MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 2 tuần dập ổ dịch nguy hiểm nhất

02-06-2021 - 08:09 AM | Xã hội

Trong 2 tuần dập ổ dịch nguy hiểm nhất

Ngày 1/6, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong vòng từ 1 đến 2 tuần, TPHCM phải triển khai các biện pháp quyết liệt để dập tắt ổ dịch COVID-19 liên quan đến nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp.

"Ổ dịch này không kiểm soát được sẽ vỡ trận, gây hậu quả khó lường. Dứt khoát phải kiểm soát bằng được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ổ dịch nguy hiểm nhất

Báo cáo về chuỗi lây nhiễm tại “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 26 đến 31/5, TPHCM đã phát hiện 200 ca mắc COVID-19 liên quan đến cơ sở này. Trong đó nhiều nhất là quận Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), Bình Thạnh (22 ca), Tân Phú (22 ca), Tân Bình (22 ca)… cùng với khoảng hơn 3.000 trường hợp F1, 15.206 trường hợp F2 rải rác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Khi ngành chức năng khai thác dịch tễ của hội viên nhóm, lúc đầu họ khai báo chỉ có 20 thành viên, sinh hoạt trong phòng kín 40-50m2. Tuy nhiên, qua điều tra, đến nay đã xác định nhóm có ít nhất 55 người. Bà vợ của vị mục sư có triệu chứng bệnh từ ngày 13/5 nhưng nhóm vẫn sinh hoạt 4 lần. Ổ dịch này có trên 70% người nhiễm xuất hiện triệu chứng lâm sàng rất rõ rệt”, ông Bỉnh cho hay.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng thực chất là một điểm nhóm đăng ký hoạt động ở cấp phường, xã, chưa được công nhận. Cả nước có hơn 5.500 nhóm điểm, riêng TPHCM có 150 nhóm điểm. Các điểm, nhóm tôn giáo này hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, do cấp phường xã quản lý nên công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền phòng chống dịch còn hạn chế.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp có mức độ nguy hiểm cao, khó kiểm soát nhất. Bộ Y tế đánh giá ổ dịch này là nguy hiểm nhất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TPHCM lên phương án, kịch bản xấu nhất bởi số ca mắc COVID-19 nhiều khả năng sẽ tăng cao so với con số 5.000 ca, chủng virus Anh, Ấn Ðộ lây nhiễm rất nhanh, nhiều ca bệnh nặng…

“Trường hợp đầu tiên vào ngày 13/5 đã có triệu chứng. Khi chúng ta phát hiện ổ dịch thì đã qua 13-14 ngày. Chu kỳ lây nhiễm của chủng virus Ấn Độ rất nhanh, có thể từ 2-3 ngày hoặc sớm hơn; phát tán mầm bệnh nhanh. Chúng ta đã chậm 4-5 chu kỳ nên lây nhiễm theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm. Có thể sắp tới sẽ còn phát hiện nhiều trường hợp không rõ nguồn lây. Do đó thành phố phải làm quyết liệt hơn, nếu không sẽ rất khó dập dịch”, ông Long nhấn mạnh.

Xử lý kiên quyết, truy vết triệt để…

Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng hiện nay là thời điểm quyết định để dập dịch và TPHCM đã làm đúng khi thực hiện giãn cách xã hội để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, thành phố cần phải thực hiện giải pháp cách ly xã hội mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, không chỉ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Ngoài ra, TPHCM cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn dịch lây lan vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ðồng Tháp phát hiện ca mắc COVID - 19 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

Chiều 1/6, ông Ðoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp cho biết, Ðồng Tháp vừa ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng tại xã Phú Ðiền, huyện Tháp Mười.

Ðây là trường hợp F1 của BN 7176, BN 7177 mắc COVID - 19 mà Bộ Y tế đã ghi nhận tại tỉnh Long An (BN7176, BN7177 là F1 của BN7059, liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng). Ca mắc COVID - 19 (BN7539) là nam, sinh năm 1990, từng tiếp xúc trực tiếp với BN 7176 và BN7177 vào tối ngày 29/5, tại xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Sáng 30/5, người thanh niên này về huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó: Phun xịt khử khuẩn tại các địa điểm liên quan; thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Hiện ngành chức năng tiếp tục truy vết, yêu cầu cách ly tại nhà đối các F2, F3; bước đầu xác định 27 F2, 12 F3.

HÒA HỘI

“Muốn đảm bảo hoạt động sản xuất thì phải tăng tốc các biện pháp kiểm soát dịch. Tùy vào mức độ của từng địa phương để áp dụng các biện pháp mạnh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Chiến Thắng đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của điểm nhóm truyền giáo ở Gò Vấp để phục vụ điều tra và tùy vào mức độ sai phạm để đề xuất xử lý mạnh hơn, kể cả rút giấy phép hoạt động của điểm nhóm trên.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong 55 thành viên của điểm nhóm truyền giáo có 40 người là F0 đã tạo thành chuỗi lây nhiễm rải khắp 22 quận huyện. Hiện nay, TPHCM vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên thời gian tới, TPHCM có thể tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, từ các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện từ các ổ dịch cũ, từ địa phương khác, các nguồn lây nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài…

“Hiện trong 4 chuỗi lây nhiễm tại TPHCM, có 3 chuỗi chúng ta hoàn toàn khống chế được. Chuỗi có điểm truyền giáo sẽ tiếp tục truy vết quyết liệt. Thành phố đã yêu cầu, ngành y tế tập trung lấy mẫu xét nghiệm, trước mắt là tại các đơn vị bầu cử, tổ bầu cử ở quận, huyện mà thành viên điểm nhóm này đã đi bầu” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định và cho biết chỉ riêng ngày 31/5, TPHCM đã lấy khoảng 80.000 mẫu xét nghiệm tại nhiều địa điểm liên quan, trong đó bao gồm người dân toàn phường Thạnh Lộc (quận 12) và 14 phường của Gò Vấp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TPHCM cần đánh giá, kiểm điểm tại sao thời gian qua cả nước đã chống dịch rất tốt nhưng đợt này dịch lây lan rất mạnh tại TPHCM. Đối với ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo, TPHCM phải quyết liệt xử lý xong trong 1-2 tuần, bởi nếu không kiểm soát được thì sẽ gây hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, TPHCM cần rà soát lại vấn đề quản lý Nhà nước đối với các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, nhất là các điểm nhóm nhỏ thu hút người dân trình độ thấp, mang tính chất mê tín, cuồng tín, thiếu hiểu biết…

“Chúng ta không ngăn cản hoạt động tôn giáo mà chúng ta ngăn chặn các điểm nhóm mê tín, cuồng tín. Riêng việc khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh là khởi tố hành vi vi phạm pháp luật, không phải khởi tố chức sắc, khởi tố tôn giáo”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định và đề nghị ngành y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi có 30.000, 50.000 ca và 100.000 ca nhiễm, không để bị động trong bất kỳ hoàn cảnh nào...


Theo Huy Thịnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên