MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triệu phú về hưu ở tuổi 52 với tài sản 3 triệu USD tiết lộ 10 sai lầm tiền bạc ai cũng có thể mắc phải

17-05-2017 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Hai sai lầm tài chính lớn nhất liên quan đến hôn nhân đó là lấy nhầm người và ly hôn.

Khi nói đến thành công trong quản lý tài chính cá nhân, chúng ta thường nghĩ đến một công thức rất đơn giản: chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được trong một khoảng thời gian dài và đầu tư khác biệt.

Nói cách khác, những người thành công về tài chính luôn “nghiền ngẫm” công thức E-S-I (Earn – Save – Invest). Và nếu đây được coi là trung tâm của việc lập kế hoạch tài chính thì chắc chắn nó có thể giúp bạn làm giàu.

Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta thường hay bỏ quên – đó là bạn phải tránh những “bẫy tài chính” có thể làm đảo lộn kế hoạch của bạn. Tôi gọi đó là những sai lầm tiền bạc tồi tệ mà ai cũng có thể mắc phải.

Chi tiêu “quá tay”

Nếu dòng tiền vượt quá mức thu nhập, bạn sẽ gặp thất bại về tài chính. Bước đầu tiên trong việc tăng thu nhập là chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Vì khi bạn chi tiêu “quá tay”, bạn đang gây thiệt hại to lớn cho cân bằng tài chính của mình.

Có 2 kiểu chi tiêu “quá tay” đó là: chi quá nhiều tiền vào mua những thứ nhỏ nhặt, những khoản chi tiêu nhỏ này lâu dần sẽ biến thành khoản chi tiêu lớn hơn hoặc chi tiêu quá nhiều tiền vào những thứ lớn như mua nhà, xe, du thuyền… Dù bạn kiếm được nhiều tiền đến đâu đi chăng nữa nhưng cứ chi tiêu quá đà thì bạn cũng sẽ kết thúc trong nợ nần mà thôi.

Không làm việc chăm chỉ để tối đa hóa thu nhập

Sự nghiệp là tài sản tài chính quan trọng nhất đối với mỗi người. Trung bình một người Mỹ có cơ hội kiếm được 2 triệu USD trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng nếu làm việc chăm chỉ và tăng thu nhập khoảng 8%/năm, anh ta có thể kiếm thêm được 3 triệu USD. Ngược lại, nếu anh ta không làm được điều này, 2 triệu USD kia cũng sẽ bay hơi (còn khoảng 1 triệu USD). Vì vậy, không làm việc chăm chỉ để tối đa thu nhập có thể khiến bạn mất hàng triệu đô la.

Để tránh sai lầm nghiêm trọng này, việc bạn nên làm là phát triển và lập kế hoạch chi tiết cho sự nghiệp của mình. Đừng nghỉ việc khi không có phương án dự phòng, dù công việc hiện tại của bạn đang rất áp lực nhưng không có đồ để ăn còn áp lực hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, bạn cần chăm sóc sức khỏe cho bản thân thật tốt, ăn khỏe, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục và hưởng thụ cuộc sống. Sự nghiệp và thu nhập của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của bạn.

Chìm ngập trong nợ nần

Theo thống kê của AARP, trung bình một người Mỹ phải trả 600.000 USD lãi suất theo thời gian. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy chi phí của nợ nần lớn thế nào. Nó có thể “đánh cắp” của bạn hàng trăm ngàn đô la mỗi năm.

Giải pháp ở đây rất đơn giản: nếu bạn đang nợ nần, hãy bắt đầu thực hiện những lời khuyên ở trên để thoát khỏi nợ nần. Còn nếu bạn chưa từng mắc nợ, đừng bao giờ để mình rơi vào hoàn cảnh đó.

Chờ đợi để đầu tư

Có 3 yếu tố quyết định giá trị của một khoản đầu tư đó là: Số tiền đầu tư, tỷ suất hoàn vốn đầu tư và thời gian đầu tư. Hầu hết những thứ chúng ta thấy trên báo chí là những khoản đầu tư thu lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khoản đầu tư của bạn chính là thời gian.

Bạn càng chờ đợi để đầu tư, thì bạn càng lãng phí thời gian và tiền bạc. Vì thế, lời khuyên của tôi ở đây là hãy tiết kiệm thật sớm và thường xuyên, sau đó dùng tiền để đầu tư càng sớm càng tốt.

Mua nhà trị giá quá lớn so với thu nhập

Nếu bạn chưa giàu nhưng vẫn muốn một ngày nào đó trở nên giàu có, đừng bao giờ mua một ngôi nhà đòi hỏi thế chấp lớn gấp đôi thu nhập thực tế hàng năm của gia đình bạn. Đó sẽ là một “hố sâu” về tài chính.

Không tiết kiệm

Như tôi đã đề cập ở trên, công thức tạo nên sự thịnh vượng về tài chính rất đơn giản: chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và thực hiện điều này trong suốt thời gian dài. Nếu bạn làm được cả hai việc này, bạn sẽ trở lên giàu có. Bởi lý do đơn giản là bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Mặt khác, nếu không biết tiết kiệm, bạn sẽ khó có thể đạt được tự do về tài chính. Bạn càng đợi thời gian để tiết kiệm sẽ càng khó để bắt kịp. Lời khuyên cho bạn là hãy tiết kiệm một tỷ lệ nhất định từ tiền lương hàng tháng, khoảng 10% thu nhập chẳng hạn. Sau đó hãy tăng dần tỷ lệ này theo thời gian để phục vụ cho những mục tiêu lớn trong tương lai của bạn như mua nhà, mua xe, nghỉ hưu, sinh con…

Kết hôn sai người

Hai sai lầm tài chính lớn nhất liên quan đến hôn nhân đó là lấy nhầm người và ly hôn. Những cặp đôi mà cả vợ và chồng đều hiểu biết về nguyên tắc tài chính cơ bản thường quản lý tiền bạc tốt hơn những đôi mà chỉ một trong hai người nắm vững kiến thức tài chính.

Bên cạnh đó, ly hôn cũng là một trong những “cú sốc” lớn về tài chính của các cặp đôi. Theo thống kê, tài sản của những người ly hôn có thể giảm tới 77% - một con số sụt giảm rất lớn chỉ vì vợ chồng chia đôi tài sản. Vì thế, hãy lựa chọn cho thật kỹ người bạn đời phù hợp nhất với mình.

Không mua bảo hiểm

Tôi cho rằng bảo hiểm là một loại quỹ khẩn cấp có thể giúp bổ sung dòng tiền cho bạn trong những trường hợp cần thiết. Nó bao gồm những thứ mà bạn không thể tiết kiệm từ trước đó; giúp thay thế hoặc bảo vệ những tài sản lớn mà bạn đang sở hữu chẳng hạn như công việc, nhà, xe và các khoản đầu tư.

Vì thế, tôi cho rằng chúng ta đều nên mua đầy đủ các loại bảo hiểm dưới đây: bảo hiểm xe hơi, bảo hiểm nhà, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế… để đảm bảo an toàn về tài chính.

Không đủ quyết tâm

Theo thống kê của tạp chí Money, 57% người Mỹ không đủ quyết tâm về tài chính; trong đó 69% là các cặp vợ chồng có con nhỏ dưới 18 tuổi. Hãy thử đoán xem, khi bạn không đủ quyết tâm thì ai sẽ là người quyết định những việc sẽ xảy ra với vấn đề tài chính của gia đình và con cái bạn? Câu trả lời là: Nhà nước. Nhưng liệu bạn có thực sự yên tâm khi nhà nước gánh vác trách nhiệm đó không?

Để tránh được sai lầm này, bạn cần ý chí và những tài liệu cần thiết cho việc lập kế hoạch tài chính của mình.

Không lập quỹ dự phòng

Quỹ dự phòng sẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất giúp bạn đối phó với các vấn đề tài chính phát sinh. Và hãy tin tôi đi, những vấn đề phát sinh này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ rất nhiều. Chẳng hạn như máy giặt nhà bạn bị hỏng, xe cần sửa, các con bạn bị ốm… Đó là một phần tất yếu của cuộc sống.

Nếu bạn không có một quỹ dự phòng, khi các vấn đề tài chính phát sinh xảy ra, chắc chắn bạn sẽ phải đi vay tiền. Vay mượn, không sớm thì muộn, cũng sẽ biến bạn thành kẻ “cháy túi”. Vậy lập quỹ dự phòng bao nhiêu thì đủ? Tôi cho rằng mức an toàn là bạn nên để số tiền đủ chi tiêu trong khoảng 6 tháng.

Hà My

Business Insider

Trở lên trên