Trớ trêu cảnh doanh nghiệp phương Tây bội thu hàng tỷ USD nhưng bất lực nhìn tiền “mắc kẹt” tại Nga: Vì đâu nên nỗi?
Các doanh nghiệp từ các quốc gia bị Moscow đánh giá là “không thân thiện” đã kiếm được hơn 18 tỷ USD kể từ năm 2022.
- 19-09-2023Xuất hiện một tín hiệu khiến thị trường dự báo S&P 500 tăng 25% trong năm tới
- 18-09-2023Thị trường chứng khoán Mỹ biến động ra sao trước cuộc họp của FED?
- 18-09-2023"Cơn sốt" đập thủy điện qua đi để lộ tử huyệt: Các con đập "già” trở thành thảm họa hẹn giờ, ngay cả việc phá bỏ cũng quá tốm kém, đẩy nhiều quốc gia vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”
Khoản lợi nhuận khổng lồ của các doanh nghiệp phương Tây tại Nga
Kể từ khi xung đột xảy ra tại Ukraine, các công ty phương Tây còn hoạt động tại Nga đã tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận. Nhưng Điện Kremlin đã ngăn họ tiếp cận nguồn tiền để gây sức ép lên các quốc gia bị cáo buộc “không thân thiện”.
Theo số liệu do Trường Kinh tế Kyiv (KSE) tổng hợp, trong số 20 tỷ USD lợi nhuận của các công ty nước ngoài tại Nga năm 2022, các tập đoàn có nguồn gốc “không thân thiện” chiếm 18 tỷ USD. Doanh thu gộp của họ là 199 tỷ USD trong tổng số 217 tỷ USD.
Phó giám đốc KSE Andrii Onopriienko, người biên soạn dữ liệu, cho biết: “Mặc dù không thể đánh giá chính xác là bao nhiêu, các số liệu có thể đã tăng đáng kể. Vì hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Nga chỉ tiết lộ kết quả kinh doanh hàng năm tại địa phương”.
Nga đã áp dụng lệnh cấm trả cổ tức đối với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia “không thân thiện”. Danh sách đó bao gồm Mỹ, Anh và tất cả thành viên Liên minh châu Âu (EU). Kể từ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp đều bị phong toả, từ tập đoàn dầu khí BP cho đến Citigroup.
CEO của một công ty lớn thuộc quốc gia “không thân thiện” cho biết: “Hàng tỷ USD đang bị mắc kẹt ở Nga. Và không có cách nào để rút số tiền đó ra”.
Quy mô doanh thu và lợi nhuận không chỉ phản ánh tầm quan trọng dài hạn của các công ty phương Tây đối với nền kinh tế Nga, nó còn phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cố gắng bán các công ty con ở Nga, nhưng thương vụ nào cũng cần cho sự chấp thuận của Moscow và phải chịu mức chiết khấu lớn. Trong những ngày gần đây, British American Tobacco và nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Volvo đã công bố thỏa thuận chuyển giao tài sản của họ ở trong nước cho các chủ sở hữu địa phương.
Theo dữ liệu của KSE, trong số các thực thể có nguồn gốc “không thân thiện” còn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen của Áo ghi nhận lợi nhuận lớn nhất với 2 tỷ USD trong năm 2022.
Công ty Philip Morris kiếm được 775 triệu USD và PepsiCo kiếm được 718 triệu USD. Nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Scania kiếm được 621 triệu USD lợi nhuận ở Nga trong năm 2022.
Số liệu tổng hợp của KSE cho thấy các doanh nghiệp trụ sở tại Mỹ tạo ra tổng lợi nhuận lớn nhất là 4,9 tỷ USD, tiếp theo là các công ty Đức (2,4 tỷ USD), Áo (1,9 tỷ USD) và Thuỵ Sĩ (1 tỷ USD).
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các doanh nghiệp phương Tây
Các khoản tiền không thể tiếp cận làm gia tăng chi phí mà các doanh nghiệp quốc tế phải đối mặt. Tờ Financial Times đưa tin rằng các công ty châu Âu đã báo cáo khoản lỗ và thiệt hại ít nhất 100 tỷ euro từ khi xung đột diễn ra.
Một số công ty đã tìm ra cách để vượt qua những hạn chế. Theo báo cáo tài chính thường niên năm 2022, công ty con ở Nga của tập đoàn thực phẩm Mars của Mỹ đã trả 56,1 tỷ Rbs (khoảng 800 triệu USD) cho công ty mẹ bằng cách “bù trừ nợ”.
Học giả Aleksandra Prokopenko tại trung tâm Carnegie Russia Eurasia Center cho biết các quan chức Nga vẫn chưa vạch ra “một chiến lược rõ ràng để xử lý các tài sản bị phong toả”. Tuy nhiên, khi xét đến mong muốn của các doanh nghiệp nước ngoài muốn lấy lại tiền lãi, Nga có thể sử dụng số tài sản này để thúc giục phương Tây giải phóng tài sản của Nga.
Tháng trước, Bộ tài chính Nga đã nới lỏng các quy định về cổ tức của doanh nghiệp, nhưng cũng chính thức hoá khuôn khổ quy định các công ty “thân thiện” và “không thân thiện”.
Một người thạo tin cho biết đối với một công ty có nguồn gốc “không thân thiện”, việc rút tiền lãi về nước cũng phức tạp như việc bán một doanh nghiệp ở Nga. Nhiều người thậm chí không còn hy vọng vào việc nhận lại được cổ tức.
Ngay cả một số công ty từ quốc gia “thân thiện” cũng đang gặp khó khăn trong việc gửi khoản lợi nhuận cho thể chia cho cổ đông về nước. Theo quan chức dầu mỏ hàng đầu của Ấn Độ Ranjit Rath, Nga đang ngăn các công ty năng lượng của Ấn Độ chuyển về nước khoản tiền cổ tức khoảng 400 triệu USD.
Mặt khác, một giám đốc điều hành công ty lớn của Nga tại Ấn Độ cho biết Moscow hành động như vậy là để đáp lại thực tế rằng một lượng lớn tiền từ xuất khẩu dầu của Nga vẫn đang bị mắc kẹt ở Ấn Độ.
Vị giám đốc này nói thêm rằng Moscow thực sự lo ngại về việc tháo vốn: “Hãy nhìn xem điều gì đang xảy ra với đồng rúp”. Đồng tiền của Nga đang sụt giảm mạnh so với đồng USD trong những tháng gần đây.
Vào tháng 3, trước khi đồng rúp bắt đầu sụt giá mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nới lỏng các hạn chế về cổ tức. Nhưng 5 tháng sau, lệnh cấm lại được gia hạn để ngăn đồng rúp trượt giá. Một khi đồng tiền của Nga tiếp tục sụt giảm, các quan chức nước này sẽ lại đánh giá thêm các hạn chế về vốn.
Tham khảo FT
Nhịp Sống Thị Trường