Trục lợi chính sách người có công: Làm sao ngăn "bốc hơi" hàng tỷ đồng?
Trong thời gian qua, nhiều trường hợp trục lợi chính sách dành cho người có công bị phát hiện ở nhiều địa phương, có thể gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bắt đầu ngày 17/4 và sẽ kéo dài trong 6 ngày. Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 sắp tới, đồng thời, tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề nổi bật, trong đó có việc rà soát, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công – đặc biệt là giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc.
Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ việc liên quan tới "chạy" chính sách, mua hồ sơ giả... để hưởng chính sách dành cho người có công, bị phát hiện tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Càng rà soát, càng nhiều trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn hưởng chế độ dành cho người có công, bị phát giác. Đây sẽ là một nội dung quan trọng mà Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội sẽ phải giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo thống kê, ở một số địa phương, tỷ lệ hồ sơ giả, hồ sơ không đạt điều kiện hưởng chính sách dành cho người có công lên tới 20%, thậm chí có những nơi lên đến 40%. Do đó, nếu không có chính sách rà soát chặt chẽ hơn, Nhà nước có thể sẽ thất thoát hàng tỷ đồng chi sai mục đích.
Việc trục lợi từ chính sách dành cho người có công rõ ràng là hành động lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận vì thiếu sự công bằng giữa những người hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc với những người không hoặc chưa có sự cống hiến để đạt đến mức hưởng các ưu đãi đó.
Chính sách của Nhà nước là trân trọng và tôn vinh những người có công nhưng chúng ta cũng phải đấu tranh với những kẻ trục lợi, để đảm bảo sự minh bạch và công bằng.
VTV1