MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng khiến hàng hoá xuất khẩu bị đình trệ, làm cho ngành cà phê Tây Nguyên đã khó nay càng lao đao.

Giá cà phê đang sụt giảm nghiêm trọng, đến ngày 28/3 đã rớt khỏi mốc 30.000 đồng/kg, đang giao dịch ở mức 29.700 – 29.800 đồng/kg, thấp hơn mức giá thành 32.000 - 33.000 đồng/kg. Giá thấp nên nông dân hạn chế bán ra, doanh nghiệp thiếu nguồn cung cà phê cho xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3/2020, ước xuất khẩu cà phê đạt 154.396 tấn, với 260,975 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 473.785 tấn, với kim ngạch 801,62 triệu USD, so với cùng kỳ 2019 giảm 53,40% về lượng và giảm 9,42% về giá trị.

Giá cà phê ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm

Hồi đầu tuần sau 3 phiên tăng liên tiếp và trụ ở mức trên 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, đến cuối tuần qua giá cá phê đã rớt khỏi mốc 30.000 đồng/kg. Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 28/3, giá cà phê tại Tây Nguyên giảm gần 1.000 đồng/kg, đẩy giá xuống còn 29.700 – 29.800 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá cà phê Robusta trên sàn London giảm cực sâu.

Cụ thể, giá cà phê Robusta tại Lâm Đồng (Bảo Lộc) ở mức 30.600 đồng/kg, tại Di Linh 29.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk (Cư M'gar, Ea H'leo, Buôn Hồ) có giá 29.700 - 30.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông, Gia Lai dao động từ 29.700 – 28.800 đồng/kg. tại TP.HCM cà phê loại R1 giá 31.300 đồng/kg.

Hiện dịch Covid-19 đang hoành hành tại châu Âu, Anh, Mỹ, tại các nước ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh... hầu hết nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn,… đều bị buộc phải đóng cửa. Đây là những khu vực xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông thuỷ sản của Việt Nam và cà phê cũng không ngoại lệ.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, dịch bệnh đang tràn lan ở châu Âu nên hầu hết nhà máy chế biến cà phê ở đây đã đóng cửa, công nhân không đi làm, các lô hàng xuất đi châu Âu đều bị hủy, kéo giá cà phê trên thị trường giảm sâu, giá xuống mà thị trường không có người mua.

Trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group.

“Việt Nam đang quản lý dịch bệnh rất tốt, hy vọng trong tương lai gần sẽ tuyên bố hết dịch, nhưng cho dù chúng ta hết dịch mà các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam vẫn còn dịch bệnh thì tiêu thụ sẽ giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu là khó tránh khỏi. Trong khi thị trường xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, tiêu, điều bị khó, giá trị xuất khẩu giảm thì xuất khẩu gạo lại khởi sắc. Cho nên, bây giờ xuất khẩu nông sản chỉ trông cậy mỗi vào gạo”, ông Nam nói.

Giá cà phê liên tục sụt giảm và đến thời điểm này đã ở mức thấp trong vòng 15 năm trở lại đây. Điều này khiến nông dân có xu hướng chặt bỏ cà phê để thay thế bằng loại cây khác. Các doanh nghiệp khẩu nói riêng, ngành cà phê nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới.

Chuẩn bị hàng hoá cho hậu Covid-19

Ở lĩnh vực nông nghiệp nếu xét về mức độ rủi ro thị trường có lẽ thấp hơn các ngành sản xuất khác, vì bất ổn chỉ có tính nhất thời đến khi có người làm việc trở lại thì nhu cầu trở lại bình thường, xuất khẩu sẽ ổn định trở lại vì nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp là rất lớn.

“Trong mùa dịch Covid-19, để ngăn ngừng lây lan người dân phải ở nhà, nên có thể họ không có nhu cầu đổi điện thoại mới, mua quần áo mới hay mua xe mới nhưng nhu cầu về lương thực, thực phẩm thì không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Do vậy, dịch bệnh bùng phát, lượng hàng hóa nhập khẩu ít đi, các kho dự trữ sẽ cạn kiệt, khi dịch bệnh qua đi đời sống trở lại bình thường, lập tức nhu cầu sẽ có đột biến. Các nhà xuất khẩu hãy chuẩn bị tinh thần cho hậu Covid-19, khi đó nhu cầu cao, giá sẽ đột biến tăng lại”, ông Nam khuyến cáo.

Song, cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là lấy tiền đâu ra để làm hàng tồn kho, vì trong mùa dịch, hàng hoá không xuất được bị tồn kho lớn trong khi doanh nghiệp cần có tiền để trả nợ ngân hàng cùng với các chi phí khác.

Trong lúc này doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để họ có năng lực tài chính trữ hàng chờ giá. Có như vậy mới vực dậy ngành xuất khẩu nông sản trong năm 2020, cũng như hỗ trợ và giảm rủi ro cho các ngành xuất khẩu khác.

“Doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, giúp họ vượt qua khó khăn, khi vượt qua được giai đoạn này giá nông sản sẽ biến động tăng và cơ hội sẽ xuất hiện. Quanh đi quẩn lại thì ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế”, ông Nam nói.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, giá cà phê hiện nay đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, sau một thời gian ở mức giá 31.000 - 32.000 đồng/kg, bây giờ đã xuống dưới mức 30.000 đồng/kg.

Hiện nay, người dân phải ở nhà, các quán cà phê phải tạm đóng cửa nên mức tiêu thụ cà phê đang bị chững lại trong một thời gian nhất định, sau khi dịch bệnh qua đi tiêu dùng lại phục hồi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

Trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế - Ảnh 2.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa

 

“Giúp ngành Cà phê có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, Hiệp hội đã làm tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ cho ngành cà phê, ở các lĩnh vực, như: giãn nợ, đảo nợ, riêng giảm thuế thì Bộ Tài chính cũng đang làm rồi, còn về phía ngân hàng cũng đã đồng ý cho doanh nghiệp giãn nợ là đảo nợ.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ chung cho tất cả các ngành, nhưng vấn đề lương cho cán bộ công nhân viên có thể vay mà không phải chịu lãi suất thì Chính phủ hiện nay có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ. Riêng hiệp hội chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ hai ba lần chứ không chỉ một lần”, ông Tự nói.

Theo Quang Trí

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên