Trong khi Dragon Capital miệt mài 'gom', vì sao Mekong Capital lại quyết định bán toàn bộ cổ phiếu Thế Giới Di Động?
Mekong Capital cho rằng, bên cạnh thời hạn đóng của Quỹ thì khoản đầu tư mới vào Thế giới Di Động khó có thể mang lại lợi nhuận 5x cho Mekong trong 5 năm tới, là 1 tiêu chí đầu tư của quỹ này.
Tiếp đà tăng mạnh trong năm 2017, thị trường những ngày đầu năm mới 2018 tiếp tục chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Và trong lúc các nhà đầu tư đang hăng say chọn lựa cổ phiếu để đầu tư thì Mekong Capital – một trong những quỹ đầu tư lâu đời nhất tại Thị trường Việt Nam thì đang lặng lẽ bán đi hầu hết cổ phần của những DN đầu ngành tại VN.
Sau khi liên tục thoái vốn khỏi Masan, PNJ, Nam Long Group,…Mekong Capital đã thoái vốn thành công hai khoản thoái vốn cuối tại Quỹ Vietnam Azalea Fund gồm Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và Traphaco (TRA). Ngoài ra, Mekong Capital cũng đã tiếp tục thoái một phần tại Thế Giới Di Động tại Quỹ MEF II trong năm 2017 và dự kiến bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 1,58% vốn còn lại tại MWG sau nhiều năm đầu tư.
Đáng nói, những cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của Mekong Capital như Traphaco hay Thế Giới Di Động là những DN được nhiều đánh giá còn rộng đường tăng trưởng. Và không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, Dragon Capital – nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam đang xem MWG là ưu tiên hàng đầu trong danh mục của mình thì quyết định bán toàn bộ cổ phần còn lại của Mekong Capital là một diễn biến khác thường.
Giải đáp thắc mắc này của chúng tôi trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết, nguyên nhân một phần do đến thời hạn của quỹ đóng. Ví dụ với VAF, quỹ đã đầu tư vào Traphaco và vừa thoái vốn sau 10 năm, cũng là năm cuối cùng của vòng đời của quỹ. Mặt khác, trong suốt 16 năm hoạt động tại Việt Nam, Mekong Capital chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết, giúp các doanh nghiệp này thành công, niêm yết và thoái vốn nằm trong chiến lược của Mekong Capital.
Tuy vậy, trong thực tế, các quỹ của Mekong Capital hoàn toàn có thể gia hạn tuỳ tình huống. Chẳng hạn như với MEF II và Thế Giới Di Động, Mekong Capital đã có dự định thoái vốn toàn bộ vào cuối năm 2016 nhưng đã được gia hạn thêm một năm nắm giữ danh mục.
Theo đó, một nguyên nhân khác quan trọng hơn cả đó là Mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng mà ông Chad chia sẻ mới đây. “Tiêu chí đầu tư chúng tôi hoàn toàn dựa vào tầm nhìn của Mekong Capital, đó là đạt được lợi suất đầu tư 5x (nhân 5) trong 5 năm. Đó là chỉ số quan trọng nhất khi quyết định đầu tư. Nên tiêu chí đầu tư là các công ty có tiềm năng phát triển mạnh, và người sáng lập phải có tầm nhìn lớn.”
“Thế Giới Di Động là một ví dụ điển hình cho việc xây dựng một hệ thống quản lý doanh nghiệp xuất sắc. Họ sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng sẽ khó có thể tạo ra mức lợi nhuận 5x trong 5 năm mà chúng tôi hướng tới.”
Tương tự đối với Traphaco, Chad Ovel cho rằng ngành dược vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Lĩnh vực sản xuất dược có thể đang dư thừa nhưng vẫn còn tiềm năng cực kỳ lớn đối với tiêu thụ với sức mua, GDP đầu người tăng, vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển cho tiêu thụ các sản phẩm dược. Trong khi đó, nhiều sản phẩm trị liệu, ví dụ như dùng cho bệnh ung thư, chưa được sản xuất trong nước nên còn nhiều cơ hội để sản xuất và xây dựng thương hiệu trong những phân khúc này.
Rất nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam đang vào cơ hội mới. Chưa có doanh nghiệp nào thật xuất sắc về marketing và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đủ mạnh để người tiêu dùng nhận biết và mua theo kênh bán lẻ. Đó là một cơ hội rất lớn vì dược phẩm là sản phẩm quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó là bài toán không hề dễ dàng.
Thoái vốn thành công khỏi Traphaco cũng mang lại cho Mekong Capital một khoản lợi nhuận gấp 10 lần sau 10 năm đầu tư kể từ năm 2008, đáp ứng đúng tiêu chí 5x. Trong khi đó, Thế Giới Di Động chính là khoản đầu tư tốt nhất của Quỹ đầu tư này từ trước đến nay. Khoản thoái vốn một phần trong tháng 9/2017 đã mang lại cho Mekong Capital một suất sinh lời nội bộ IRR lên đến 62,6% và tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 133 lần cho tổng số cổ phiếu đã được bán.
Hiện tại, Quỹ Mekong Enterprise III (MEF III) ra mắt năm 2015 với số vốn cam kết 112 triệu USD đang đầu tư vào 2 công ty logistics là ABA Cooltrans và Nhật Tín, công ty Chảo đỏ (hệ thống nhà hàng Wrap & Roll), công ty tài chính cá nhân F88 và công ty vàng bạc đá quý Bến Thành và hệ thống đào tạo tiếng Anh Yola. Chad Ovel cho biết, hầu hết các DN trong danh sách này đang có những kết quả kinh doanh rất khả quan.
Trí Thức Trẻ