Triệu tập gần 100 nghìn nhà đầu tư, nhưng chỉ vài chục người có mặt trong phiên xử ông Trịnh Văn Quyết
Theo ghi nhận trong sáng cùng ngày, trong gần 100.000 người được tòa triệu tập chỉ khoảng vài chục người tới.
Sáng 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hơn 7h cùng ngày, ông Quyết và 49 người khác đã được đưa tới toà.
Trong đó, ông Trinh Văn Quyết cùng 7 người khác bị xét xử về các tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại bị xử về các nhóm tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; thao túng thị trường chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài các bị cáo, hội đồng xét xử triệu tập hơn 30.000 bị hại và hơn 60.000 người liên quan, đều là những nhà đầu tư, từng mua cổ phiếu trong vụ án. Tuy nhiên theo ghi nhận trong sáng cùng ngày, trong gần 100.000 người được tòa triệu tập chỉ khoảng vài chục người tới.
Theo cáo buộc, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trịnh Văn Quyết được xác định là chủ mưu, quyết định, chỉ nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.
Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Sau khi ROS niêm yết trên sàn, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 ỷ đồng của các nhà đầu tư.
Có khoảng 90 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, trong đó riêng ông Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.
Trước phiên toà, các luật sư bào chữa cho ông Quyết cho biết, thời gian qua ông Quyết vô cùng ăn năn, hối hận và bày tỏ thái độ sẵn sàng khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án trước toà. Hiện tại, ông Quyết vẫn giữ nguyên yêu cầu luật sư khi bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi đã được xác định tại kết luận điều tra và cáo trạng, chỉ tập trung trình bày các lý do khách quan, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng.
Các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cũng cho hay, trong thời gian tạm giam, ông Quyết và gia đình luôn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án. Vào ngày 9/7/2024, bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Trước đó, bị cáo và gia đình cũng tự nguyện khắc phục số tiền hơn 191 tỷ đồng. Như vậy, Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM ...) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp HĐXX xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.