Triệu phú 75 tuổi từng sống vô gia cư khổ sở, U50 bỗng chốc đổi đời: Khiếu hài hước trở thành tài sản đem lại nhiều tiền nhất
Vào năm 2022, David Letterman vẫn sở hữu giá trị tài sản ròng khổng lồ 450 triệu USD dù đã nghỉ hưu từ sớm. Ít ai biết rằng, suốt giai đoạn tuổi trẻ, ông vẫn sống rất nghèo khó và chỉ thực sự đổi đời khi gần bước sang tuổi xế chiều.
- 28-07-2022Hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài: Từ cô gái nhặt bóng trở thành chuyền hai xuất sắc, quyết theo đam mê dù từng bị cha mẹ phản đối
- 27-07-2022Thiên tài vật lý từng tự kỷ, ngại giao tiếp nhưng được mẹ nuôi dạy thành công nhờ 7 chi tiết mà phụ huynh nào cũng nên biết
- 20-07-2022Nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết mọi người không muốn trở thành tỷ phú: Tiền bạc có quan trọng như bạn nghĩ?
David Letterman là một trong những người dẫn chương trình truyền hình giàu có nhất từ trước đến nay. Ông rời lĩnh vực giải trí truyền hình sau hơn ba thập kỷ trong nghề, để lại ấn tượng đậm sâu và khối tài sản kếch xù.
Triệu phú người Mỹ tích lũy được phần lớn của cải khi làm MC của chương trình trò chuyện đêm khuya NBC “Late Show with David Letterman”. Sự thành công đến với ông một cách bất ngờ ở giai đoạn trung niên, kéo theo đó là dấu ấn không thể xóa nhòa.
David Letterman, tên thật là David Michael Letterman, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1947, tại Indianapolis, Indiana, một tiểu bang ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Cha ông qua đời ở tuổi 57 vì một cơn đau tim.
“Trước khi nổi tiếng như ngày hôm nay, tôi từng sống trong một chiếc xe cũ kỹ. Đó vừa là nhà vừa là phương tiện đi lại duy nhất”, ông từng chia sẻ.
Thời trung học, Letterman đã bắt đầu làm việc tại một siêu thị địa phương để kiếm thêm thu nhập. Ông tốt nghiệp Đại học Ball State năm 1969 tại Khoa Truyền hình và Phát thanh, từng đảm nhận một công việc phát thanh viên. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, ông đã bị sa thải vì có những câu nói bông đùa mang ý mỉa mai về chủ đề âm nhạc cổ điển.
Sau khi tốt nghiệp, Letterman bắt đầu làm nhân viên thời tiết trên đài truyền hình Indianapolis. Ông dần trở nên nổi tiếng với những hành vi hài hước bộc phát trên sóng truyền hình mà mọi người không thể đoán trước được.
Năm 1975, ông được gia đình và bạn bè khuyến khích chuyển đến Los Angeles để trở thành một nhà văn hài kịch. Ở đó, Letterman bắt đầu tham gia vào lĩnh vực hài độc thoại tại “The Comedy Store”. Thông qua những buổi biểu diễn này, ông gây dựng được nhiều mối quan hệ, rồi trở thành người viết kịch bản và làm khách mời cho nhiều chương trình truyền hình và game show vào năm 1978.
Dần dần, cách nói chuyện châm biếm hài hước của Letterman đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng, giúp ông thu hút sự chú ý của nhà sản xuất chương trình “The Tonight Show Starring Johnny Carson” rồi liên tục được mời tới lên sóng.
Đó chính là lý do mà Letterman từng bộc bạch rằng, “Carson chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của tôi”.
Tham gia vào NBC chính là một sự kiện dẫn tới bước ngoặt đổi đời của David Letterman. Ban đầu, người dẫn chương trình triệu USD được đảm nhận một chương trình hài buổi sáng vào năm 1980. Tuy nhiên, hiệu quả chương trình “thấp thậm tệ” tới nỗi bị cắt sóng chỉ sau 4 tháng.
Không muốn “bỏ lỡ” tài năng của Letterman, NBC đã thử đưa ông sang một khung thời gian lên sóng khác. Từ quyết định này, “Late Night with David Letterman” bắt đầu lên sóng vào tháng 2 năm 1982.
Khung giờ đêm muộn kết hợp với cách dẫn chương trình hài hước một cách bất cần, tự giễu cợt bản thân và có chút gì đó “kỳ quặc” của Letterman đã tạo ra một cú huých mạnh. Nó thu hút rất nhiều các sinh viên đại học và những người trẻ tuổi thường thức khuya.
David Letterman có phong cách dẫn chương trình độc đáo, riêng biệt nên để lại hình ảnh đậm sâu trong lòng khán giả nước Mỹ. Ảnh: Dimitrios Kambouris/Getty Images
“Những phát ngôn sắc sảo và thẳng thắn của ông ấy nghe thật ‘đã tai’ làm sao”, những người hâm mộ chia sẻ.
Năm 1992, sau khi tích lũy danh tiếng nổi bật, Letterman tổ chức một chương trình riêng của mình trên CBS. Đài truyền hình này đã ký hợp đồng trị giá 14 triệu USD mỗi năm để “giữ chân” MC nổi tiếng này. Mức lương này cao gấp đôi so với hợp đồng khi ông còn ở NBC, góp phần đưa ông trở thành triệu phú thực thụ khi đã gần 50 tuổi.
Ở ngưỡng cửa U50, phong cách dẫn chương trình của Letterman có độ chín muồi hơn. Ông giảm bớt sự ngông cuồng và mỉa mai để thu hút một lượng khán giả truyền thống hơn.
Cùng thời điểm đó, ông cũng thành lập công ty sản xuất của riêng mình là Worldwide Pants rồi thực hiện đầu tư vào show diễn mới. Khoản lợi nhuận từ vụ đầu tư này chiếm một phần đáng kể trong khối tài sản hàng trăm triệu USD của Letterman.
Năm 2014, tập phát sóng cuối cùng trước khi Letterman giải nghệ đã thu hút 13,76 triệu khán giả theo dõi. Con số hoành tráng như một lời khẳng định cho vị thế của người dẫn chương trình tài ba.
Letterman cùng khách mời Barack Obama trong một chương trình phỏng vấn. Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/GettyImages
Tuyên bố một cách ngẫu hứng ngay trên sóng truyền hình của David Letterman khiến khán giả lặng đi vì bất ngờ. Nhưng cũng chính điều đó càng thể hiện phong cách của ông, một phong thái không kiểu cách, rườm rà hay quan trọng hóa.
“Dù bề ngoài, Letterman tỏ ra không xúc động, nhưng cách ông chuyển tải thông tin thật cảm động. Ông luôn thể hiện xúc cảm một cách trầm lắng, nêm nếm vừa đủ chút hài hước để khán giả hiểu rằng, buồn chán không thể giúp chúng ta tránh khỏi quy luật đào thải của cuộc sống.
Xếp hàng dài để vào xem "Letterman lần cuối cùng trên trường quay" có những tên tuổi lớn như "bà hoàng truyền hình" Oprah Winfrey, Tom Hanks, Bill Murray... Những diễn viên hàng đầu Hollywood như Steve Martin, diễn viên hài Chris Rock, Jerry Seinfeld, Jim Carey… cũng đã đến để chia tay ngôi sao truyền hình kỳ cựu này.
Đồng thời, ông cũng trở thành người dẫn chương trình trò chuyện đêm khuya lâu nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Tên tuổi của ông đã được ghi vào lịch sử truyền hình với những cống hiến to lớn. Ông cũng đã giành được 9 giải Emmy cho người dẫn chương trình xuất sắc nhất.
Ông Barrack Obama đã thể hiện niềm tiếc nuối khi nói: “Sẽ chẳng còn là truyền hình nếu thiếu David”. Bà Hillary Clinton cũng đã đăng lên Twitter lời cảm ơn chân thành đến ông, người đã mang lại những tiếng cười sâu sắc.
Letterman hầu như dành sự quan tâm và tiền bạc của mình cho các hoạt động từ thiện. Các tổ chức của ông đã quyên góp hàng triệu USD cho các đơn vị phi lợi nhuận, trong đó bao gồm Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Bác sĩ không biên giới và Đại học Ball State.
Vào tháng 10 năm 2017, để tôn vinh những cá nhân có ảnh hưởng đến xã hội Mỹ, Letterman đã nhận được Giải thưởng “The Mark Twain Prize for American Humor”. Đây là sự công nhận tuyệt vời cho những đóng góp của ông dành cho ngành công nghiệp truyền hình.
Tài sản của Letterman thậm chí còn tăng lên trong thời gian này khi ông mua lại một trang trại ở Montan và các bất động sản khác. Ông cũng có thể dễ dàng thu được khoảng 50 triệu USD mỗi năm từ phí bản quyền. Con số này giảm nhẹ trong thời gian gần đây.
Vào năm 2018, Letterman bất ngờ trở lại với một chương trình phỏng vấn dài trên Netflix có tên My Next Guest Needs No Introduction with David Letterman (Tạm dịch: Những vị khách không cần phải giới thiệu). Số đầu tiên lên sóng với khách mời Barack Obama.
Chương trình đã đạt đề cử cho Giải thưởng Primetime Creative Arts Emmy, nơi ghi nhận những thành tựu trong chương trình truyền hình của Hoa Kỳ.
*Theo Richest, Celebritynetworth