Trồng nén trên đất cát giúp nông dân Quảng Trị thu 200 triệu mỗi ha
Nhờ trồng nén trên đất, nông dân Quảng Trị thu từ 150-200 triệu mỗi ha, lợi nhuận gấp đôi trồng lúa, hoa màu.
Tại tỉnh Quảng Trị, nông dân trồng cây nén trên đất cát cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng mỗi ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây trồng khác.
Vùng đất cát rộng lớn ven biển tỉnh Quảng Trị bỏ hoang lâu năm hoặc trồng cây kém hiệu quả, bây giờ trở thành những đồng nén làm giàu cho nhiều gia đình. Nhiều địa phương đã đăng ký thương hiệu sản phẩm nén được thị trường ưa chuộng.
Nông dân bước vào cuối vụ thu hoạch nén củ.
Nhiều năm trước, vùng đất cát xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bỏ hoang hoặc chỉ trồng khoai, sắn hiệu quả thấp. Gần 5 năm nay, khi Tổ chức Oxfarm, trường Đại học Nông lâm Huế và Trung tâm Biến đổi khí hậu miền Trung phối hợp triển khai mô hình thí điểm trồng nén trên cát đã biến nơi đây thành vùng trọng điểm trồng cây nén ở tỉnh Quảng Trị. |
Bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, hộ đầu tiên tham gia mô hình trồng nén trên cát cho biết, trước đây, gia đình sống nhờ vào 3 sào ruộng lúa, 5 sào đất cát bỏ hoang. Bây giờ, thu nhập chính của gia đình nhờ vào trồng nén trên đất cát. Bà Lý kể, vụ vừa rồi, gia đình bà thu nhập được 45 triệu đồng từ cây nén, cao hơn nhiều lần so với trồng cây lúa và các cây trồng khác. Giá nén cao hơn giá lúa, 1kg lúa bán 3.000 đồng, còn 1kg nén bán được 15.000 đồng.
Xã Hải Dương, huyện Hải Lăng là vùng trọng điểm trồng nén trên vùng đất cát tỉnh Quảng Trị. Ông Hoàng Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, hơn 60 ha đất cát của xã bỏ hoang, giờ trở thành vùng chuyên canh cây nén. Cây này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Một vụ trồng nén kéo dài 4-5 tháng nhưng từ 2 tháng tuổi, cây nén đã cho thu hoạch. Sau đó, chỉ cần bón phân, làm cỏ cây nén tiếp tục đẻ nhánh và cuối vụ khai thác nén hạt. Theo tính toán, một ha nén mỗi mùa cho thu nhập từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng.
Ông Cảnh cho rằng, khó khăn hiện nay đối với bà con là khâu bảo quản nén củ sau thu hoạch, đồng thời mong muốn các nhà khoa học hướng dẫn cho nông dân bảo quản tốt hơn và tìm ra hướng bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng khi sản xuất đại trà thì cung vượt cầu, rớt giá.
Nén củ, ngoài thực phẩm gia vị trong bữa ăn còn là vị thuốc nam chữa ho, cảm cúm... |
Hiện nay, sản phẩm nén ở nhiều vùng trong tỉnh Quảng Trị được đăng ký nhãn hiệu tập thể, bán trên thị trường, tiêu thụ trong cả nước. Một số nơi đã thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để làm bà đỡ tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho người dân. |
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua nông sản an toàn xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết, Tổ hợp tác đang đi tìm đầu mối đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, không dùng phân hóa học chỉ dùng phân hữu cơ.
Tỉnh Quảng Trị có khoảng 48.000 ha đất cát ven biển ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Đất cát, nhiều loại cây trồng hiệu quả thấp. Nhưng vùng đất này lại rất phù hợp với việc trồng cây nén.
Ông Nguyễn Bảy, Trưởng Phòng Kỹ Thuật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị vừa tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn thâm canh cây nén trên vùng đất cát. Theo ông Bảy, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, cây nén có thể đạt năng suất cao, thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi ha./.
Nông dân “hốt bạc” nhờ ớt cay lai, ớt cao sản VOV.VN - Ớt cay cao sản, ớt cay lai xuất khẩu đã giúp nhiều nông dân "đổi đời", thậm chí có người còn bỏ nghề thời trang chuyển sang trồng ớt công nghệ Israel.
VOV