Trồng mía không hiệu quả, nông dân Khánh Hòa loay hoay chuyển đổi cây trồng mới
Mấy năm qua, dù là địa phương có vùng trồng mía lên đến hơn 20.000ha nhưng cây mía không đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân tỉnh Khánh Hòa. Chính quyền địa phương cũng như người dân đang loay hoay tìm cây trồng thay thế cây mía để có hiệu quả bền vững hơn.
- 27-02-2021Nhìn lại bức tranh ngành mía đường Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021
- 10-02-2021Áp thuế tạm thời đường mía nhập khẩu từ Thái Lan
- 22-12-2020Ngành mía đường: Mức thuế PVTM như thế nào là hợp lý?
Hiện nay, các cánh đồng mía tại tỉnh Khánh Hòa đang vào mùa thu hoạch, mía nguyên liệu 10 chữ đường, được các Nhà máy thu mua từ 920.000-950.000 đồng/tấn. Mức giá tuy cao hơn những năm trước đây nhưng người trồng mía vẫn không vui vì các chi phí như nhân công, vận chuyển đều tăng.
Bà Võ Thị Hậu Phương, ở thôn Trung, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa cho biết, ruộng mía của bà đạt năng suất khoảng 40 tấn/hecta, sau khi trừ hết chi phí thì gia đình chỉ có lãi một chút ít. Trồng mía tốn nhiều công sức, thu nhập thấp nên nhiều gia đình trong thôn đã bán đất hoặc chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn: “Giá cả thấp, chữ đường thấp, công thì cao, xe cộ cũng cao nên người ta thấy không có lãi, bất mãn, không làm nữa, bán đất”.
Thị xã Ninh Hòa là vùng mía trọng điểm của Khánh Hòa nhưng hiện nay việc thu hoạch khá trầm lắng. Nhiều diện tích mía lưu gốc còi cọc, kém phát triển do người trồng không mặn mà chăm sóc. Không ít diện tích đã bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Trước đây, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa có hàng ngàn hecta mía, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Vài năm trở lại đây, diện tích mía sụt giảm mạnh. Niên vụ 2020-2021, cả xã chỉ còn 500 hecta, giảm 800 hecta so với 2 năm trước đó.
Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa cho biết, do hạn hán, bão lũ thất thường, nông dân thua lỗ nặng. Trong lúc địa phương đang tìm cây trồng mới thì không ít hộ dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng rừng. Những hộ khác chưa dám chuyển đổi cây trồng nên nhiều diện tích đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.
“Phải làm cái gì để phát triển được trên số diện tích không còn cây mía nữa, lãnh đạo địa phương cũng hết sức trăn trở. Đất bằng, tưới nước được, chủ động được nguồn nước, cây ăn trái phát triển rất hiệu quả, còn lại những vùng không lấy nước được thì bà con trồng keo. Tuyên truyền, vận động bà con là chính, chứ buộc bà con trồng cây gì cũng rất khó”, ông Võ Ngọc Phi Vũ nói.
Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa đang xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tạo cơ sở chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn. Đồng thời, với lợi thế các thửa đất trồng mía có diện tích lớn, tập trung, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu cây ăn quả gắn liền với chế biến. Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà cho biết, địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hộ dân theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để trồng trọt, thu mua sản phẩm nhằm tạo tính bền vững.
“Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, thay vì mình trồng mía thì mình liên kết những cánh đồng không hiệu quả, bỏ hoang để trồng loại cây trồng mới, phù hợp thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả cao hơn. Với nông nghiệp công nghệ cao, có nhà máy, có đầu ra, đầu vào. Hợp tác xã lại các bà con trồng mía, để thay đổi sang cây trồng mới”, ông Phan Thanh Liêm cho biết thêm.
Niên vụ 2020- 2021 tỉnh Khánh Hòa trồng hơn 12.500 hecta mía, giảm gần 40% so với 4 năm trước đó. Các cơ quan chức năng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng để hỗ trợ nông dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả, đảm bảo bền vững hơn.
Trong chuyến công tác tại Khánh Hoà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh này hạn chế, cần phải tái cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là diện tích trồng mía. Có các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, các diện tích không hiệu quả cần chuyển đổi để trồng các loại cây, trái đặc sản phục vụ du lịch của địa phương.
“Phải tính đến câu chuyện, có lộ trình, khoanh lại vùng nào thâm canh được thì đẩy mạnh thâm canh, có giải pháp sinh học. Không phải 60 tấn mía/hecta, có được 60 triệu, trừ đi giá thành, có được 10 triệu thì ai người ta đi làm? Không chỉ tính đến bài toán kinh tế mà đầu tư, tiêu thụ biết bao nhiêu nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.
VOV