MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồi sụt với ngành hàng điện tử, đối tác vang bóng của Samsung, Casio… dốc trăm tỷ vào Bút bi Bến Nghé tìm hướng đi mới

29-11-2018 - 08:48 AM | Doanh nghiệp

TIE chính thức nhận chuyển nhượng 3,1 triệu cổ phần, tương ứng với 77,5% vốn điều lệ tại Sản xuất - Thương mại Bến Nghé với giá không quá 120 tỷ đồng.

Ngày 27/11/2018, CTCP TIE (TIE) chính thức nhận chuyển nhượng 3,1 triệu cổ phần, tương ứng với 77,5% vốn điều lệ tại Sản xuất - Thương mại Bến Nghé với giá không quá 120 tỷ đồng. Ghi nhận, Sản xuất – Thương mại Bến Nghé tiền thân là cơ sở sản xuất Bút Bi Đông Á (với thương hiệu Đông A) thành lập và hoạt động từ năm 1984, đến năm 1989 phát triển thành Doanh nghiệp tư doanh Bến Nghé. Sản phẩm truyền thống của Công ty là bút bi các loại, văn phòng phẩm và dụng cụ học tập.

Đồng thời, TIE cũng nhận chuyển nhượng 777.500 cổ phần, tương ứng với 77,5% vốn điều lệ tại Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Bến Nghé.  Như vậy, tính đến nay ngoài 2 công ty con là TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn (51%) và TNHH Văn phòng phẩm TIE miền Bắc (90%), TIE có thêm 3 công ty con về văn phòng phẩm và du lịch.

Chuyển hướng sang mảng văn phòng phẩm và đầu tư tài chính

Về TIE, từng là thương hiệu điện tử vang bóng một thời khi sớm hợp tác liên doanh với đối tác Samsung Electronics Co. Ltd (Hàn Quốc) vào năm 1994, phân phối chính thức các mặt hàng IT PHILIPS và là Trung tâm Bảo hành Ủy quyền chính thức của Casio tại Việt Nam, TIE lâm vào khốn khó phải liên tiếp phải bán ra tài sản sau khi Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thoái vốn. Đến nay, TIE chủ trương chuyển sang mảng văn phòng, đi cùng công tác đầu tư sang lĩnh vực tài chính, chứng khoán.

Thứ nhất tại mảng văn phòng phẩm, Công ty trên thực tế đã tham gia được 5 năm tuy nhiên chỉ mới dừng ở việc hợp tác, đến nay xác định là ngành trọng tâm TIE cho biết đã tiến hành xây dựng nhà máy. Ban lãnh đạo cũng không phủ nhận những rủi ro khi tham gia mảng này vì chi phí đầu tư ban đầu lớn, chưa kể TIE khá ít kinh nghiệm cho lĩnh vực này.

Thứ hai về đầu tư, trước lo lắng cổ đông việc TIE tham gia mảng tài chính chứng khoán sẽ gây thất thoát cho cổ đông, đại diện TIE phân trần sẽ mua cổ phần, vốn góp của các công ty trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng tiêu dùng một cách hiệu quả nhằm bảo toàn vốn và tài sản. Đơn cử hồi tháng 9, TIE đã nhận chuyển nhượng 51% vốn góp tại CTCP Du lịch Bốn Biển với giá không quá 120 tỷ đồng. Được biết, Bốn Biển sở hữu resort ở Phan Thiết, Bình Thuận với 73 phòng.

Hàng điện tử gặp khó, TIE phải liên tục bán đất

Ghi nhận từ đại diện TIE, ngành hàng truyền thống là sản xuất, phân phối các sản phẩm IT, điện tử hiện đang gặp khó khăn vì trình độ công nghệ thay đổi liên tục, năng lực quản lý còn hạn chế; hoạt động phân phối truyền thống cũng gặp khó do nhiều lý do, đặc biệt là không còn có sự cam kết lâu dài giữa hãng và nhà phân phối…

Trong khi hàng tồn ngốn nhiều chi phí khiến giá vốn ghi nhận tăng cao, mảng mới là tập vở, văn phòng phẩm… buổi đầu xây dựng thương hiệu cũng tốn nhiều chi phí khiến Công ty lỗ lũy kế gần 11 tỷ đến cuối năm 2017 (công ty mẹ lỗ lũy kế hơn 19 tỷ đồng), đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu TIE bị HoSE đưa vào diện cảnh báo.

Trên thị trường, cổ phiếu TIE nhiều phiên gần đây liên tục lau sàn, chốt phiên 28/11 tại mức 7.720 đồng/cp.

Trồi sụt với ngành hàng điện tử, đối tác vang bóng của Samsung, Casio… dốc trăm tỷ vào Bút bi Bến Nghé tìm hướng đi mới - Ảnh 1.

Giao dịch TIE 6 tháng qua.

Trở lại với TIE, Công ty vừa bán mảnh đất tại Bình Dương với giá chuyển nhượng không thấp hơn 4 lần giá trị vốn sổ sách được ghi nhận tại báo cáo tài chính gần nhất. Được biết, lô đất tại Bình Dương của TIE có diện tích 38,000 m2, còn 3,755 m2 tại Phú Quốc đã được chuyển nhượng năm 2017 với giá 43 tỷ đồng. Trước đó, TIE cũng lần lượt bán nhiều diện tích đất, gần nhất Công ty có chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3.755,4m2 tại Phú Quốc với giá 43 tỷ đồng.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên