MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trịnh Khánh Hạ: Cô gái Việt 25 tuổi mang cánh tay giả sang Hà Lan dự thi startup quốc tế và câu chuyện đằng sau về một vị thần khuyết tật

24-05-2020 - 08:29 AM | Doanh nghiệp

20 startup từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cô gái Việt là người trẻ nhất và là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á, đã tham dự cuộc thi The Venture với 3 vòng. Mỗi vòng loại 50%. Và top 10 đã vinh danh startup Vulcan Augmetics, một startup đến từ Việt Nam sáng chế ra cánh tay giả cho người khuyết tật.

.Ông Trần Đình Thêu, 51 tuổi - nạn nhân bom mìn ở tỉnh Quảng Bình, đã có lại cánh tay đã mất của mình. Cánh tay mới là robot, có thể giúp ông rất nhiều trong sinh hoạt, cầm - nắm đồ vật và đặc biệt là thái rau cho đàn heo để kiếm kế sinh nhai.

Ông Trần Đình Thêu là một trong số những người không may mắn đã mất đi cánh tay của mình và giờ đây mừng vui khi cánh tay trở lại dù không phải bằng xương, bằng thịt. Một người khác, anh Phạm Văn Được, dù mất đi cánh tay nhưng không mất đi ước mơ. Anh đang mang trên mình cánh tay robot và trở thành Quản lý trải nghiệm người dùng cho một startup ở TPHCM.

Trịnh Khánh Hạ: Cô gái Việt 25 tuổi mang cánh tay giả sang Hà Lan dự thi startup quốc tế và câu chuyện đằng sau về một vị thần khuyết tật - Ảnh 1.

Những cánh tay robot trên là "con đẻ" của một nhóm người trẻ thành lập ra Vulcan Augmetics, muốn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người không may mất đi một phần cơ thể, trong đó có Trịnh Khánh Hạ. 

Vulcan Augmetics, cái tên đã mang rất nhiều ý nghĩa. Theo chia sẻ của Khánh Hạ, Vulcan là tên của một vị thần Roma. Từ khi sinh ra, vị thần này đã bị khuyết tật và bị cha đẩy xuống biển. Dưới đáy biển, vị thần này đã tìm cách sinh tồn, tự tạo chân riêng cho mình. Vulcan sau đó tập hợp quân, vũ khí để đánh lại các vị thần khác. Vì vượt lên trên khó khăn và rất giỏi nên sau đó Vulcan lại được phong lại thành thần.

Còn Augmetics có nguồn gốc từ 2 từ: Augmentation (sự tăng cường) và Prothetics (bộ phận). Cái tên của startup chính là thông điệp mà những người sáng lập mong muốn: Mang đến những bộ phận, trước hết là cánh tay, cho người khuyết tật để tiếp thêm sức mạnh cho trong cuộc sống.

Khánh Hạ mỗi khi thấy cần tiếp thêm động lực, lại nhớ đến câu nói của chính những người thiệt thòi khi cơ thể không còn nguyên vẹn: "Tôi mất đi cánh tay nhưng không đánh mất ước mơ".

25 tuổi, một mình mang cánh tay điện sang Hà Lan dự thi startup quốc tế

Trịnh Khánh Hạ là gương mặt đại diện cho Vulcan Augmetics thuyết trình trong giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award hồi cuối năm 2018 tại Việt Nam. Cô gái này đã giành vị trí quán quân và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào vòng thi quốc tế The Venture tại Hà Lan vào tháng 5/2019.

Hai năm sau khi trở lại London (Anh) - nơi Khánh Hạ từng học tập - để tập huấn trước khi sang Hà Lan dự thi, cô gái 25 tuổi có tâm thế mới và nhiều cảm xúc. Đó là chuẩn bị đại diện cho Việt Nam tham gia một cuộc thi startup tầm quốc tế.

Tháng 5/2019, Khánh Hạ lên đường tới Hà Lan. "Không gian của cuộc thi rất choáng ngợp, tập hợp các công ty công nghệ, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng rất lớn", Khánh Hạ chia sẻ khi cô tới tham dự cuộc thi tại Hà Lan.

20 startup từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cô gái Việt là người trẻ nhất và là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á, đã tham dự cuộc thi The Venture với 3 vòng. Mỗi vòng loại 50%. Và top 10 đã vinh danh startup Vulcan Augmetics.

"Tôi tin đến với Vulcan là quyết định sáng suốt", Khánh Hạ chia sẻ về con đường đến với Vulcan từ tháng 7/2018. Khánh Hạ cho rằng cuộc gặp gỡ với Vulcan là cơ duyên. Đó là khi startup riêng của Khánh Hạ về thời trang đang gặp khó vì founder ôm đồm hết để tiết kiệm chi phí, cô gặp 2 người sáng lập của Vulcan ngày nay và khi đó startup có tên là Ironman.

Khi nghe 2 cofounder của Ironman nói về dự án làm tay giả, Khánh Hạ thấy dự án hay nhưng rất khó nên còn do dự. Và khi 2 bạn cofounder của Vulcan cho cô xem một đoạn video người khuyết tật mất 2 cánh tay nhưng tự chế được chiếc xe rất to và tự lái, cô đã rất nể phục.

Hai bạn cofounder nói thêm: "Người khuyết tật có nội lực rất lớn. Họ vượt qua khó khăn nên rất giỏi. Chỉ có điều là họ thiếu những công cụ nhất định để phát triển khả năng và thiếu cộng đồng để giúp đỡ họ mà thôi".

Khánh Hạ đã bị thuyết phục bởi những người đam mê và nhiệt huyết với dự án và đồng hành cùng Vulcan kể từ đó đến nay. Và cô tin, Vulcan sẽ có những bước phát triển mới cho tương lai vì những giá trị mang lại cho người khuyết tật.

6 người đã có cánh tay robot, sẽ lắp cho 10 người vào đầu tháng 6

Khánh Hạ cho biết hiện cánh tay giả của Vulcan đang trong quá trình làm giấy phép y tế. Vulcan mong muốn được thêm nhiều phản hồi của người dùng để tiếp tục nâng cấp cho người sử dụng. Hiện Vulcan đang làm việc với 2 kênh.

Thứ nhất là dự án Uplift. Dự án này Vulcan kết hợp với The Coffee House và đối tác khác để mang lại cánh tay cho người lao động. Do người khuyết tật sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau nên đầu tháng 6 tới, Vulcan sẽ lắp tập trung lắp cho 10 người tại Hà Nội. Đáng lẽ ra, việc lắp đặt này đã tiến hành từ đầu năm 2020 nhưng do Covid-19 nên thời gian bị đẩy lùi.

Thứ hai, Vulcan tham gia vào dự án thí điểm phá bom mìn của UNDP. Đây là dự án lớn kết hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Và Vulcan vinh dự cung cấp cánh tay giả cho những nạn nhân bị mất một phần cơ thể do bom mìn.

Trịnh Khánh Hạ: Cô gái Việt 25 tuổi mang cánh tay giả sang Hà Lan dự thi startup quốc tế và câu chuyện đằng sau về một vị thần khuyết tật - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Thêu

Ông Trần Đình Thêu, một nạn nhân của bom mìn, đã có cánh tay giả để thái chuối, phục vụ chăn nuôi. Ông vui mừng khôn xiết vì cánh tay mất đi đã khiến cuộc sống của ông rất khó khăn, nay đã đỡ hơn nhiều. Giờ đây, ông không chỉ có một cánh tay mà là 2 cánh tay.

5 người khác ngoài ông Thêu đang mang cánh tay giả của Vulcan và sắp tới, nhiều người nữa sẽ có tay.

Mong muốn cánh tay giống như đồ công nghệ, chứ không phải dụng cụ y tế

Khánh Hạ cho biết tay giả khác hoàn toàn với tay thật. "Vulcan làm cánh tay không giống tay người thật. Vì khi không giống mà sao chép thì nhìn sẽ rất phản cảm", co-founder Vulcan nói.

Quan điểm của Vulcan đó là khi khuyết tật rồi thì người ta không cần phải che giấu. "Tôi đang mang trên người một sản phẩm công nghệ, chứ không phải dụng cụ y tế. Và người khuyết tật có thể tự hào chứ không cần che giấu", Trịnh Khánh Hà cho biết.

Đại diện của Vulcan cho hay về chức năng, cánh tay giả của Vulcan hiện tại là dành cho những người bị mất từ khuỷu tay xuống và có thể đáp ứng được khoảng 60% chức năng cơ bản như cầm, nắm. Mức lực tối đa mà cánh tay có thể chịu được đó là 2 kg. Cánh tay này thiết kế để hỗ trợ và không dùng để làm việc nặng. Cánh tay nặng 850 gram và mục tiêu của Vulcan là giảm trọng lượng xuống còn 600 gram.

Theo Khánh Hạ, cánh tay giả khi ra thị trường có giá khoảng 1.100 USD, rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường. Giá này bao gồm cả chi phí vật lý trị liệu, điều trị tâm lý (vì nhiều người bị sang chấn tâm lý do tổn thương cơ thể) và cả bảo hành sản phẩm. Bên cạnh đó, Vulcan còn đưa ra các chương trình giới thiệu việc làm với người khuyết tật để họ có công việc, có cộng đồng.


Thế Trần

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên