brent tăng 1,33 USD (2%) lên 66,44 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,94 USD (3,1%) lên 63,88 USD/thùng, do lo ngại một cơn bão đang hình thành trên Vịnh Mexico có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu đúng vào thời điểm nhu cầu xăng dầu ở Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ khi những biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được dỡ bỏ nhanh chóng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn giảm khoảng 3% trong tuần này do trải qua 3 phiên giảm bởi dự đoán nguồn cung từ Iran sắp gia tăng trong khi làn sóng Covid mới ở khu vực châu Á, với số ca nhiễm tăng mạnh ở nhiều nơi như Đài Loan (TQ), Singapore, Malaysia, Việt Nam… và tiếp tục ở mức cao tại Ấn Độ.

Cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về nối lại thoả thuận hạt nhân 2015 đã kéo dài từ tháng 4. Một quan chức châu Âu dẫn đầu các cuộc thảo luận vào hôm thứ Tư tuần này đã bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thoả thuận. Hôm thứ Năm, Tổng thống Hassan Rouhani nói Mỹ đã sẵn sàng dỡ trừng phạt đối với các ngành dầu lửa, ngân hàng và vận tải biển của Iran.

Mặc dù vậy, so với thời điểm đầu năm nay, giá dầu hiện cao hơn 35% nhờ triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu dựa trên tiêm phòng Covid và các gói kích cầu.

Triển vọng giá dầu tích cực bất chấp Covid-19 tấn công Châu Á và nguồn cung tăng từ Iran - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu Brent và WTI tuần này

Các tổ chức quốc tế nhìn chung nhận định thị trường dầu mỏ toàn cầu đang cân bằng trở lại.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đều bày tỏ lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cả năm nay, đặc biệt trong nửa cuối năm, khi Mỹ và nhiều nước châu Âu mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ tỷ lệ dân số đã tiêm phòng Covid đạt mức cao.

Triển vọng giá dầu tích cực khiến nhiều công ty dầu lửa của Mỹ tăng số giàn khoan hoạt động. Theo số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, trong tuần kết thúc vào ngày 21/5, số giàn khoan dầu khí hoạt động ở Mỹ - một chỉ báo về sản lượng dầu tương lai - tăng thêm 2 giàn, lên mức 455 giàn, con số cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo ngân hàng JPMorgan Chase, các hợp đồng quyền chọn đặt cược giá dầu Brent giao tháng 12/2021 vượt mốc 100 USD/thùng đã tăng mạnh, sau khi các con số thống kê gần đây cho thấy lạm phát tăng vọt ở Mỹ. Theo ngân hàng này, giá dầu Brent kết thúc năm 2021 ở mức 74 USD/thùng, và để giá dầu đạt 100 USD/thùng, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới cần đạt bình quân 102,6 triệu thùng/ngày trong quý 3 và tăng lên mức 103,6 triệu thùng/ngày trong quý 4, và liên minh OPEC+ không điều chỉnh sản lượng.

Ngân hàng Barclays của Anh hôm 21/5 đưa ra dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ đạt bình quân lần lượt 66 USD/thùng và 62 USD/thùng trong năm nay. Theo đó, dự báo về nhu cầu ở các thị trường mới nổi thuộc Châu Á (không tính Trung Quốc) được điều chỉnh giảm do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Barclays nhận định, nhu cầu dầu mỏ thế giới đang trên đà hồi phục khi phần lớn khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, và lạc quan về triển vọng thị trường bất chấp làn sóng Covid-19 tái bùng phát ở Châu Á và nguồn cung từ Iran có thể sẽ tăng lên.

Barclays cho biết: "Những hạn chế về khả năng mở cửa trở lại có thể làm chậm một phần đà hồi phục nhu cầu dầu thế giới, nhưng không cản trở nhu cầu tăng trong dài hạn, và kết quả nhìn chung là tích cực nhờ những chương trình tiêm chủng rộng rãi trên toàn thế giới".

Theo Barclays, nguồn cung từ Iran tăng lên có thể ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm nay. Song "điều đó có thể dẫn tới việc OPEC+ giảm tốc độ tăng nguồn cung để duy trì sự ổn định của giá dầu".

Lo ngại về sự gia tăng nguồn cung từ Iran cũng là lý do khiến Công ty Lọc dầu quốc gia Ấn Độ Ấn Độ Hindustan Petroleum Corp (HPCL) hôm 21/5 dự báo giá dầu sẽ khó có thể vượt mức 70 USD. "Đã có sự biến động lên xuống (giá dầu) trong 4 phiên gần đây, dao động trong khoảng từ 70 đến 65 USD tùy thuộc vào các cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến Iran và bất kỳ chuyển động tích cực nào về điều đó sẽ làm giảm giá dầu thô", Chủ tịch công ty HPCL, ông M. K Surana cho biết. Ông nói: "Chúng tôi không thấy giá dầu thô vượt quá 70 USD (một thùng)" bởi bất cứ tiến triển nào của cuộc đàm phán cũng đều tác động lên giá dầu. Ấn Độ là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Ấn Độ đã ngừng nhập khẩu dầu từ Tehran vào năm 2019 do sự miễn trừ tạm thời được cấp cho một số quốc gia hết hạn. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào năm 2018 và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt. Với việc đàm phán Iran được nối lại, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang có kế hoạch thay thế một số giao dịch mua dầu giao ngay bằng dầu của Iran trong nửa cuối năm nay, khi Mỹ và Iran tiến gần hơn đến một thỏa thuận. Ông hy vọng nhu cầu dầu của Ấn Độ - đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 – sẽ hồi phục từ tháng 6, khi số ca nhiễm mới giảm dần.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên