MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2021 có nhiều gam sáng

09-01-2021 - 14:29 PM | Thị trường

Triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2021 có nhiều gam sáng

Tăng khoảng 8% từ đầu năm đến nay, giá dầu năm 2021 dự báo sẽ tăng nhẹ nhờ việc triển khai vắc xin ngừa Covid-19 và kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục.

Các chuyên gia của Bangkokpost ngày 8/1 nhận định, giá dầu thô Dubai –tham chiếu cho thị trường xăng dầu Đông Nam Á – trong năm 2021 dự báo sẽ đạt trung bình 44 – 45 USD/thùng nhờ đại dịch Covid-19 thuyên giảm dần và kinh tế khu vực nói riêng và thế giới nói chung ngày thêm khởi sắc.

Giá dầu thô Dubai năm 2020 trung bình là 42 USD/thùng, giảm so với mức 64 USD của năm 2019, phản ánh sự suy giảm các hoạt động kinh tế do Covid-19, bao gồm tiêu dùng, đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, gây suy thoái ở một số nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Giá loại dầu này kết thúc năm 2020 ở mức khoảng 51 USD/thùng.

Giá dầu đã liên tiếp tăng kể từ khi bước sang năm mới 2021. Theo đó, dầu Brent phiên 8/1 đạt 55,99 USD/thùng, tăng 1,61 USD (3%) so với phiên liền trước và tính chung cả tuần tăng mạnh 8,1%. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ngày 6/1 đã vượt ngưỡng 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 và duy trì đà tăng kể từ đó đến nay. Phiên 8/1, dầu WTI cũng tăng 1,41 USD (2,8%) lên 52,24 USD/thùng – cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020, và tính chung cả tuần tăng 7,7%.

Diễn biến giá dầu Brent

Triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2021 có nhiều khoảng sáng - Ảnh 1.

Chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt tăng điểm. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chứng khoán Mỹ vọt lên mức cao kỷ lục mới khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa để chống lại đại dịch Covid-19.

Saudi Arabia – nước đầu tàu của khối OPEC – tuần này đã tự nguyện cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng trong tháng 2 và 3/2021, tương đương 1% tổng cung dầu thế giới. Thái độ tích cực của vương quốc này đã góp phần thuyết phục được nhóm OPEC+ thống nhất về nguyên tắc trong việc tiếp tục thực hiện mức hạn chế sản xuất như hiện nay trong tháng 2 và 3/2021, trong đó chỉ cho phép Nga và Kazakhstan nâng sản lượng lên 75.000 thùng/ngày.

Kỳ vọng Quốc hội Mỹ có thể sớm thông qua việc cứu trợ tài chính cho những nạn nhân bị đại dịch cũng đem lại hy vọng lớn cho thị trường dầu mỏ. Có khả năng việc này sẽ được thông qua sớm sau khi Đảng dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện, đồng nghĩa với việc Đảng này trong nhiệm kỳ tới sẽ kiểm soát toàn bộ cả Thượng viện và Hạ viện cũng như chức Tổng thống. Chuyên gia Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho biết: "Thị trường năng lượng đặc biệt quan tâm tới chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ở bang Georgia, vì điều đó sẽ mang lại khả năng Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp kích thích kinh tế".

Về nhu cầu dầu mỏ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo công bố tháng 12/2020, sau khi giảm mạnh khoảng 8,8 triệu thùng/ngày trong năm 2020, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021 lên 96,9 triệu thùng/ngày. Điều đó phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế thế giới là 5,2% - hồi phục mạnh mẽ từ mức -4,4% trong năm 2020 (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) – là mức tồi tệ chưa từng có, thậm chí tệ hơn cả mức -4,3% của thời kỳ Đại suy thoái (1930-1932).

Các chương trình tiêm chủng đang được triển khai ở 50 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ, nga và khắp Liên minh Châu Âu. Tiến độ tiêm chủng vì mới bắt đầu nên ở một số nơi còn chậm, nhưng các nhà chức trách kỳ vọng sẽ sớm giải quyết xong những khó khăn về vấn đề phân phối. Điều đó giúp thị trường dầu mỏ tin tưởng rằng nhu cầu dầu có thể hồi phục khi các hoạt động kinh tế và du lịch trở lại bình thường, nếu các loại vắc xin đã được phê duyệt phát huy hiệu quả và có đủ để tiêm cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, giá dầu thô trong năm 2021 sẽ vẫn chịu áp lực từ nguồn cung tăng dần, vì OPEC+ vẫn có kế hoạch giảm dần mức cắt giảm sản lượng để phù hợp với nhu cầu dầu, đồng nghĩa với sản lượng sẽ tăng dần trong suốt cả năm.

Tại cuộc họp Opec + vào đầu tháng 12, nhóm này đã đồng ý rằng tổng mức cắt giảm sản lượng tháng này sẽ giảm còn 7,2 triệu thùng/ngày, so với mức giảm 7,7 triệu thùng của giai đoạn tháng 8-12/2020. Nhóm sẽ họp hàng tháng để xem xét nhu cầu dầu từ đó điều chỉnh mức giảm sản lượng cho phù hợp.

Nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài Opec như Na Uy và Brazil cũng được dự báo sẽ tăng 530.000 thùng/ngày trong năm nay.

Sản lượng dầu thô của Libya tăng mạnh cũng đang gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Nước này hiện được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ vì vẫn đang phục hồi sau cuộc xung đột dân sự kéo dài. Nhưng hiệp định ngừng bắn và hòa bình giữa Chính phủ Libya và phe nổi dậy đã cho phép Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia nước này tăng cường sản xuất và xuất khẩu. Sản lượng của Libya trong quý 4/2020 đạt 1,2 triệu thùng/ngày, gần bằng mức trước khi xảy ra xung đột và nhiều gấp 10 lần lượng dầu nước này sản xuất trong giai đoạn tháng 2-9/2020. Libya sẽ không bị yêu cầu tuân thủ thỏa thuận OPEC+ cho đến khi sản lượng đạt 1,7 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, số giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng 7 tuần liên tiếp, tuần vừa qua tăng thêm 8 giàn lên 275 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 5. Giá dầu hồi phục cũng sẽ kích thích lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ hồi phục mạnh mẽ sản lượng – yếu tố góp phần làm dư thừa trên thị trường dầu toàn cầu.

Thị trường cũng còn một mối quan tâm khác là lượng dầu dự trữ ở các kho cả trên biển lẫn đất liền – hậu quả của sự sụt giảm mạnh nhu cầu lúc đại dịch mới bắt đầu bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới hồi tháng 3 và 4/2020. Năm ngoái, lượng dầu tích trữ trên biển và đất liền ở khắp thế giới tính đến tháng 11 là cao hơn 300 triệu thùng so với một năm trước đó.

Và đặc biệt, giá dầu vẫn có nguy cơ quay đầu giảm trong những tháng tới nếu nhu cầu nhiên liệu bị suy giảm mạnh do đại dịch. Nhiều nước trên thế giới đang hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại, gây áp lực lên tiêu thụ nhiên liệu và làm suy yếu triển vọng hồi phục nhu cầu năng lượng ở nửa đầu năm nay.

Ở Mỹ, đại dịch đã gây ra số người tử vong tuần này cao nhất từ trước tới nay, có tới hơn 4.000 người chết chỉ trong 1 ngày; trong khi Trung Quốc thông báo số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh nhất trong vòng hơn 5 tháng; Nhật Bản cũng có thể mở rộng tình trạng phong tỏa khẩn cấp ra ngoài khu vực Tokyo.

Tham khảo: Bangkokpost, Marketwatch, Refinitiv

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên