Triển vọng lạc quan trên thị trường cà phê robusta
Hôm nay 27/6, giá cà phê nhân xô tăng 200 đồng/kg trong khi cà phê xuất khẩu tiếp tục ở mức trừ lùi 95 - 100 USD/tấn so với giá tại London.
- 25-06-2018Cường quốc cà phê vẫn… đuối!
- 23-06-2018Giá đã tăng trở lại nhưng người trồng cà phê vẫn nhiều mối lo
- 22-06-2018Xuất khẩu cà phê tăng cả lượng lẫn giá trị
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/6, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 10 USD, tức tăng 0,6% lên ở mức 1.686 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 9 USD, tức tăng 0,54% lên ở mức 1.684 USD/tấn. Khối lượng giao dịch giảm nhẹ xuống mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York hồi phục liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 0,5 cent, tức tăng 0,43% lên ở mức 117,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng thêm 0,5 cent, tức tăng 0,41% lên ở mức 121,1 cent/lb. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.900 – 35.700 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.586 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Lạc quan với arabica chỉ trong ngắn hạn
USD giảm nhẹ, đồng Reais có xu hướng mạnh thêm nên người Brazil giảm bán đã giúp giá cà phê Arabica trên sàn New York tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, đầu cơ trên các thị trường vàng, dầu thô có dấu hiệu chùng tay lại đã góp phần hỗ trợ giá cà phê hồi phục phần nào.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn còn thấp do lực mua còn quá yếu cho thấy nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trước áp lực vụ mùa mới đang thu hoạch ở Brazil và các nước Mỹ latinh.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) từ thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 19/6, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 25,72% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 60.409 lô, tương đương với 17.125.684 bao và có nhiều khả năng đã giảm nhẹ trở lại sau những phiên giao dịch liên tiếp có phần tích cực hơn trong những ngày vừa qua.
Theo Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafé) Brazil, mặc dù nguồn hàng vụ mới cung ứng cho xuất khẩu vẫn đều đặn như các năm trước, nhưng theo truyền thống các tháng "giáp hạt" thường có khối lượng xuất khẩu giảm đã góp phần hỗ trợ giá tăng trong ngắn hạn. Bên cạnh còn là sự chậm trễ của xuất khẩu do việc đình công phong tỏa đường cao tốc của tài xế xe tải vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể khối lượng hàng giao lên tàu nhưng không thực sự là mối quan ngại cho thị trường vì họ sẽ tăng tốc xuất khẩu kể từ tháng 8 trở đi, đảm bảo đáp ứng đầy đủ cà phê cho nhu cầu của thị trường tiêu dùng.
Triển vọng tốt hơn cho cà phê robusta
Trái lại, nguồn cung cà phê Robusta từ Việt Nam cho thị trường tiêu dùng có phần chậm lại và sự kháng giá tại thị trường nội địa vẫn còn kéo dài khi giá tham chiếu cà phê kỳ hạn ở sàn London quá thấp. Đặc biệt, còn do khối lượng hàng tồn kho vụ trước không còn dồi dào, theo các nhà quan sát ước tính, chỉ đủ để cung ứng cho hoạt động xuất khẩu 4 tháng còn lại của niên vụ cà phê hiện tại 2017/2018 xấp xỉ khoảng 1 triệu bao mỗi tháng.
Trong khi đó, nhà sản xuất Indonesia còn dư âm của tuần lễ mừng Eid al Fitr, sau Tháng Chay Ramadan của Hồi giáo và thời tiết chưa thực sự thuận lợi để đẩy mạnh thu hoạch cà phê Robusta vụ mới ở Sumatra, nhưng quan trọng nhất là Indonesia đang dành ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước với mức giá rất cạnh tranh.
Uganda, nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu Châu Phi cũng vừa báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 5 chỉ đạt 319.035 bao, giảm 89.419 bao, tức giảm 21,89% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 2.849.102 bao, chỉ giảm 138.108 bao, tức giảm 4,62% so với cùng kỳ niên vụ trước là nhờ khối lượng xuất khẩu hai tháng 10+11 đầu niên vụ tăng mạnh.
Báo cáo CFTC từ thị trường cà phê Robusta London cho thấy, hiện bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 27,93% so với tuần thương mại trước đó lên đăng ký bán ròng ở 29.378 lô, tương đương với 4.896.333 bao và có nhiều khả năng đã giảm nhẹ chút ít sau những ngày thương mại hỗn hợp nhưng có phần tích cực hơn kể từ đó tiếp theo.
Theo quan sát, nguồn cung Robusta cho toàn cầu hiện nay chỉ dựa vào Việt Nam, nhưng dự kiến xuất khẩu các tháng sắp tới của quốc gia sản xuất Robusta hàng đầu sẽ không còn dồi dào, trong khi Indonesia dành ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước, Brazil thì hạn chế bán ra loại Conilon, Uganda xuất khẩu giảm… Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO) đánh giá sản lượng toàn cầu niên vụ 2017/2018 tăng 1,2% lên đạt 159,66 triệu bao so với niên vụ trước… Nhưng đừng quên rằng mức tiêu thụ bình quân toàn cầu tăng gần 2% mỗi năm.
Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 25/6, đã giảm thêm 3.640 tấn, tức giảm 5,92% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký tồn kho ở mức 65.210 tấn (tương đương 1.086.833 bao, bao 60kg), ghi nhận sự sụt giảm gần như liên tục trong mấy tháng gần đây.
Theo dữ liệu báo cáo của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 6 đạt 81.974 tấn (tương đương 1.366.233 bao, bao 60 kg), một kết quả xuất khẩu khá đáng kể và trên mức kỳ vọng của giới thương mại thị trường.