MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triết lý kinh doanh của nhà tư sản hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Có một triết lý kinh doanh luôn được gia đình giữ vững trong suốt thời gian dài kinh doanh và cống hiến cho cách mạng.

7 phần để tái đầu tư, 3 phần từ thiện

Ông Trịnh Cần Chính, người con thứ của cụ Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, cho biết, gia đình luôn luôn làm theo triết lý kinh doanh từ xưa truyền lại. Nhờ có triết lý kinh doanh ấy mà việc buôn bán tơ lụa của hiệu Phúc Lợi đã vươn tới 9 nước trên thế giới, ngay đầu thế kỷ XX. Ngoài các quốc gia trong khu vực, lụa của gia đình đã được xuất khẩu sang Anh, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sỹ.

“Buôn bán lãi được 10 đồng thì giữ lại 7 phần để tái đầu tư, còn 3 phần để giúp từ thiện. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả” – ông Trịnh Cần Chính kể lại.

Triết lý kinh doanh với tính cần cù, cẩn thận của gia đình giúp thương hiệu Phúc Lợi tạo được lòng tin đối với các thương nhân, bạn hàng. Trước đó, hiệu được đặt theo tên cụ Trịnh Phúc Lợi (thân sinh cụ Trịnh Văn Bô) và nằm tại địa chỉ số 7 Hàng Ngang. Sau khi kết hôn năm 1932, cụ Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã thừa kế tên Phúc Lợi, hiệu được mở tại số 48 Hàng Ngang với số vốn chỉ 30.000 đồng Đông Dương.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Hoàng Thị Minh Hồ khẳng định gia đình vẫn luôn cống hiến tất cả vì nền độc lập, như triết lý đã được đặt ra. Khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, việc kinh doanh của hiệu gặp khó khăn, gia đình vẫn ủng hộ rất nhiều tiền cho Việt Minh, sau khi bán đi 17 hòm tơ bóng. Hai lần sau đó, gia đình ủng hộ thêm 3 vạn đồng Đông Dương để phục vụ cách mạng. Tính chung trước Cách mạng tháng Tám, doanh nhân Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã góp 8 vạn rưỡi đồng Đông Dương, trị giá 212,5 lượng vàng.


Cụ Hoàng Thị Minh Hồ

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ

Giúp quốc gia, dân tộc là trách nhiệm của doanh nhân

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chính lòng tin của Bác Hồ đối với tinh thần yêu nước của các nhà công thương đã thể hiện đường lối của cách mạng. Đường lối ấy đã khiến giới công thương hết lòng ủng hộ.

Câu chuyện của cụ ông Trịnh Văn Bô – cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng đã thể hiện trách nhiệm của doanh nhân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc. “làm ăn được 10 thì 7 phần cho mình, còn 3 phần cho xã hội” dù không được ghi thành văn nhưng đã trở thành triết lý kinh doanh của cả thế hệ công thương Việt Nam. Đây cũng là bài học cho nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay.

“Chúng tôi luôn đặt câu hỏi rằng, vì sao cách mạng thành công? Tại sao Bác Hồ trở về với Hà Nội lại chọn căn nhà của một trong những người giàu nhất, của con phố giàu nhất mà làm nơi ở, nơi làm việc của mình? Điều đó cho thấy lòng tin của Bác Hồ đối với tinh thần yêu nước của người Việt Nam” – ông Dương Trung Quốc nói, nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017.


Từ trái sang phải: ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, bà Phan Thị Ngọc, ông Phạm Văn Đồng

Từ trái sang phải: ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, bà Phan Thị Ngọc, ông Phạm Văn Đồng

Trong tư gia tại 34 Hoàng Diệu, bức ảnh Giới Công thương Việt Nam ủng hộ Tuần lễ vàng được đặt đối diện với ban thờ gia tiên. Đó là tấm hình chụp nhà công thương Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ với ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một bức vẽ khác có dòng chữ nhỏ: “Cụ Hoàng Minh Hồ, tức cụ bà Trịnh Văn Bô. Các cụ đã cống hiến cho đất nước từ những ngày đầu cách mạng (1945-1946) 5.147 lạng vàng”.

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên