“Trố mắt” nhìn mận lạ đội lốt "mận Sapa" nhan nhản trên thị trường
10 ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều xe chở mận tím đỗ dọc các trục đường để bán cho người tiêu dùng. Theo người bán, đây là mận Sapa, có nơi còn rao là mận Lai Châu… Thực hư thế nào? Liệu loại mận này có “ngậm” chất bảo quản.
- 29-07-2017Mận Trung Quốc được "hô biến" thành mận Sa Pa
- 10-07-2017Mận Trung Quốc 'đội lốt' mận Sapa bán ngập phố Hà Nội
- 08-07-2017Mới đầu mùa, dân Việt ăn hơn 7.000 tấn mận Trung Quốc
Dọc các tuyến đường vành đai 3, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, 32… và trong các chợ Đồng Xa, Nghĩa Tân, Cầu Giấy… xuất hiện nhiều xe bán mận với giá giao động từ 45-50 nghìn đồng/kg. Đây không phải là loại mận cơm màu vàng hoặc nâu đỏ, cùi giòn, vị ngọt của Trung Quốc như thường thấy, mà loại mận này có màu tím đỏ (như màu mận hậu Hà Giang), quả nhỏ, rất ít quả tươi mà bị héo, nhiều quả bầm dập. Hầu hết các chủ hàng đều khẳng định đây là mận Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… cuối vụ, quả “kẹ” đồng bào “găm” lại để bán dịp rằm tháng 7 hoặc Tết Trung thu.
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 8.9, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu - khẳng định: Mùa mận ở Lai Châu kết thúc cách đây 2 tháng và hiện nay Lai Châu hoàn toàn không có mận. “Đó là mận của Trung Quốc!", ông Hà Văn Um nói.
Đại diện Sở NNPTNT các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai cũng khẳng định: Tại các tỉnh phía Bắc đã không còn mận để bán. Mùa mận đã kết thúc từ 2 tháng nay và hiện nay trên các cây mận không còn quả nào, không có chuyện bà con nông dân ém hàng như thông tin người bán đưa ra.
“Loại mận này không đi chính thức qua cửa khẩu mà được giới buôn lậu chở vào Việt Nam. Vì chưa được triển khai kiểm tra nên chưa thể khẳng định mận này có bị ủ thuốc hay hóa chất bảo vệ hay không. Nhưng chúng tôi khẳng định hiện nay đã hết mùa mận”, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở NNPTNT Lai Châu - khẳng định.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - một chuyên gia kỹ thuật đã từng phụ trách vấn đề ATTP của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Thực hiện chính sách biên mậu của nhân dân vùng biên giới Việt - Trung nên hàng hóa của người dân biên giới giữa 2 nước vẫn trao đổi hàng hóa bình thường. Trung Quốc cũng kiểm soát khá tốt vấn đề ATTP, trước đây cục đã tiến hành kiểm tra 100% lô hàng chứ không phải kiểm tra ngẫu nhiên và không phát hiện được vấn đề mất an toàn thực phẩm trong các lô hàng.
“Thực ra, khâu bảo quản sau thu hoạch của Trung Quốc khá tốt, hàng của họ không chỉ bán sang Việt Nam mà còn bán ra nhiều nước trên thế giới, kể cả hàng biên mậu nhỏ lẻ. Trung Quốc đã áp dụng được công nghệ của các nước tiên tiến, ức chế khả năng làm chín của trái cây bằng các công nghệ an toàn, làm cho trái cây tươi lâu hơn nên khâu bảo quản rất tốt” – ông Huỳnh Tấn Đạt khẳng định.
Lao động