MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong lộ trình nâng hạng, chứng khoán Việt kỳ vọng thu hút đầu tư từ Mỹ

Bà Trần Khánh Hiền

Bà Trần Khánh Hiền

Theo chuyên gia VND, việc được nâng hạng sẽ giúp cho thị trường Việt có tiếng nói hơn với các nhà đầu tư, thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư chủ động lẫn bị động, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ.

Chia sẻ quan điểm tại talkshow mới đây của báo Đầu tư, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND) cho biết, nhìn chung bản chất thị trường chứng khoán thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh, diễn biến khó lường liên quan xung đột địa chính trị, các yếu tố hàng hóa tăng giá. Tuy nhiên, xét yếu tố vĩ mô trong nước, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. GDP theo mục tiêu Chính phủ có thể đạt 6-6,5% mỗi năm.

Theo bà Hiền, dự báo khối phân tích của VNDirect đưa ra ở mức cao hơn nêu trên, bởi vì vẫn có những trụ cột kinh tế đang hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.

Một, sự phục hồi mạnh mẽ ngành dịch vụ, vốn là nhóm ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Sau dịch thấy rõ nhóm này có dấu hiệu phục hồi mạnh. Đặc biệt thời gian tới thúc đẩy từ du lịch nội địa, ngành dịch vụ trụ cột hỗ trợ phát triển kinh tế.

Hai, lạc quan về triển vọng xuất khẩu. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu giữ tăng trưởng ở hai con số, tiềm năng từ nhóm ngành xuất khẩu con nhiều khi hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã nhận full đơn hàng từ nay tới cuối năm.

Ba, VNĐ vẫn đang có trạng thái tích cực so với diễn biến các đồng tiền khác. Từ đầu 2022, USD tăng giá mạnh, hầu hết các đồng tiền khác giảm giá mạnh so với USD như đồng Euro, Yen, bảng Anh… Trong khi VNĐ giữ khá ổn định, nhờ xuất khẩu duy trì được thặng dư thương mại trong 4 tháng và dự trữ ngoại hối ở trạng thái dồi dào, NHNN và cơ quan quản lý điều tiết linh hoạt, có động thái hỗ trợ tỷ giá. Điều này tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào thị trường Việt Nam.

Chuyên gia VND cho biết, ở góc độ thị trường chứng khoán, vốn gián tiếp từ Mỹ vào Việt Nam còn nhỏ. 2 năm qua, bối cảnh COVID, NĐTNN đang bán ròng ở thị trường Việt. Xu thế này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là xu thế chung ở thị trường khu vực ASEAN.

Điểm khởi sắc, 4 tháng gần đây họ trở lại mua ròng, trong đó có nhà đầu tư Mỹ. 4 tháng, nguồn vốn từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn mua lại cổ phiếu là 22 triệu USD, con số này chưa phản ánh đúng bức tranh đầu tư vì có một phần vốn đầu tư gián tiếp ở nước thứ ba.

"Tôi có niềm tin dòng vốn FDI tăng mạnh, tên tuổi lớn vào Việt Nam thì sau đó vốn gián tiếp cũng sẽ vào. Chúng ta đã có sự hiện diện của nhiều tên tuổi quỹ lớn của Mỹ, họ đầu tư vào những doanh nghiệp hàng đầu như MSN, VIC, VHM, IJC. Gần đây họ đầu tư startup trong lĩnh vực thương mại điện tử, ví điện tử, giáo dục… Theo quan sát hầu hết các thương vụ đầu tư của họ ở Việt Nam đều thành công, theo đó tạo tiền đề thu hút chú ý của các quỹ đầu tư khác", Giám đốc Phân tích VND đề cập.

Bên cạnh đó, bà Hiền cho rằng, Việt Nam đang trong lộ trình tới đích được nâng hạng lên thị trường mới nổi của cả 2 tổ chức xếp hạng MSCI, FTSE. Việc được nâng hạng sẽ giúp cho thị trường Việt có tiếng nói hơn với các nhà đầu tư, thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư chủ động lẫn bị động, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ.

Chuyên gia này nêu, qua trao đổi với nhà đầu tư Mỹ, họ rất thích câu chuyện về những ngành hàng tiêu dùng Việt. Thị trường Việt 100 triệu dân, ngành hàng tiêu dùng các quỹ Mỹ yêu thích. Tuy nhiên ở thời điểm này thị trường Việt tương đối nhỏ trong khi hầu hết các thương vụ đầu tư Mỹ đều có giá trị lớn hơn so với các nước khác, hơn 50% so với trung bình quỹ đầu tư tới từ nước khác. Nên hiện nay về quy mô, thanh khoản tương đối nhỏ so với thói quen, khẩu vị đầu tư của họ. Kỳ vọng khi thị trường được nâng hạng sẽ cải thiện về mặt thanh khoản, minh bạch thông tin… giúp thu hút dòng vốn đầu tư từ NĐTNN, trong đó có nhà đầu tư Mỹ.

Về thị trường bất động sản khu công nghiệp, bà Hiền cho rằng, trong 2022-2023 thị trường được định hình bởi 3 yếu tố chính.

Một, nhà đầu tư FDI lẫn doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng sản xuất. Chiến lược Trung Quốc +1, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhờ chi phí nhân công, điện nước, thuế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Ngay cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI cũng đưa cam kết mạnh mẽ về mở rộng sản xuất như Samsung, LG…

Hai, xu hướng đầu tư công không chỉ hỗ trợ bất động sản khu dân cư mà còn khu công nghiệp. Theo định hướng của Bộ Giao thông vận tải đến 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc. Hiện nay mục tiêu Chính phủ tập trung 13 dự án thành phần cao tốc bắc - nam. Khi hoàn thiện được cơ sở hạ tầng giao thông thì sẽ kết nối được các khu công nghiệp thành vòng tròn khép kín từ giao thông cảng biển, hàng không, khu công nghiệp… Điều này giúp cho một số điểm mới nổi lên trở thành điểm sáng hơn như Bà Rịa- Vũng Tàu, Hải Phòng, lâu nay vốn tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai…

Trong thời gian COVID, bất chấp NĐTNN gặp khó khăn di chuyển sang Việt Nam để gặp gỡ, xem xét tình hình ký kết hợp đồng, mảng bất động sản khu công nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp lên tới 90%, ghi nhận giá cho thuê tăng trên 10%, có điểm nóng như BRVT tăng gần 15%. 2022, khi giao thương đi lại giữa các nước trở lại thì làn sóng FDI giải ngân vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Ba, yếu tố nhà kho, xưởng xây sẵn. Đây là ngạch nhỏ so với bất động sản khu công nghiệp nhưng đang tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tăng cao.

Với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bà Hiền đưa ra lời khuyên cần chú ý tới câu chuyện cụ thể, doanh nghiệp cụ thể.

Theo bà Hiền, doanh nghiệp hưởng lợi nếu có quỹ đất càng nhiều, có khả năng chuyển đổi khu công nghiệp nhiều, đất ở vị trí kết nối tốt về giao thông hạ tầng, có sẵn tệp khách hàng tên tuổi, vì với tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp gần 90%, tức cầu vượt xa cung. Các thị trường nổi lên gần đây như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo đó, trong nhóm bất động khu công nghiệp, VND có sự lưu tâm với một số cổ phiếu như KBC, Phước Hòa, Becamex…

Theo Huyền Châm

Nhịp Sống Kinh Doanh

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên