MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 7 - 11/6

07-06-2021 - 09:33 AM | Thị trường

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 7 - 11/6

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên 4/6, giá dầu Brent tương lai tăng 58 cent, tương đương 0,8%, lên 71,79 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 72,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Giá dầu WTI tương lai tăng 81 cent, tương đương 1,2%, lên 69,62 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 69,76 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Chốt tuần trước, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 3,4% và gần 5%.

OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, ngày 1/6 nhất trí duy trì tốc độ nới lỏng dần kế hoạch kiểm soát nguồn cung dầu hiện có, khi các nhà sản xuất đang cân bằng giữa kỳ vọng về đà phục hồi nhu cầu với khả năng nguồn cung từ Iran gia tăng.

Hồi tháng 4, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian tháng 5 – 7 dựa trên dự báo nhu cầu đi lên, bất chấp số lượng ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, sản lượng từ OPEC+ tăng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7. Arab Saudi, quốc gia dẫn dắt OPEC, trước đó còn tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày nhưng dần bình thường trở lại trong tháng 5.

OPEC+ giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ năm ngoái để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh lực cầu sụp đổ vì Covid-19. Tính đến tháng 7, mức giảm này chỉ còn 5,8 triệu thùng/ngày. Kể từ quyết định đó, giá dầu đã nối dài đà tăng và hiện đã tăng hơn 30% tính từ đầu năm tới nay.

“Thị trường dầu hoan nghênh OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng hiện tại, và cùng những tín hiệu tích cực về lực cầu, giá dầu hôm nay tiếp tục tăng”, Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.

Một yếu tố thúc đẩy thị trường dầu nữa là đàm phán Mỹ - Iran về chương trình hạt nhân của Tehran có dấu hiệu chững lại, giảm lo ngại có thêm nguồn cung ra thị trường.

Số liệu ngày 4/6 cho thấy kinh tế Mỹ có thêm 559.000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn so với dự báo.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/5 giảm 5,1 triệu thùng, vượt dự báo giảm 2,4 triệu thùng. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng 1,5 triệu thùng, tồn kho sản phẩm tinh chế tăng 3,7 triệu thùng, theo số liệu từ cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

“Lượng dầu thô tiêu thụ lớn nhưng xăng và sản phẩm tinh chế lại tăng tồn kho”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, nói. “Bạn không muốn sử dụng nhiều dầu thô và rồi khách hàng không tiêu thụ”.

Lực cầu xăng tháng trước tăng vọt do làn sóng mua hoảng loạn sau vụ đóng cửa hệ thống vận chuyển nhiên liệu lớn nhất Mỹ Colonial Pipeline, đồng nghĩa tài xế ít cần đổ xăng hơn khi bắt đầu kỳ nghỉ cuối tuần Ngày Tưởng niệm 31/5 – khởi đầu mùa cao điểm đi lại ở Mỹ.

“Lực cầu xăng yếu dần qua các tuần, có thể khiến một số người thất vọng, nhưng nhìn chung vẫn vững chắc”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nhận định.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 1 giàn khoan hoạt động, đưa tổng số giàn khoan còn 456. Cụ thể, số giàn khoan dầu giữ ở 359, giàn khoan khí giảm 1 còn 97 và không có giàn khoan dự phòng nào, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 7 - 11/6 - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.:

Ngày 8/6 

Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.

Ngày 9/6

EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.

Ngày 11/6

Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 4/6 tăng, thoát đáy hơn 2 tuần, sau khi bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 không tăng nhiều như dự báo. Cụ thể, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 21,2 USD lên 1.892 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 1% lên 1.892 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay và tương lai đều giảm 0,7%.

Số liệu việc làm tháng 5 không như kỳ vọng cho thấy thị trường lao động vẫn còn chặng đường dài phải đi để phục hồi. Nhiều người nhận định Fed chưa thể tăng lãi suất hay nới lỏng chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD/tháng – triển khai từ tháng 3/2020 để hỗ trợ nền kinh tế. Chính những tín hiệu này góp phần đưa giá vàng về quanh 1.900 USD/ounce.

Những tháng gần đây, USD và lợi suất trái phiếu – diễn biến trái chiều với giá vàng – đều có xu hướng đi lên bất chấp lạm phát có dấu hiệu tăng, khiến nhà đầu tư lo ngại Fed tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng áp lực lạm phát chỉ là “tạm thời” và sẽ mờ nhạt dần khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.

Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, nhận định thị trường cần chờ đến sự kiện thường niên mùa hè của Fed tại Jackson Hole, Wyoming, để xác định tín hiệu về chính sách tiền tệ sắp tới.

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên