MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triết lý khởi nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn chưa thể bắt đầu nếu chưa hình dung được cách giải quyết vấn đề! Tránh cách nghĩ “cứ làm đã rồi tính”!

18-08-2021 - 10:45 AM | Doanh nghiệp

Triết lý khởi nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn chưa thể bắt đầu nếu chưa hình dung được cách giải quyết vấn đề! Tránh cách nghĩ “cứ làm đã rồi tính”!

Nếu ai đã từng đọc qua cuốn sách kinh điển 7 thói quen hiệu quả của tác giả Stephen R. Covey sẽ thấy triết lý chủ tịch tập đoàn Masan chia sẻ chính là thói quen Bắt đầu bằng đích đến.

Nếu bạn gõ từ khóa “Khởi nghiệp”, ngay trong 0,06 giây Google sẽ cho bạn 124 triệu kết quả. Trong vài năm gần đây, thuật ngữ này trở thành khái niệm thời thượng và được biết đến trong rộng rãi cộng đồng.

Tuy nhiên trong bài phỏng vấn hồi đầu năm 2021, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, khái niệm khởi nghiệp hiện bị đẩy lên quá, do gần đây chúng ta nói nhiều tới điều này, thực ra, nó là tinh thần kinh doanh.

"Masan chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, bạn phải phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro", vị tỷ phú này chia sẻ.

Theo ông Quang, cần phải tránh cách nghĩ "cứ làm đi rồi tính", vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng "mỗi buổi sáng mình khởi nghiệp một lần và cuối giờ mình đóng sổ, xong hôm sau lại khởi nghiệp".

Tỷ phú này cho rằng “khởi nghiệp” là quá trình học tập, không chỉ của doanh nhân mà cả của tổ chức. Đây là cách mà ông tiếp cận trong kinh doanh khi liên tục mở rộng thị trường mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới. Mỗi lĩnh vực vực kinh doanh đều là sự bắt đầu mới.

Khởi nghiệp là quá trình tạo ra giá trị bằng cách hiểu, ở Masan chúng tôi hay gọi là những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn, hoặc hiểu rõ cái gọi là không hiệu quả”, ông chia sẻ.

Chủ tịch tập đoàn Masan phân tích cụ thể hơn: “Bạn chưa thể bắt đầu, nếu bạn chưa hình dung ra được những cách để giải quyết vấn đề đó. Bạn nếu vội ‘làm đi’ sẽ không bao giờ thắng. Có vấn đề, có cơ hội, bạn cần nhìn ra cách, đó có thể là sản phẩm, có thể là giải pháp để giải quyết câu chuyện đó, và sau khi mình tìm ra được thì mới bắt đầu làm”.

Một ví dụ cụ thể được Masan áp dụng là câu chuyện tái cấu trúc VinCommerce sau khi sáp nhập vào tập đoàn này cuối năm 2019. Từ một doanh nghiệp phân phối với hệ thống lớn nhất Việt Nam, nhưng đang thua lỗ 100 triệu USD VinCommerce trở thành doanh nghiệp có lãi trong 1 năm. Theo ông Quang, bí quyết để làm được điều này đơn giản, đó là cách Masan hình dung câu chuyện đang là gì, sau đó mới làm một cách quyết liệt.

Phải quay về lõi, nếu mình làm kinh doanh thì phải nhìn tới đích và đích đó cần được định nghĩa và mô tả thế nào, và sau đó ta thiết lập các ưu tiên theo kế hoạch từng bước. Giống như leo núi, thì đầu tiên phải giải quyết gánh nặng trên vai, bạn phải biến các hành trang mang theo mình không phải là gánh nặng, mà là phương tiện. Đó là một phần của chiến lược, ưu tiên đầu tiên là chống lỗ, bạn nhìn thấy và phải quyết liệt làm”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết.

Và sau đó Masan quyết liệt đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart , tinh gọn danh mục hàng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để cải thiện hiệu quả quy trình hậu cần và luân chuyển hàng hóa, đặt trọng tâm vào người dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

Triết lý khởi nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn chưa thể bắt đầu nếu chưa hình dung được cách giải quyết vấn đề! Tránh cách nghĩ “cứ làm đã rồi tính”! - Ảnh 1.

Nếu ai đã từng đọc qua cuốn sách kinh điển 7 thói quen hiệu quả của tác giả Stephen R. Covey sẽ thấy triết lý Chủ tịch tập đoàn Masan chia sẻ chính là thói quen Bắt đầu bằng đích đến. Thói quen này chính là việc khởi đầu ngày hôm nay bằng hình ảnh, bức tranh, hay mô thức về đích đến của cuộc đời hay công việc , xem đó là khung tham chiếu hay tiêu chuẩn để quyết định mọi thứ khác.

Nhờ hình dung rõ ràng về đích đến mà bạn có thể chắc chắn rằng dù ngày hôm nay bạn làm gì thì cũng không vi phạm những tiêu chuẩn tối thượng đã đặt ra, cũng như chắc chắn rằng mỗi ngày bạn sống đều đóng góp theo một cách có ý nghĩa cho viễn kiến của bạn về cuộc đời trọn vẹn.

Bắt đầu bằng đích đến có nghĩa là khởi đầu với sự hiểu biết rõ ràng về đích đến, để hiểu rõ hơn về hiện trạng của bản thân, đảm bảo những bước đi của bạn đều hướng về đích đến đó. Thói quen này dựa trên nguyên lý rằng tất cả mọi thứ đều được tạo lập hai lần. Lần đầu là sự tạo lập trong tâm trí và lần thứ hai là sự tạo lập trong thế giới vật lý.

Ta rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy của những hoạt động, của sự bộn bề trong cuộc sống này, cứ không ngừng nỗ lực leo lên nấc thang thành công chỉ để phát hiện ra rằng chiếc thang được đặt vào bức tường không đúng. Ta có thể luôn bận rộn, thậm chí rất bận rộn, nhưng vẫn không hiệu quả.

Đời ta sẽ khác như thế nào khi ta thực sự biết được điều gì là tối quan trọng và giữ được hiểu biết rõ ràng này trong tâm trí, để mỗi ngày, ta hiện hữu và hành động theo những gì quan trọng nhất với cuộc đời ta. Nếu chiếc thang không đặt vào bức tường đúng thì mỗi bước ta leo lên chỉ khiến ta lạc lối nhanh hơn. Có thể ta rất bận rộn, hiệu suất cao nhưng chỉ ta đạt được hiệu quả đích thực khi Bắt đầu bằng đích đến. Khi bạn Bắt đầu bằng đích đến, bạn sẽ có được một góc nhìn khác biệt.

Theo Thảo Nguyên

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên