Triển vọng thị trường bất động sản khi khung pháp lý hoàn thiện
VOV.VN - Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn. Trong đó, có những vướng mắc, chồng chéo về thủ tục pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp không thể phát triển dự án theo kế hoạch.
Khi Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực, cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường đang được triển khai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phương Đông cho rằng, Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua đang mở ra nhiều hy vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, việc chưa quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, việc huy động thêm các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển cân bằng hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ như: Chủ trương chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án đang bị thắt chặt; giá cả đầu vào tăng lên và khó khăn về tiếp cận nguồn vốn.
“Năm 2024, khi các chính sách tài khóa được triển khai và khi các Luật sửa đổi có hiệu lực thì cần nhanh chóng đưa được quỹ đất của doanh nghiệp mà Nhà nước phê duyệt để thực hiện dự án ra thị trường nhanh nhất. Khi thị trường có tín hiệu ấm lên thì các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng và dịch vụ thì thị trường mới có thể ổn định được” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại thành phố Hồ Chí Minh, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm tới 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản. Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan quản lý để những chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy hiệu quả.
“Những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương tháo gỡ được rất nhiều cho thị trường bất động sản. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào năm 2024, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua các Luật như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật các tổ chức tín dụng để tạo sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển bền vững” - ông Lê Hoàng Châu đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, những khó khăn về pháp lý được khơi thông, thị trường bất động sản có thể phục hồi tích cực vào cuối năm sau. Vấn đề đặt ra là làm sao để Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa tạo sự thông thoáng, đơn giản khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng cũng phải có sự công bằng, tránh những tiêu cực trong quá trình thực hiện.
“Chúng tôi cho rằng, với những quy định đã thay đổi và sắp tới sẽ được điều chỉnh thì độ ngấm của chính sách sẽ đi vào cuộc sống, sẽ giúp giải tỏa, sẽ nới dần những nút thắt mà hiện nay đang vướng. Cùng với những chính sách hỗ trợ tín dụng mà chúng ta đang làm thì thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn, nhất là từ giữa năm 2024” - TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét.
Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù đến tháng 7/2024, Luật Nhà ở sửa đổi mới có hiệu lực, nhưng những chính sách về phát triển nhà ở xã hội sẽ được xem xét áp dụng sớm hơn. Chính phủ cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng đang tích cực đôn đốc các địa phương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: “Đối với những vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật, thuộc thẩm quyền của các bộ ngành thì các bộ ngành có tập hợp và đề xuất sửa đổi ngay. Có những vướng mắc thuộc về thẩm quyền của địa phương trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện thì Tổ công tác có văn bản yêu cầu các địa phương nghiên cứu tháo gỡ và giải quyết ngay và có thời hạn xử lý”.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, 70% doanh nghiệp cho biết, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, 2/3 các doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương nơi họ có hợp đồng kinh doanh đã bắt đầu tuyên truyền hướng dẫn tổ chức hỗ trợ chính sách, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá về những chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất đạt mức độ hiệu quả. Điều này cho thấy để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đang tiếp tục là vấn đề đặt ra.
VOV