MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trở lại sàn chứng khoán, sẽ có một Bông Bạch Tuyết khác?

03-09-2017 - 09:29 AM | Doanh nghiệp

Dù đã có sự phục hồi trong 3 năm gần đây, nhưng việc đưa cổ phiếu BBT lên sàn trở lại có giúp Bông Bạch Tuyết phát triển mạnh hơn trong những năm tới hay không vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn.

Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết vừa chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/8 để hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Như vậy, sau gần 2 năm kể từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 10/2015, kế hoạch đưa cổ phiếu BBT quay trở lại sàn chứng khoán cuối cùng cũng được triển khai.

Hành trang đưa BBT trở lại sàn chứng khoán là 3 năm kinh doanh có lãi sau một chuỗi ngày thua lỗ kéo dài. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016 của Bông Bạch Tuyết vừa mới công bố cho thấy, trong năm 2016, Công ty đã có khoản lợi nhuận 14,7 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà BBT ghi nhận trong 3 năm sau khi bắt đầu kinh doanh có lãi.

Việc BBT trở lại sàn chứng khoán lần này cũng hứa hẹn sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và các cổ đông của chính doanh nghiệp này. Bởi từ khi Bông Bạch Tuyết hủy niêm yết năm 2009, rất nhiều cổ đông công ty đã hầu như mất hết hy vọng giá trị tài sản phục hồi.

Khó khăn còn chất chồng

Có thể nói Bông Bạch Tuyết là một cái tên đáng nhớ trên thị trường chứng khoán thời sơ khai. Lên sàn năm 2004, Bông Bạch Tuyết là một thương hiệu hàng đầu trong ngành bông băng vệ sinh, y tế thời điểm đó. Công ty là số ít những DN niêm yết đầu tiên trên thị trường và có mặt lúc thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2006-2007. Thế nhưng đáng tiếc, BBT đã không tận dụng được lợi thế thời điểm thị trường ‘khan hàng’ để thực hiện đúng sứ mệnh là huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Ngược lại, đằng sau những quyết định sai lầm về đầu tư khiến công ty thua lỗ, ban lãnh đạo BBT lúc đó còn lấp liếm, cố tình công bố những con số sai lệch nghiêm trọng trong báo tài chính khiến hàng trăm cổ đông ‘chết đứng’ khi đơn vị kiểm toán phát hiện những con số thua lỗ khổng lồ. Không những vậy, ban lãnh đạo cũ BBT còn bị cơ quan điều tra phát hiện ra một loạt sai phạm khác trong quá trình điều hành BBT.


Nguồn: BCTC kiểm toán 2016

Nguồn: BCTC kiểm toán 2016

Những năm gần đây, sai phạm đó dù được ban lãnh đạo mới của công ty giải quyết phần nào, nhưng những vết thương quá lớn vẫn còn để lại cho đến hôm nay. Năm 2016, BBT đã lần đầu trở lại với con số vốn chủ sở hữu dương 2 tỷ đồng, nhưng con số lỗ lũy kế trên 75 tỷ đồng trên báo cáo tài chính và số nợ phải trả gần 95 tỷ đồng, gần ngang ngửa so với tổng tài sản đến 31/12/2016 là 97 tỷ đồng (chiếm phần lớn là các khoản nợ các bên liên quan và khoản lãi vay) vẫn sẽ là nổi ám ảnh đối với BBT.

Với khả năng kinh doanh hiện tại, ít nhất cũng phải mất thêm nhiều năm nữa công ty mới có thể xóa sạch lỗ lũy kế và trả hết những khoản nợ quá hạn trên. Đến lúc đó thì cổ đông công ty mới có thể nghĩ về các khoản lãi cổ tức. Không những vậy, báo cáo tài chính của Công ty này đến nay vẫn chưa làm các nhà đầu tư an tâm về tính minh bạch bởi các con số kế toán trên báo cáo của BBT đến nay vẫn chưa được làm rõ. Báo cáo tài chính năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán & tư vấn A&C, kiểm toán Viên cũng tiếp tục đưa ra cơ sở ngoại trừ về một loạt con số trên BCTC mà theo kiểm toán viên là không có bằng chứng để xác thực.

Bên cạnh đó, BBT có thể tiếp tục phát triển mạnh hơn để chiếm lại vị thế dẫn đầu thị trường hay không sẽ là một dấu hỏi lớn. Bởi hiện nay, sản phẩm BBT đã không còn là số 1 như như xưa mà thị trường đang tràn ngập các sản phẩm cả trong nước và ngoại nhập với bao bì và mẫu mã đẹp hơn hẳn. Ngoài ra, BBT chưa công bố báo cáo thường niên năm 2016 nhưng theo báo cáo năm 2015, thu nhập bình quân của nhân viên BBT chỉ ở mức 4,7 triệu đồng/tháng là rất thấp so với thị trường hiện nay.

Rõ ràng, BBT muốn phục hưng cần phải tiếp tục đầu tư để cải tiến chất lượng sản phẩm và tăng cường hoạt động bán hàng và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Trước mắt, BBT vẫn phải tiếp tục đàm phán với các chủ nợ để tiếp tục giản hoặc xóa nợ. Tiếp đến là bơm thêm vốn để cổ máy BBT tiếp tục hoạt động.

Tia sáng hiếm hoi

Điểm đáng chú ý nhất của BBT đó là nỗ lực cứu con tàu đắm BBT đang được thực hiện. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ban điều hành cho biết khoản lợi nhuận 14,7 tỷ đồng trong năm 2016 hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Bông Bạch Tuyết còn phát triển thêm các sản phẩm như bông tẩy trang Merilynn, khẩu trang Meriday hay các loại tăm bông, khăn gạc Gerino, đó là một sự nỗ lực đáng được ghi nhận trong bối cảnh công ty rất khó khăn về vốn.

Ban lãnh đạo BBT cũng đã thừa nhận Công ty rất cần vốn, trước mắt là để sửa chữa nhà xưởng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải…, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ tồn đọng hiện nay (hơn 56 tỷ đồng). Theo đó, đề xuất cổ đông thông qua phương án phát hành 2,96 triệu cổ phần riêng lẻ (giá 10.000 đồng/CP) để tăng vốn điều lệ lên 98 tỷ đồng, phân phối cho CTCP Xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế). Trong khi đó, cổ đông lớn là Dệt may Gia Định từ chối không mua thêm 888.000 cổ phiếu vì cho rằng mức giá quá cao.

Mặc dù các tờ trình đều được thông qua, nhưng với một cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên chỉ có sự tham gia của 24 cổ đông đại diện cho 36,38% số cổ phần có quyền biểu quyết và chỉ một mình cổ đông lớn là CTCP Dệt may Gia Định (với tỷ lệ biểu quyết chiếm đến 83%) đồng ý thông qua nội dung các tờ trình trong khi toàn bộ các cổ đông nhỏ lẻ tại Đại hội đã biểu quyết không tán thành là một vấn đề đáng quan ngại.

Dự kiến sau đợt phát hành thì Dệt may Gia Định (Giditex) và Unimex Huế sẽ nắm lần lượt 20,9% và 30% vốn của BBT, tương đương với tổng tỷ lệ sở hữu gần 51%. Khi đó, dù tương lai của BBT như thế nào phụ thuộc rất lớn vào 2 cổ đông lớn cầm trịch cuộc chơi này.

Cho đến nay Giditex vẫn là một ẩn số bởi Công ty này chưa công bố báo cáo tài chính. Trong khi đó, Unimex Huế vừa tăng vốn từ 17 tỷ đồng lên 95 tỷ đồng trong năm ngoái. Điều đáng nói, sự cam kết của Unimex Huế để phát triển BBT hay không cũng là điều mà các cổ đông tham gia đại hội cũng tỏ ra nghi ngờ.

Kế hoạch trong năm nay, BBT đặt mục tiêu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 101 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 24,3 tỷ đồng, trong đó phân nửa đến từ kinh doanh các sản phẩm chủ lực như bông, gạc y tế, khẩu trang y tế…phân nửa lợi nhuận còn lại đến từ lĩnh vực bất động sản với dự án Khu nhà ở Nguyễn Văn Săng (quận Tân Phú, TP.HCM).

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên