MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 5 phút lệnh mua ồ ạt vào quét sạch chục triệu cổ phiếu HAG giá sàn, cổ đông HAGL "kêu cứu" Uỷ ban Chứng khoán

Doang nghiệp của Bầu Đức sáng lập đang đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết trên HOSE vì lỗ 3 năm liên tiếp

Doang nghiệp của Bầu Đức sáng lập đang đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết trên HOSE vì lỗ 3 năm liên tiếp

Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai luôn có cách đánh "sốc" gây chú ý đặc biệt với giới đầu tư. Chỉ trong vòng hơn 5 phút, các lệnh mua lớn ồ ạt vào "múc" hàng chục triệu cổ phiếu HAG giá sàn.

Mở phiên 15/2, HAG tiếp nối đà giảm sàn phiên trước đó, cổ phiếu này sàn ngay đầu phiên xuống 10.750 đồng/cổ phiếu với lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị nhưng lệnh mua chỉ lẻ tẻ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

Tuy nhiên, ngay đầu phiên chiều tình thế đã đảo ngược. Chỉ trong 5 phút từ khoảng 13h23 - 13h28 phút, hơn 12 triệu cổ phiếu đã được giải cứu chớp nhoáng với những lệnh mua lớn rất nhanh và mạnh lên tới hàng trăm ngàn đơn vị. Các lệnh mua lớn lên đến 300.000 - 500.000 - 600.000 - 900.000 đơn vị ồ ạt vào giải cứu khiến lượng cổ phiếu dư bán sàn được khớp trong chớp nhoáng. Các lệnh lớn "mồi" kích hoạt dòng tiền mua chủ động khiến cho cổ phiếu HAG ngay sau đó đã bật tăng từ giá sàn lên giá xanh 5% tức 12.300 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, lực bán vẫn lớn, lệnh mua đuổi đuối dần khiến cho HAG lùi về 11.650 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên với thanh khoản hơn 38 triệu đơn vị.

Trong 5 phút lệnh mua ồ ạt vào quét sạch chục triệu cổ phiếu HAG giá sàn, cổ đông HAGL kêu cứu Uỷ ban Chứng khoán - Ảnh 1.

Lệnh mua ồ ạt quét sạch chục triệu cổ phiếu HAG giá sàn chỉ trong năm phút

Màn "giải cứu" ấn tượng không kém phần sốc của HAG khiến giới đầu tư choáng váng. Đặc biệt, trong bối cảnh, cổ đông của doanh nghiệp này đang có đơn kêu cứu lên Bộ Công an, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Cụ thể, một nhóm cổ đông HAG vừa mới đây đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng về việc HAG sẽ bị huỷ niêm yết sau khi lỗ 3 năm liên tiếp là 2017 - 2018 và 2019.

Theo đó, nhóm cổ đông cho biết, việc HAG bị huỷ niêm yết trên HOSE sẽ gây thiệt hại lớn cho họ, vì giá cổ phiếu liên tiếp giảm sâu.

Thực tế, HAG đã mất gần 1/3 thị giá trong hơn 1 tháng qua do những lùm xùm liên quan đến việc huỷ niêm yết trên HOSE của doanh nghiệp này. Đà giảm cũng chóng vánh không kém gì đà tăng nóng của cổ phiếu HAG trước đó.

Nhóm cổ đông cho rằng Nghị đinh 155 năm 2020 của chính phủ hướng dẫn Luật Chứng khoán, tại điều 120 không có quy định hồi tố lỗ. Năm 2019 công ty vẫn báo lãi, tức dù có hồi tố hay không thì năm 2019 bản chất công ty vẫn lãi. Công ty công bố báo cáo tài chính năm 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo huỷ. Nếu HOSE tiến hành huỷ đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG hiện nay, đặc biệt những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ báo cáo tài chính HAG có lãi.

Báo cáo tài chính hồi tố năm 2017 - 2018 - 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có huỷ niêm yết hay không.

"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tức tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu từ tháng 4/2021. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ HAG cho thấy một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng năm 2022 có lợi nhuận gấp chục lần năm 2021 nên chúng tôi đã đầu tư. Vì vậy, nếu HOSE đột ngột thông báo HAG bị huỷ niêm yết vì những chuyện xảy ra những năm trước, sẽ gián tiếp giết chết các cổ đông, những người mua cổ phiếu vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng quá khứ", đơn thư của nhóm cổ đông viết.

Trước đó, đại diện Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, thực tế tập đoàn chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh.

Có được sự đồng thuận của cổ đông, mới đây phía Hoàng anh Gia Lai đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HOSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HOSE. Tập đoàn cũng xin cơ quan chức năng cho phép Hoàng Anh Gia Lai áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản... Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).

Thậm chí năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ - tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đặt mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.

Việc huỷ niêm yết trên HOSE của HAG có nhiều dư luận trái chiều song nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết. Bởi, điều này có thể tạo tiền lệ xấu, khiến tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không được đảm bảo.

"Dẫu biết rằng anh Đức đã nỗ lực, cố gắng nhiều nhưng điều này không có nghĩa là phải áp dụng các hình thức khác biệt với người khác, được ưu ái hơn hay là phải được xử lý tốt hơn", ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nói. Theo ông, việc này chỉ mang tính tạm thời chứ không phải bị cấm vĩnh viễn. Với Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức, có thể chuyển sang UpCOM, đến khi đạt các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HOSE. Dù vậy, chuyên gia cũng bày tỏ việc không còn niêm yết trên HOSE đúng là sẽ khiến tập đoàn khó khăn trong việc huy động vốn thời gian tới.

Về tình hình kinh doanh, riêng trong quý 4/2021, với điểm sáng liên quan đến tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là cắt giảm đáng kể nợ nần, lợi nhuận ròng tập đoàn đạt hơn 142 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận ròng tương ứng vào mức 184 tỷ đồng - đánh dấu năm đầu Hoàng Anh Gia Lai có lãi kinh doanh trở lại sau thời gian tái cấu trúc quyết liệt và quyết định buông bỏ HAGL Agrico (HNG). Riêng trong đầu năm 2022, HAG đang liên tục bán ra cổ phiếu HNG với cùng mục đích là ngân hàng thu nợ, từ ngày 17/1-10/2/2022 hoàn tất bán ra 48,1 triệu cổ phiếu; ngay sau đó là tiếp tục đăng ký bán ra 25,4 triệu cổ phiếu HNG, dự kiến từ 15/02 đến 16/03/2022.

Trong 5 phút lệnh mua ồ ạt vào quét sạch chục triệu cổ phiếu HAG giá sàn, cổ đông HAGL kêu cứu Uỷ ban Chứng khoán - Ảnh 2.
https://cafef.vn/trong-5-phut-lenh-mua-o-at-vao-quet-sach-chuc-trieu-co-phieu-hag-gia-san-co-dong-hagl-keu-cuu-uy-ban-chung-khoan-20220215150233984.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên