Trò chuyện cùng cựu thí sinh Olympia viết code Bluezone: 11 năm gắn bó với Bkav vì văn hóa và ‘sếp Quảng’, ước muốn làm ‘travel blogger’
"Bkav có văn hóa tập thể dục giữa giờ, vào 10h sáng và 3h chiều mỗi ngày. Con trai thì chống đẩy mỗi người 30 cái, con gái tập thể dục nhẹ nhàng hơn. Rồi văn hóa đi chân đất trong văn phòng, cho mình cảm giác thoải mái và gần gũi với văn hóa của Việt Nam", Khánh Võ - cựu thí sinh cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia", người viết dòng code đầu tiên cho ứng dụng Bluezone - chia sẻ.
Thời gian gần đây, không ai là không biết đến chàng trai “tóc xù” Võ Duy Khánh - một cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, cũng là người viết những dòng code đầu tiên cho ứng dụng Bluezone góp phần phòng chống dịch Covid-19. Anh từng tham gia tranh tài tại cuộc thi tuần của Đường lên đỉnh Olympia nhưng chỉ “về đích” ở vị trí thứ 3.
Tuy nhiên, sau đó, chàng trai vẫn khẳng định được năng lực của bản thân khi thi đỗ cả hai trường top đầu là Đại học Bách Khoa và Đại học Y Hà Nội. Dù gia đình, bạn bè và thầy cô đều gây áp lực, khuyên anh theo học ngành y nhưng cuối cùng, Khánh quyết định đi theo tiếng gọi của con tim và chọn Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Anh hiện là Trưởng Phòng Cấp cao, phòng An Ninh Di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc, tập đoàn công nghệ Bkav.
Ngày 25/10, Khánh vinh dự trở thành một trong các diễn giả diễn thuyết tại sự kiện TEDxTrangthiSt do TeamX tổ chức. Trí thức trẻ đã có cuộc trò chuyện ngắn với chàng trai tài năng này.
* Thời gian vừa qua, câu chuyện về cựu thí sinh Olympia tạo ra ứng dụng Bluezone được mọi người chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Cảm xúc của anh Khánh ra sao khi bất ngờ nhận được sự quan tâm lớn như vậy?
Sự tình bắt đầu từ việc Khánh được tham gia chương trình Gala 20 năm Đường lên đỉnh Olympia. Sau đó, mọi người biết đến câu chuyện của mình nhiều hơn và may mắn được các báo đài đưa tin.
Cảm xúc lúc ấy khá vui và cũng hơi hoảng loạn, choáng ngợp. Trong buổi sáng đầu tiên khi thông tin được đăng lên, thông báo trên điện thoại của Khánh nhảy liên tục. Trong khoảng 30 phút nhưng có đến 200-300 thông báo, mình chưa bao giờ trải qua cảm giác ấy và cũng không chuẩn bị tinh thần cho việc được nhiều người biết đến như thế.
Điều này cũng tác động tích cực đến Khánh. Có những người bạn mười mấy năm không gặp nhưng vẫn nhận ra mình trên báo, rồi kết nối lại với nhau. Thực sự nếu không có sự kiện đó thì nhiều mối quan hệ của Khánh cũng đã rơi vào quên lãng.
* Được biết anh đã làm thực tập sinh cho Bkav từ năm 2 đại học. Bkav có điều gì đặc biệt khiến anh gắn bó với công ty lâu như vậy?
Anh Khánh Võ chia sẻ với các bạn trẻ trong sự kiện TEDxTrangthiSt.
Mình tham gia vào cuộc thi tuyển của Bkav từ đầu năm 2, được đào tạo và làm việc cho đến bây giờ. Tính đến nay cũng là năm thứ 11 Khánh gắn bó với công ty rồi.
Ở Bkav, điều đặc biệt đầu tiên là văn hóa. Công ty có rất nhiều văn hóa thú vị mà nhiều nơi khác không có được. Anh em làm việc và chơi với nhau rất thân thiện, công ty giống như đang xây dựng một gia đình thứ 2 cho nhân viên vậy.
Ví dụ, văn hóa tập thể dục giữa giờ, vào 10h sáng và 3h chiều mỗi ngày. Con trai thì chống đẩy mỗi người 30 cái, con gái tập thể dục nhẹ nhàng hơn. Rồi văn hóa đi chân đất trong văn phòng, cho mình cảm giác thoải mái và gần gũi với văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra cũng có nhiều bộ môn thể thao để mọi người cùng tham gia.
* Đó là văn hóa công ty, còn lãnh đạo Bkav có ảnh hướng tới anh như thế nào?
Thực ra mình ở lại Bkav lâu như thế một phần lớn là do định hướng và khát khao của sếp Quảng. Sếp luôn khuyến khích mọi người khẳng định bản thân, tạo cho người Việt Nam niềm tin rằng chúng ta có thể làm được mọi thứ, rằng các bạn rất trẻ, rất giỏi, nếu làm hết mình thì những điều tốt đẹp sẽ tới.
* Được biết anh đang là Trưởng Phòng Cấp cao, phòng An Ninh Di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc. Vậy công việc cụ thể của anh là gì?
Khánh lên chức Trưởng phòng từ năm 26 tuổi và đến nay đã được 3 năm. Công việc hằng ngày của mình là nghiên cứu về các ứng dụng và tính năng để bảo vệ dữ liệu cho người dùng, giúp người dùng có trải nghiệm với điện thoại tốt và thoải mái nhất. Những ứng dụng này sẽ áp dụng cho tất cả các dòng điện thoại chứ không chỉ sản phẩm của Bkav.
* Có áp lực không khi anh được đảm nhiệm vai trò quan trọng từ lúc còn khá trẻ?
Thực ra mình được đào tạo và làm việc ở Bkav từ năm 2 đại học, cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về mảng di động nên đã hiểu khá rõ công việc, sau đó được ban lãnh đạo đưa lên chức trưởng phòng.
Tất nhiên là có áp lực do Khánh không được đào tạo về quản lý, nhưng bản thân cũng không đặt nặng vấn đề mình là trưởng phòng hay giám đốc. Mình luôn nghĩ mọi người là anh em, hỗ trợ và định hướng cho họ.
* Vậy đâu là tố chất cần có của một người làm công nghệ thông tin? Cơ hội việc làm trong ngành này hiện ra sao, anh Khánh có thể chia sẻ?
Thứ nhất là họ phải có tư duy rất tốt về logic và giải quyết vấn đề.
Thứ hai là sự chỉn chu trong công việc. Bởi ngay từ những dòng code đã rất loằng ngoằng, chỉ cần sai một dấu chấm phẩy, dấu cách hay cộng trừ thì bài toán đã khác hoàn toàn rồi.
Nếu có sự sáng tạo nữa thì khi phát triển một ứng dụng nào đó cũng sẽ dễ dàng hơn.
Còn về cơ hội việc làm, thực ra mọi người đều có cơ hội, kể cả những bạn chưa có nền tảng hay bậc đại học không được đào tạo về IT. Nếu vẫn còn sức khỏe, có thời gian và đủ đam mê thì Khánh tin rằng mọi người đều có thể. Không chỉ công nghệ thông tin mà tất cả những ngành khác đều vậy.
Nhu cầu của thị trường còn rất nhiều, các công ty thậm chí vẫn phải tranh giành, lôi kéo nhân sự của nhau. Đó là chưa kể đến việc các lĩnh vực mới như AI cũng đang trên đà phát triển.
* Ngoài công nghệ thông tin thì anh còn thích quay phim, chụp ảnh, phong cách cũng rất lãng đãng, phóng khoáng. Phải chăng dân IT không khô khan hay cứng nhắc như nhiều người tưởng tượng?
Giống như việc học toán, một bài toán có thể giải bằng nhiều cách. Đó cũng là bước đầu của sự sáng tạo.
Lý do Khánh chọn học tại Đại học Bách Khoa thay vì Đại học Y Hà Nội bởi mình nghĩ ngành công nghệ thông tin chính là dùng công nghệ để tạo nên những sáng tạo riêng. Vấn đề về chụp ảnh, quay phim cũng vậy.
Trước kia mình không biết bản thân yêu thích và có khả năng quay phim, chụp ảnh. Nhưng Khánh luôn muốn tìm những khía cạnh khác nhau trong con người mình. Ai cũng vậy, quan trọng là họ có nhận ra và thực hiện nó hay không.
Cả về ngoại hình lẫn tính cách, năng khiếu, mình luôn thay đổi và tìm ra, biết bản thân có gì và làm gì tốt nhất. Đó là cách lựa chọn cuộc sống của Khánh.
* Anh đã có dự định gì trong thời gian tới chưa?
Vì bản thân rất thích du lịch, dù nếu dùng từ đam mê thì chưa phải lúc. Tuy nhiên, mình muốn phát triển thêm mảng du lịch, biết đâu sau này lại có thể gặp gỡ mọi người ở một vai trò khác như “travel blogger” chẳng hạn (cười).
Ngoài ra, mình còn muốn nâng cao thêm trình độ tiếng anh và mảng đồ họa. Dù nhiều người bảo đến tuổi này còn học hành gì nữa, nhưng đó là những thứ mình cần và mình thích, nên phải thực hiện thôi.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tiền thân là TEDx Community of Hanoi, TeamX Hanoi là cộng đồng tiên phong trong lan tỏa, kết nối các ý tưởng cải tiến qua lăng kính những người trẻ sáng tạo, cởi mở và tận tâm. Sau 5 năm hình thành và phát triển, TeamX đã gây dựng uy tín vững chắc trong cộng đồng qua nhiều sự kiện như: Tuần lễ TEDx tại Hà Nội (2015), Chuỗi sự kiện TEDxBaTrieuSt (2016 & 2018), Vietnam Innovation Summit (2017, 2018 & 2019),...
Tiếp nối thành công của các mùa trước, chuỗi sự kiện TEDxTrangThiSt năm 2020 đã trở lại với chủ đề Revolving Us: Danh tính & Phát triển bền vững. TEDxTrangThiSt bao gồm 4 sự kiện: Art Hackathon, TEDxTrangThiStLive, TEDxTrangThiSt và Innovation Showcase.
Trí Thức Trẻ