MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khủng hoảng COVID-19, động lực tăng trưởng thu ngân sách đến từ đâu?

Trong khủng hoảng COVID-19, động lực tăng trưởng thu ngân sách đến từ đâu?

Tuy chịu ảnh hưởng tiêu cực và sâu rộng từ làn sóng COVID-19 bùng phát song số thu ngân sách nhà nước do ngành thuế thực hiện trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khả quan...

Sau khi Bộ Tài chính công bố có báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong 7 tháng đầu năm, lần lượt hai đơn vị trực thuộc Bộ là Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cũng đã công bố những thông tin chi tiết hơn về hoạt động liên quan do đơn vị thực hiện, quản lý.

Theo công bố từ Tổng cục Thuế, tổng thu NSNN lũy kế 7 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, bằng 66,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, số thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 60,8 USD/thùng, bằng 135,1% so với giá dự toán, bằng 125,1% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5,55 triệu tấn, bằng 69,2% dự toán, bằng 95,1% so với sản lượng cùng kỳ.

4 LĨNH VỰC ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021.

Cùng với đó là một số khoản tăng thu đột biến từ những lĩnh vực do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020. Trong đó, 4 ngành cơ mức tăng trưởng hàng đầu là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và sản xuất lắp ráp ô tô...

Cụ thể, khối các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao, đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế TNDN quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao.

Nhờ đó, lũy kế 7 tháng đầu năm số thu thuế từ lĩnh vực ngân hàng tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, theo đó, số thu thuế TNDN từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trong khủng hoảng COVID-19, động lực tăng trưởng thu ngân sách đến từ đâu? - Ảnh 1.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới theo tháng

Một nguồn thu có mức tăng trưởng ấn tượng tiếp theo là thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cuối cùng là số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng... nhờ kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

BẮT ĐẦU NGẤM TÁC ĐỘNG LÀN SÓNG COVID-19 THỨ 4...

Tuy tổng thể vẫn đạt được mức tăng trưởng, song cơ quan thuế cũng chỉ ra những tồn tại, nguy cơ.

Cụ thể, mặc dù số thu 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây, nhưng chủ yếu do thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt khá.

Đáng chú ý, diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

Tổng thể, số thu ngân sách trung ương lũy kế 7 tháng năm 2021 ước đạt 327.500 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, bằng 107,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 436.305 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán, bằng 117,8% cùng kỳ.

Trong đó, nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến đã nêu thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Tổng cục Thuế nhận định, trong những tháng cuối năm, kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước. Nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách trong thời gian tới.

Theo tin từ Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan sau 7 tháng đầu năm đạt 230.538 tỷ đồng bằng 73,2% dự toán, bằng 69,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 31,53% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 ước tính thâm hụt 1,5 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm lên 2,5 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của 7 tháng đầu năm trước.

Theo Tuấn Việt

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên