Trọng dụng nhân tài: Sẽ xây dựng đề án chiến lược
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hôm qua cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về trọng dụng nhân tài, bởi nhiều nước đã làm nên kỳ tích phát triển thông qua trọng dụng nhân tài.
Đề cập vấn đề trọng dụng nhân tài, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Từ đó, ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để biến các chủ trương trên thành hiện thực. Trả lời Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trọng dụng nhân tài là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội XIII. “Nhiều nước đã làm nên kỳ tích phát triển thông qua chính sách, chú trọng việc trọng dụng nhân tài”, bà Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ xây dựng đề án quốc gia về trọng dụng nhân tài Ảnh: Như Ý
Bà cho biết đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 140 từ năm 2018, thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Một số địa phương rất chú trọng thu hút nhân tài như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… Ngoài ra, các địa phương đã thu hút được khoảng 3.000 cán bộ khoa học trẻ, sinh viên giỏi. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, con số này vẫn còn quá ít so với số người làm việc trong khu vực công. Vì thế, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài, với cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn. Đối với việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định về vấn đề này.
Cải cách bộ máy lấy tiền tăng lương
Đề cập việc sắp xếp, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề nghị cho biết, việc này ảnh hưởng thế nào đến cải cách tiền lương. Theo đại biểu, việc tinh giản biên chế thời gian qua còn cào bằng, cơ học, dẫn đến thiếu hụt cục bộ. Vậy nguyên nhân và giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên? Nhận xét “đây là câu hỏi rất hay”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu tinh giản biên chế cũng chính là nhằm cải cách bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ, công chức. Từ sắp xếp, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm được ngân sách, lấy nguồn tăng lương.
Cấp bách tăng lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc thì việc tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học là giải pháp cấp bách. Bên cạnh đó cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn.
Bà Trà thông tin, từ 2019 đến nay, tiết kiệm hơn 25.000 tỷ đồng nhờ cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. “Đây chính là nguồn lực để tăng lương. Việc cải cách, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế rõ ràng tác động rất rõ để cải cách chính sách tiền lương”, bà Trà nói. Tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.
Phản ánh, thời gian qua không ít cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, cũng như nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng có trường hợp phải xử lý hình sự. Theo Bộ trưởng, số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1% và đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành Nghị định đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ.
Tiền phong