MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trớ trêu tham vọng thống lĩnh ngành AI của Trung Quốc: Nhân tố trọng yếu phụ thuộc rất nhiều vào đối thủ lớn nhất, cách đào tạo lỗi thời, thi viết code trên...giấy!

22-12-2019 - 12:33 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc kỳ vọng trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành AI nhưng đang vấp phải rất nhiều rào cản. Yếu tố lớn nhất đó là số lượng lớn kỹ sư ngành này đều học tập và làm việc ở Mỹ, còn những cử nhân hay nghiên cứu sinh trong nước thì lại kém tiếng Anh - dù đây là ngôn ngữ phổ biến của ngành.

Mối quan hệ "cộng sinh" kỳ lạ giữa Mỹ và Trung Quốc trong đào tạo nhân tài ngành AI

Sau khi làm việc ở Mỹ hơn 10 năm, Zheng Yefeng cảm thấy mình đã gặp phải một rào cản vô hình. Anh cũng nhận thấy một khoảng cách trong lĩnh vực AI giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần thu hẹp. Năm ngoái, Zheng - là một nhà nghiên cứu tại Siemens Healthcare ở New Jersey, đã đưa ra một quyết định để giải quyết cả 2 vấn đề. Anh chấp nhận lời mời làm việc cho vị trí trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển y tế tại phòng thí nghiệp AI YouTu của Tencent.

Zheng chia sẻ: "Nếu ở lại Mỹ, thì gần như tôi không có cơ hội để thăng tiến", cho biết những kỹ sư công nghệ giỏi người Trung Quốc ở Mỹ cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự.

Khi chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây khó khăn cho nhóm người nước ngoài làm việc tại Mỹ, thì những người như Zheng đang tìm cách trở lại Trung Quốc để làm việc trong lĩnh vực AI, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh nêu rõ AI là mối ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Nhiều ứng dụng của công nghệ này đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, tạo ra các start-up có giá trị cao như SenseTime và ByteDance, và thúc đẩy cuộc chiến nhân tài giữa các công ty.

Trớ trêu tham vọng thống lĩnh ngành AI của Trung Quốc: Nhân tố trọng yếu phụ thuộc rất nhiều vào đối thủ lớn nhất, cách đào tạo lỗi thời và kỹ sư thiếu không gian thực hành! - Ảnh 1.

Điều đó đã tạo ra mối quan hệ "cộng sinh" kỳ lạ giữa 2 quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để giành được vị trí thống lĩnh trong ngành AI. Mỹ - với hệ thống giáo dục đại học ưu việt, đang đào tạo các nhà khoa học AI như Zheng. Zheng đã có bằng tiến sĩ của Đại học Maryland, trước đó anh đã nhận bằng cử nhân và thạc sĩ của Đại học Thanh Hoa danh tiếng.

Luo Guojie là một nhà khoa học khác cũng chấp nhận lời đề nghị làm việc tại Đại học Bắc Kinh, với vị trí trợ lý giáo sư sau khi học chuyên ngành khoa học máy tính tại Mỹ. Anh cho hay: "Nhiều giáo sư ở Trung Quốc có chuyên môn xuất sắc, nhưng về số lượng (các giáo sư hàng đầu) thì Mỹ đang dẫn trước."

Theo Viện Giáo dục Quốc tế, trong số các sinh viên quốc tế học chuyên ngành khoa học máy tính và toán học tại các trường đại học Mỹ, sinh viên Trung Quốc chiếm số lượng lớn thứ 3 sau Ấn Độ và Nepal trong năm học 2018 - 2019, tương đương 19,9%.

Lớp học ở Trung Quốc kém hiện đại 

SCMP đã có cuộc nói chuyện với một số kỹ sư AI - những người quyết định ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Họ đều từ chối tiết lộ tên chính xác vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Lin là một sinh viên Bắc Kinh 25 tuổi đến từ một trong những trường chuyên ngành kỹ thuật nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã sang Mỹ theo đuổi tấm bằng thạc sĩ ngành khoa học máy tính vào năm 2017. Cũng như những sinh viên cùng ngành, anh nhận ra rằng phương pháp giảng dạy ở Trung Quốc đã lỗi thời.

Lin chia sẻ thêm: "Thật khó để tưởng tượng rằng bài kiểm tra cuối kỳ môn viết code vẫn đòi hỏi sinh viên phải viết đoạn code bằng tay, chứ không phải là sử dụng máy tính. Dù ở Mỹ chúng tôi vẫn phải làm những bài kiểm tra viết, nhưng lại có rất nhiều cơ hội để thực hành trong phòng thí nghiệp và tự thực hiện những dự án riêng."

Zhuang - một kỹ sư phần mềm của Facebook, cũng có trải nghiệp tương tự khi còn theo học tại mội đại học ở Thượng Hải. Anh cho hay: "Nhiều sinh viên ngành kỹ thuật ở Trung Quốc vẫn phải dùng sách giáo khoa cũ và không được thực hành thường xuyên ở phòng thí nghiệp. Thực hành kỹ thuật đối với AI đã trải qua một vòng lặp trong suốt vài thập kỷ qua, rất nhiều sinh viên Trung Quốc không được tiếp cận với những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực này."

Trớ trêu tham vọng thống lĩnh ngành AI của Trung Quốc: Nhân tố trọng yếu phụ thuộc rất nhiều vào đối thủ lớn nhất, cách đào tạo lỗi thời và kỹ sư thiếu không gian thực hành! - Ảnh 2.

Zhuang cũng lưu ý rằng nhiều lớp học ở Trung Quốc đang giảng dạy bằng tiếng Trung, có nghĩa là các cử nhân không thông thạo tiếng Anh, dù đây là ngôn ngữ rất phổ biến trong cộng đồng nghiên cứu AI trên toàn cầu.

Remco Zwetsloot - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ An ninh và Mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown, cho hay: "Trung Quốc có rất nhiều trường đại học và công ty lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực AI - như thị giác máy tính, nhưng nhiều người vẫn do dự khi đến đây vì môi trường chính trị, chất lượng cuộc sống và các vấn đề tại nơi làm việc."

Hơn nữa, một số kỹ sư AI người Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ cũng chia sẻ rằng họ sợ văn hoá làm việc "996". Các công ty công nghệ Trung Quốc thường muốn nhân viên làm việc nhiều giờ để thể hiện rằng họ đang cống hiến. 

Lin từng là thực tập sinh tại một trong những công ty internet lớn của Trung Quốc, anh chia sẻ: "Tôi làm việc từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ. Tại Google, tôi thấy kỳ lạ khi nhiều người chỉ làm việc đến 5 giờ chiều nhưng công ty này vẫn đứng đầu thế giới." Lin cho hay anh rất sẵn lòng trở về Trung Quốc nếu văn hoá làm việc 996 được xoá bỏ.

Chen - một sinh viên nữ đã tốt nghiệp CMU, mới đây đã chấp nhận lời mời làm việc của Google. Trước đó, cô đã làm thực tập sinh tại SenseTime và phải làm việc từ 10 giờ sáng đến khoảng 8 giờ và 10 giờ tối.

Người tài dần trở về Trung Quốc vì bị Mỹ... "đuổi"

Hơn nữa, các cử nhân của Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm việc ở Thung lũng Silicon vì mức lương ở đó hấp dẫn hơn nhiều so với trong nước. Chen chia sẻ: "Nếu tính cả thuế thu nhập cá nhân, thì nhiều người trong chúng tôi nhận được 1 triệu tệ (142 nghìn USD)/năm, nhưng sinh viên mới ra trường chỉ được trả 200 nghìn đến 300 nghìn tệ (28 nghìn - 43 nghìn USD)."

Dẫu vậy, trở ngại đối với sinh viên Trung Quốc có kế hoạch làm việc lâu dài ở Mỹ là việc xin thị thực lao động, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại căng thẳng. Hầu hết nhân sự ngành này đều sử dụng thị thực H-1B. Năm 2017, Tổng thống Trump đã yêu cầu thắt chặt việc cấp thị thực loại này, vì ông không muốn các công ty công nghệ Mỹ thuê nhân công nước ngoài với chi phí rẻ hơn. Ông muốn dành sự ưu tiên cho những lao động có tay nghề cao và hạn chế những cá nhân muốn chuyển đến Mỹ nhờ gia đình đang sinh sống, làm việc ở đây. Do đó, nhiều người buộc phải chọn cách quay trở lại Trung Quốc.

Trớ trêu tham vọng thống lĩnh ngành AI của Trung Quốc: Nhân tố trọng yếu phụ thuộc rất nhiều vào đối thủ lớn nhất, cách đào tạo lỗi thời và kỹ sư thiếu không gian thực hành! - Ảnh 3.

Kể từ khi triển khai Kế hoạch Ngàn Người tài (Thousand Talents Plan), Trung Quốc đã chứng kiến hơn 6.000 du học sinh và chuyên gia nước ngoài về nước, nhưng vì căng thẳng thương mại với Mỹ, Bắc Kinh đã phải thu hẹp quy mô của sáng kiến này. Dẫu vậy, về lâu dài, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư lớn vào AI để thu hút nhân tài và tạo cơ hội làm việc tốt hơn. Từ năm 2003 đến quý I/2018, Trung Quốc đã thu hút 60% đầu tư toàn cầu vào AI, theo báo cáo của Đại học Thanh Hoa.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, Thượng Hải đã thành lập một quỹ đầu tư AI trị giá 10 tỷ tệ (142 nghìn USD) hồi tháng 8. Bắc Kinh cũng tài trợ 340 triệu tệ (48 triệu USD) cho Học viện AI Bắc Kinh. Zheng - nhà nghiên cứu đã gia nhập Tencent, cho hay: "Ngày càng có nhiều người như tôi trở về Trung Quốc và một số còn có hoạt động kinh doanh riêng. Việc tìm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc dễ dàng hơn so với những quốc gia khác." 

Tham khảo SCMP

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên