MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 5 bậc tháp nhu cầu tài chính, bạn đang leo tới bậc nào rồi? Độc lập tài chính không phải là cảnh giới cao nhất như nhiều người nhầm tưởng!

15-03-2023 - 12:31 PM | Lifestyle

Trong 5 bậc tháp nhu cầu tài chính, bạn đang leo tới bậc nào rồi? Độc lập tài chính không phải là cảnh giới cao nhất như nhiều người nhầm tưởng!

Rốt cuộc thì mục đích cuối cùng của phát triển tài chính cá nhân không phải là tích lũy được một kho tiền vô tận, mà là đủ cho bạn sống cuộc sống mà mình thấy thích, thấy thoải mái và có ý nghĩa.

Năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã đề ra mô hình tháp nhu cầu, trong đó có chứa 5 nhóm động lực thúc đẩy hành vi của con người, lần lượt là nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân.

Ý tưởng cơ bản là mỗi cá nhân phải thỏa mãn được một phần hoặc trọn vẹn nhu cầu ở bậc dưới đã thì sau đó mới chú ý tới nhu cầu ở bậc trên. Mô hình tháp này cũng có thể được áp dụng tương tự vào tài chính.

Bậc thứ nhất: Cầm cự qua ngày

Đây là bậc tháp đầu tiên mà chúng ta phải đối mặt khi bắt đầu ra đời đi làm. Không phải ai cũng giậm chân tại chỗ mãi ở bậc này nhưng nếu bất cẩn thì đây lại là nơi dễ bị mắc kẹt nhất. Ở bậc này, mỗi cá nhân phải tìm cách trang trải các sinh hoạt phí cơ bản như ăn uống, điện nước, chỗ ở, đi lại, áo quần. Nguồn thu nhập chủ yếu đến từ tiền lương việc chính hay việc làm thêm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào lương cũng bù được chi phí.

Nếu loanh quanh mãi ở bậc này quá lâu, chúng ta dễ rơi vào căng thẳng và không thể đưa ra những lựa chọn tài chính khôn ngoan, ví dụ như đi vay nóng hay vay nặng lãi vì cảm giác vẫn đỡ hơn là sống với cái bụng đói. Nhiều người sẽ tìm đến các giải pháp may rủi như đánh xổ số dù biết tỉ lệ trúng giải là rất thấp.

Sau một hồi luẩn quẩn, chúng ta chìm vào cảm giác tuyệt vọng, trầm cảm.

Bậc thứ hai: Ổn định cơ bản

Tại đây, người ta mở rộng ngân quỹ để chi tiêu cho các khoản không thiết yếu và theo ý thích. Thu nhập đã đủ để chi trả cho cả sinh hoạt phí cơ bản lẫn các khoản vay nợ sinh ra từ bậc thứ nhất. Để vươn tới bậc thứ hai này, phần lớn người ta đi làm và nhận lương tháng. Về cơ bản là ổn định nhưng nếu có bất trắc, sai lầm gì xảy ra thì rất khó giải quyết. Ví dụ như khi ốm đau, khi có khoản phải tiêu bất ngờ như xe cộ hỏng đột xuất, ngân quỹ của bạn rất dễ bị đảo lộn và bạn có nguy cơ tụt về bậc thứ nhất.

Ở bậc này, chúng ta thường đầu tư rất rón rén, cẩn trọng, chủ yếu chỉ bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng chứ không theo đuổi một hình thức nào khác. Tuy mang lại thoải mái tương đối nhưng nhiều người sẽ không dừng lại ở đây mà còn leo tới bậc thứ ba.

Bậc thứ ba: Của ăn, của để

Đây là lúc mà bạn kiếm nhiều hơn tiêu và có tiền tích cóp thường xuyên. Ở bậc hai, thi thoảng bạn có thể được thưởng, được hoàn thuế hay được những khoản tiền bất ngờ để rồi có thêm nguồn tích cóp. Nhưng ở bậc ba, tháng nào bạn cũng có một khoản tiền dư dả, nhờ đó bạn có thể phản ứng với bất trắc hay mạnh dạn đầu tư mạo hiểm trong ngắn hạn.

Bậc thứ tư: Độc lập tài chính

Sẽ đến một lúc nào đó khi tuổi tác hay sức khỏe không còn cho phép, chúng ta không còn tự lao động kiếm tiền được nữa. Khi đó, chúng ta cần đến độc lập tài chính nhờ đầu tư, thu nhập bị động, vân vân. Nếu không đi làm nữa mà bạn vẫn trang trải được cuộc sống thì bạn đã đạt đến bậc thứ tư này.

Đây là lúc bạn đi làm vì đam mê, chọn một công việc mình thích để mình vui chứ không phải để mưu sinh và cũng không phải lo mất việc nếu đau ốm.

Bậc thứ năm: Tận hưởng cuộc sống

Đây là lúc bạn tự tin là mình sẽ không bao giờ hết tiền, nên mục tiêu lúc này chỉ còn là tiêu tiền và cho đi sao cho phù hợp với mục đích cuộc đời, ví dụ như làm từ thiện hay để lại tài sản cho con cháu.

Trong 5 bậc tháp nhu cầu tài chính, bạn đang leo tới bậc nào rồi? Độc lập tài chính không phải là cảnh giới cao nhất như nhiều người nhầm tưởng! - Ảnh 1.

Vì sao nên hiểu về tháp nhu cầu tài chính?

Vấn đề là làm sao để nhảy từ bậc thấp lên bậc cao trên thang nhu cầu tài chính này thì không ai có câu trả lời cụ thể. Nhưng việc hiểu tháp nhu cầu tài chính này rất hữu dụng khi đang phải cân nhắc về các lựa chọn tiền bạc hay quan điểm của những người xung quanh (bạn bè, gia đình, bạn đời, con cháu, vân vân). Việc hiểu khiến chúng ta có góc nhìn sáng suốt, toàn diện hơn.

Ví dụ, một người ở bậc ba và bậc bốn có thể lạnh lùng nói: ‘ Vay nóng là quyết định tồi tệ’ . Trên thực tế, đúng là vậy và chúng ta nên tránh vay nóng hết mức có thể. Nhưng với những người ở bậc một đang cầm cự sống qua ngày, đôi khi đi vay lại là bước đường cùng và họ không thể làm gì khác. Thay vì phê phán lựa chọn của họ, ta có thể cởi mở và thông cảm hơn.

Hay như một người ở bậc hai chỉ dám gửi tiết kiệm ở ngân hàng rất dễ có thể bị những người thiếu đồng cảm ở bậc trên chỉ trích là: ‘ Sao không đầu tư vào A, vào B có phải hơn không? ’ Nhưng đơn giản là khả năng của họ ở bậc đó không cho phép họ mạo hiểm nhiều hơn.

Rốt cuộc thì mục đích cuối cùng của phát triển tài chính cá nhân không phải là tích lũy được một kho tiền vô tận, mà là đủ cho bạn sống cuộc sống mà mình thấy thích, thấy thoải mái và có ý nghĩa. Do đó, thay vì ‘độc lập tài chính’ thì ‘tận hưởng’ mới là cảnh giới cao nhất.

Tham khảo từ: Next Level Life


Theo Thùy An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên