Triển vọng ngành tôm thế giới năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ
Sau năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục, dự báo ngành tôm thế giới sẽ tiếp tục thành công trong năm 2022, với sản lượng bội thu nhờ thâm canh và sử dụng nguồn gen tốt hơn, trong bối cảnh nhu cầu hồi phục sau đại dịch.
- 11-01-2022"Tôm hùm ngon nhất thế giới" đổ bộ về chợ Việt, đua nhau mua vì giá rẻ chưa từng có
- 02-01-2022Xuất khẩu tôm sang EU tăng vọt trên 86%
Năm 2021 vừa kết thúc và nhà phân tích thủy sản cấp cao của Rabobank, Gorjan Nikolik, ước tính tăng trưởng sản lượng tôm thế giới cuối năm tăng khoảng 10% so với 12 tháng trước đó (cao hơn mức tăng 9% dự báo trước đây), chủ yếu nhờ sản lượng mạnh mẽ ở nửa cuối năm, nhất là tại Ecuador và Brazil, đưa sản lượng của nhiều quốc gia về lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Thật vậy, trong khi một số quốc gia đã báo cáo tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng - đặc biệt là Ấn Độ có sản lượng năm 2021 tăng 8-9% vào năm 2021 - tất cả đều bị lu mờ bởi thành tích xuất sắc của Ecuador.
"Ecuador đã có một năm 2021 phi thường và xuất khẩu của nước này trong năm vừa qua ước tính vượt qua mức 900.000 tấn – so với 700.000 tấn của năm 2019 - trở thành nhà sản xuất thành công và cạnh tranh nhất trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng trên 20%," ông Nikolik cho biết.
Điều đó được thúc đẩy bởi sự đa dạng hóa xuất khẩu của nước này. Theo ông Nikolik, không chỉ lấy lại vị thế đã bị mất ở Trung Quốc sau các chính sách hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2020, mà các sản phẩm chế biến của Ecuador cũng đang phát triển tốt ở thị trường Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, và có tiềm năng tiếp tục phát triển thêm nữa.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó được hỗ trợ bởi sự gia tăng mật độ thả nuôi đang dần diễn ra ở quốc gia Nam Mỹ - một quốc gia có truyền thống về nuôi tôm với một số trang trại nuôi tôm quy mô nhất trên thế giới.
"Tất cả là nhờ việc tăng cường mật độ nuôi thả. Trong 3-4 năm qua, mật độ thả nuôi trung bình ở Ecuador là khoảng 15-20 con/m2, nhưng họ đang tăng dần con số này và hiện đang hướng tới 35 con/m2," ông Niklolik giải thích.
Theo ông, mặc dù đây là một mức tăng đáng kể, nhưng con số đó vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở các nước khác - ở Ấn Độ là 55-75 con tôm/m2 là bình thường, trong khi ở Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất thâm canh đạt mức khoảng 120 - 160 con/m2, thậm chí có nơi thả tới 300 con/m2.
Thương mại tôm toàn cầu năm vừa qua tăng lên chủ yếu do nhập khẩu vào thị trường phương Tây tăng khá mạnh. Nhu cầu tôm thế giới năm 2021 hồi phục mạnh mẽ so với năm 2020, nhất là ở Mỹ. Theo ông Nikolik, sản xuất và kinh doanh tôm được hưởng lợi từ việc chuyển trọng tâm từ dịch vụ ăn uống sang bán lẻ thực phẩm. Giá thực phẩm năm 2021 tại Mỹ cũng tăng đáng kể, thậm chí giá tôm hiện còn cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch.
Nhập khẩu tôm của Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 404.000 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, ở Châu Âu, nhu cầu cũng diễn biến tương tự như ở Mỹ, mặc dù tốc độ tăng thấp hơn một chút. Nhập khẩu tôm vào EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt kỷ lục cao nhất 5 năm, là 367.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nga, Ukraina, Anh và Bắc Ai Lan có lượng tôm nhập khẩu tăng đột biến.
Nhu cầu ở Trung Quốc năm vừa qua cũng tăng so với năm 2020 nhưng chưa về lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Về giá cả, giá tôm trung bình trên thế giới năm 2021 là 12,7 USD/kg, cao hơn khoảng 10% so với năm 2020. Bên cạnh nhu cầu hồi phục, chi phí hậu cần tăng là động lực chính đẩy giá tôm năm vừa qua tăng mạnh. Theo đó, từ tháng 1 đến quý 3/2021, chi phí vận chuyển quốc tế từ châu Á đến Bắc Mỹ cho container 20 feet và 40 feet đã tăng 500 – 700% (tương ứng 13.000 USD và 20.000 USD) do sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về triển vọng năm 2022, ông Nikolik cho rằng thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm lại so với năm 2021.
"Tôi cho rằng thị trường sẽ ‘nguội’ đi một chút – và sẽ chỉ trở lại bình thường khi giá thật cao, nhưng tôi không chắc là bao nhiêu. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tôi nghĩ rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng. Những gì thị trường này thể hiện trong vài tháng trở lại đây cho thấy điều đó". Ông cũng cho rằng nhu cầu ở các thị trường Đông và Tây Âu cùng với thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Về sản lượng, ông dự báo thị trường năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trung bình trên toàn cầu cao hơn mức 5% với việc nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới có thể đáp ứng nhu cầu tôm ngày càng tăng bằng việc nâng cao năng lực sản xuất. Theo ông, ngành tôm toàn cầu hoàn toàn có thể trở lại mức sản lượng trước đại dịch.
"Giá tôm cao khuyến khích người nuôi tôm tăng cường nuôi thả và trên thực tế không có hạn chế về nguồn cung", ông Nikolik cho biết. Theo đó, Ấn Độ có thể tăng sản lượng, Indonesia đã đặt mục tiêu ngành tôm có mức tăng trưởng 250% trong những năm tới. Ecuador cũng có khả năng tăng sản xuất.
"Hiện nay đã có những phương pháp di truyền tốt hơn, có thể giúp giảm tỷ lệ tôm chết. Hầu hết các động vật nuôi có tỷ lệ chết khoảng 1% mỗi tháng. Nhưng tôm ở mức khoảng 15-20% [trong chu kỳ 120 ngày], và di truyền tốt có thể giảm tỷ lệ này xuống 10%, "Nikolik cho biết thêm.
Với những yếu tố này, ông Nikolik kỳ vọng tăng trưởng sản lượng sẽ mạnh mẽ ở hầu hết các nước sản xuất tôm chủ chốt - đặc biệt là Ecuador, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.
Dự báo giá tôm bán buôn trên thị trường toàn cầu năm 2022 sẽ tăng tiếp, thêm trung bình 7% so với năm trước, lên 15 USSD/kg. Giá cước vận chuyển cao, chi phí nhiên liệu hàng hải tăng; sự gián đoạn hậu cần, bao gồm tắc nghẽn ở cảng biển và tình trạng thiếu tài xế xe tải ở Mỹ và Châu Âu; và nhu cầu toàn cầu đối với động vật giáp xác tiếp tục được thúc đẩy sẽ vẫn là những nguyên nhân chính khiến giá cả tăng trong năm 2022.
Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam hưởng lợi lớn từ nhu cầu hồi phục trên khắp thế giới, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm 2020, và dự kiến tăng mạnh lên 10% trong năm 2022, đạt kim ngạch khoảng 4,3 tỷ USD.
Xuất khẩu sang EU thành công rực rỡ. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16% đạt 548 triệu USD và chiếm 15,4% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan, Đức và Bỉ chiếm 69% tôm Việt Nam vào EU.
Càng về những tháng cuối năm, xuất khẩu tôm càng đón tin vui, khi xuất khẩu sang EU trong tháng 11 tăng trưởng đột phá, lên 86,4%; sang các thị trường khác cũng đồng loạt tăng mạnh, với sang Mỹ tăng 24%, Hàn Quốc tăng 19%, đưa tổng xuất khẩu tôm của cả nước twang 16% trong tháng 11, đạt trên 366 triệu đồng.
Với việc thị trường tôm thế giới năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, kỳ vọng các mục tiêu xuất khẩu trong năm nay sẽ sớm cán đích.
Tham khảo: Thefishsite, Globenewswire