MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng

05-01-2025 - 19:02 PM | Sống

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng

Có thể chưa thực sự hay, nhưng đội tuyển Việt Nam đang thổi bùng đam mê của người hâm mộ. Và HLV Kim Sang-sik tuy không sở hữu các lý thuyết cao siêu về thứ bóng đá vươn tầm, nhưng đang biết cách tạo ra chiến thắng. Và chiến thắng có vẻ là tất cả những gì chúng ta cần lúc này.

Vào cuối triều đại HLV Park Hang-seo, tất cả đều nhận ra vấn đề của ĐT Việt Nam. Lối đá phòng ngự phản công không còn phát huy tác dụng, và chúng ta đã bị bắt bài.

Còn nhớ buổi họp báo trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 tại Thammasat, Thái Lan, chiến lược gia người Hàn Quốc dành phần lớn thời gian để khích tướng đối phương , rằng hy vọng HLV Mano Polking sẽ đá 4 hậu vệ, chơi tấn công và tạo nên trận đấu đẹp. Ngay cả khi một phóng viên Việt nói lời tri ân về những cống hiến cho bóng đá Việt Nam, ông cảm ơn vội vã rồi quay lại chủ đề chính, mong đợi Thái Lan sẽ tiếp cận trận đấu khác với trận lượt đi.

Như tất cả đã thấy, Polking vẫn duy trì hệ thống cũ cùng sự thận trọng, kiểm soát tốt thế trận khiến ĐT Việt Nam hầu như không thể tạo ra cơ hội, sau đó giành chiến thắng 1-0.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo không thể có màn chia tay như mong đợi sau thất bại trước Thái Lan tại AFF Cup 2022.

Sau thất bại, tất cả nghĩ về một sự thay đổi. ĐT Việt Nam cần luồng gió mới, thậm chí một triết lý mới. Đó là lúc HLV Philippe Troussier bước vào, với những hứa hẹn bóng bẩy về một đội tuyển hoàn toàn khác, mang hơi thở hiện đại và mơ những giấc mơ lớn.

Trong thế giới bóng đá, mỗi HLV đều có một triết lý riêng, xác định con đường mà họ muốn đội bóng sẽ đi cũng như chiến thuật đội sẽ chơi. HLV Troussier cũng vậy, thậm chí rõ ràng và rất cụ thể với hệ thống triết lý đầy lôi cuốn. Tiếc rằng ông gặp khó khăn trong việc áp đặt nó vào thực tế, bởi ý tưởng về phong cách hiện đại trở nên quá tham vọng với nền bóng đá quen với bóng đá kiểu cũ.

Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản lại thành thạo lối đá kiểm soát bóng, qua đó trở thành đội bóng đẳng cấp thế giới. Lý do vì các cầu thủ quen với nó từ cấp cơ sở (gồm Học viện, bóng đá học đường, các lứa trẻ và CLB, trường Đại học), khi LĐBĐ Nhật Bản xác định đó là triết lý xuyên suốt và kiên trì phổ biến gần hai thập kỷ qua. Chúng ta thì không. Tất cả vẫn rất mới mẻ để chưa bao giờ U23 hay ĐTQG làm chủ được lối chơi như ông Troussier mong muốn.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 2.

HLV Philippe Troussier phải ra đi, bỏ lại cuộc cách mạng lối chơi còn dang dở.

Vì vậy cuộc cách mạng kiểm soát bóng kết thúc nhanh chóng. Đúng là có sự cải thiện về mặt cầm bóng, nhưng vô hại. Các học trò của HLV Troussier luôn rất thiếu ý tưởng, bế tắc từ triển khai bóng chưa chưa nói đến tấn công và ghi bàn, nhưng lại quá dễ đổ vỡ trong phòng ngự. Tất cả dẫn đến một sự thay đổi khác mang tên HLV Kim Sang-sik .

Tương tự HLV Troussier ngày ra mắt, tân HLV Kim Sang-sik cũng đề cập tới triết lý. Chỉ khác ở chỗ, thay vì liên quan đến chiến thuật cụ thể, nó mang tính tổng quát hơn: triết lý chiến thắng. Nghĩa là không cần tới những ý tưởng cao siêu, các lý thuyết về định hướng vị trí, khối hình chiến thuật phức tạp, chiến lược gia người Hàn Quốc quay về những điều căn bản.

Ông xây dựng đội dựa trên nguyên tắc về lòng trung thành, thái độ cống hiến hết mình, sự đoàn kết và khát vọng chiến thắng. Cũng không ép đội bóng vào một phong cách bóng đá cụ thể, ông linh hoạt dựa theo đối thủ và tình hình cụ thể, có thể tấn công cũng có thể chơi thực dụng khi cần, miễn là có được kết quả.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 3.

HLV Kim Sang-sik tuyên bố, triết lý của ông chỉ là về chiến thắng.

Không bất ngờ khi đội tuyển Việt Nam, sau 8 tháng được dẫn dắt bởi HLV người Hàn Quốc, không có nhiều bài vở trong tấn công và dễ lâm vào cảnh bế tắc. Chiến thuật xuyên suốt là chơi thận trọng, trước khi thực hiện miếng đánh chủ yếu, chính là những đường chuyền dài hướng xuống hai cánh, tiếp theo sẽ là một quả tạt hoặc chuyền ngược ra.

Tại ASEAN Cup 2024, ĐT Việt Nam đã tạo nên con số khổng lồ 435 đường chuyền dài mỗi trận, bình quân 62,1 lần mỗi trận. Tuy nhiên chỉ 203 đến đúng địa chỉ, tức 29 lần mỗi trận. Những lần đi sai đương nhiên mang tới cơ hội phản công cho đối thủ.

Mọi chuyện diễn biến tích cực hơn khi Nguyễn Xuân Son gia nhập đội hình. Các đường chuyền dài được cầu thủ gốc Brazil xử lý tốt hơn. Đồng thời anh cũng mang đến nhiều giải pháp hơn trong mặt trận tấn công, và quan trọng nhất, biến các cơ hội thành bàn thắng.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 4.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 5.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 6.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 7.

Cùng HLV Kim Sang-sik, thói quen chiến thắng cùng niềm vui của người hâm mộ đã trở lại.

Cũng phải nói thêm, HLV Kim Sang-sik có thể không xuất sắc về mặt chiến thuật nhưng lại mạnh ở khía cạnh dụng nhân. Ông tạo nên một tập thể đoàn kết, cùng nhìn về một hướng và mọi cá nhân đều có không gian phát triển.

Dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc, không cầu thủ nào chắc suất. Tuy nhiên, cũng không một ai phàn nàn nếu phải ngồi dự bị. Họ vui vẻ tiếp nhận ý tưởng, tin vào phương pháp của HLV ngay cả khi thua nhiều hơn thắng trong các trận giao hữu. Với những ai được tin tưởng đưa vào sân, họ luôn cháy hết mình để chứng minh bản thân xứng đáng.

Thời còn dẫn dắt Jeonbuk, HLV Kim Sang-sik thường bị la ó bởi lối chơi không rõ ràng và thiếu ham muốn tấn công. Mặc dù vậy, ông vẫn thành công với chức vô địch K League 2020 và Korean FA Cup 2021. Kể từ khi ông rời ghế vào tháng 5/2023 đến nay, Jeonbuk có tới 5 lần điều chỉnh trên băng ghế huấn luyện, thành tích cũng đi xuống. Kết thúc mùa 2024, họ đứng thứ 10 và phải đá play-off trụ hạng.

Trong bóng đá đừng nói triết lý, hãy nói về chiến thắng- Ảnh 8.

Tuy chưa thực sự hoàn thiện, nhưng ĐT Việt Nam vẫn tạo ra kết quả.

Với ĐT Việt Nam, dù không thể thỏa mãn những người hâm mộ khó tính, luôn mong đợi về những màn trình diễn bắt mắt, nhưng HLV Kim Sang-sik đã phục dựng thành công đội bóng thất bại thành đội bóng chiến thắng. Họ cũng có xu hướng tốt hơn theo từng trận, như chiến thắng hoàn toàn xứng trước Thái Lan mới đây.

Tuy vẫn còn một trận đấu nữa tại Rajamangala, nhưng bầu không khí đã thay đổi. Từ sự hoài nghi ban đầu, người hâm mộ chuyển sang tin tưởng vào một chiến thắng cho thầy trò HLV Kim Sang-sik. Chiến lược gia 48 tuổi cũng không cần sử dụng cuộc họp báo trước trận để khích tướng. Bị dẫn bàn, đương nhiên Thái Lan phải chơi tấn công, cho phép ĐT Việt Nam triển khai thế trận phản công quen thuộc.

Trong trường hợp đội quân của HLV Kim Sang-sik lên ngôi vô địch, đó là lúc nhận ra, thứ người hâm mộ cần là “triết lý chiến thắng”, không phải kiểm soát bóng hay thứ gì khác phức tạp. Và đôi khi, chiến thắng là tất cả những gì chúng ta cần.


Theo Thanh Hả

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên