Trực tiếp: Nhiều nơi bắt đầu mưa to, nhà cửa tốc mái, cây xanh gãy đổ
Đà Nẵng, Huế bắt đầu mưa to và gió. Riêng tại Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Đặc biệt, vào khoảng 15 giờ cùng ngày, một trận lốc xoáy đã quét qua khu vực thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khiến nhiều công trình nhà cửa, chợ bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây xanh bị ngã, đổ...
- 27-09-2022Bão số 4 (Noru): Đảo Lý Sơn gió giật cấp 11, cây cối gãy đổ
- 27-09-2022Bão Noru có thể giật cấp 16 trước khi áp sát đất liền đêm nay
- 26-09-2022Tạm đóng cửa một số sân bay trong vùng đổ bộ của siêu bão Noru
18:45
PV Long Phi tại tỉnh Quảng Nam: Theo dự báo từ đêm nay đến ngày 29/9, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng kịch bản ứng phó bão số 4 vừa ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lỡ đất.
Theo thông tin vừa cập nhật thì đến cuối giờ sáng nay khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện mưa kéo dài, chính quyền các địa phương này đã tiến hành di dời dân khu vực nguy cơ xả ra sạt lở, lũ quét; phương án dự trữ lương thực đã được chuẩn bị từ trước đảm bảo lương thực khi xảy ra chia cắt, cô lập trên 15 ngày.
18:40
PV Thanh Hà tại Đà Nẵng: Lúc này, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ ngành liên quan.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định rà soát, sơ tán hơn 81.000 hộ với hơn 253.000 người dân vùng xung yếu đi tránh bão, 8 tỉnh, thành phố Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9.
Hiện còn gần 5000 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn đã di chuyển vào đất liền tránh trú. Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Ngành giao thông vận tải tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường quốc lộ 1 từ 18h đến 21h ngày 27/9. Điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan. Xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa người dân tham gia giao thông trong thời gian bão đổ bộ.
Từ 20h tối nay, trên các quốc lộ qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp các đơn vị chức năng ngăn không cho phương tiện vãng lai, xe chạy đường dài qua lại. Các phương tiện buộc dừng ở phía bắc hoặc phía nam thành phố.
18:31
PV Thái Bình, thường trú tại miền Trung cho biết, từ 19 giờ tối nay (27/9), Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên xả qua tràn và vận hành máy với liều lượng 2.000m3/s. Trước đó, chiều ngày 27/9, để ứng phó với mưa lớn do bão số 4 đổ bộ vào đất liền, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh vận hành xả nước qua tràn hồ thủy điện Sông Ba Hạ.
Theo đó, đơn vị thực hiện lệnh là Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ. Từ 15h30, xả qua tràn và vận hành máy 1.500m3/s; từ 19h xả qua tràn và vận hành máy 2.000m3/s. Việc xả nước được duy trì cho đến khi lũ đến hồ đạt đỉnh, sau đó xả để mực nước hồ duy trì ở mức nước trước lũ +103m. Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ không được làm thay đổi lưu lượng đột ngột. Ngoài việc vận hành xả nước qua tràn của thủy điện Sông Ba Hạ, các hồ chứa thủy điện Sông Hinh và Krông H’Năng cũng đang thực hiện xả nước đón lũ. Lưu lượng mỗi hồ xả về hạ du phổ biến từ 56-1.600m3/s. Đơn vị quản lý các hồ thủy điện, hồ thủy lợi đều có hệ thống cảnh báo tự động và đã tăng cường các bản tin thông báo đến người dân. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để tính toán khả năng vận hành, xả lũ liên hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
18:28
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 18 giờ ngày 27/9 khoảng 15.70N; 110.30E, cách Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Nam khoảng 201km, cách Quảng Ngãi khoảng 174km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
18:27
PV Đình Thiệu tại Quảng Nam: Đô thị Cô Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có 1200 di tích, hiện có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền.
Chủ động đối phó với bão số 4, Chính quyền thành phố Hội An tập trung chống đỡ cho 5 di tích đồng thời đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trong số 10 di tích qua kiểm tra đã xuống cấp nhưng không hạ giải thì cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ di tích, đề nghị các chủ hộ cam kết di dời đi nơi khác không ở bên trong lúc bão đổ bộ. Cuối buổi chiều nay, một số di tích của tư nhân trong khu phố cổ, nhiều người dân vẫn còn tranh thủ chèn chống trước khi bão vào.
18:25
Theo PV Long Phi, tại tỉnh Quảng Nam, từ 18 giờ hôm nay 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh Quảng Nam di chuyển qua địa bàn tỉnh trong thời gian trên, Công an tỉnh và UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
18:20
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
18:12
Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam gió giật mạnh, mưa lớn
17:56
Theo PV Vinh Thông tại Quảng Ngãi, chiều nay (17/9), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương bổ trợ phòng chống cơn bão số 4 tại huyện Bình Sơn. Đây là địa bàn được xác định trọng điểm đường đi của bão. Lực lượng gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân, 4 tổ canô, xe thiết giáp, phương tiện trang thiết bị cứu hộ tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng trực nhận nhiệm vụ.
17:54
Phóng viên Long Phi tại tỉnh Quảng Nam thông tin: Chiều 27/9, tại âu tàu thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. UBND xã Tam Quang phối hợp với Bộ Tư kệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tiến hành tuyên truyền, vận động và kiên quyết đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An đang tránh trú bão tại đây vào bờ tránh bão số 4.
Đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào tránh trú bão
17:48
PV Thanh Hiếu thường trú tại miền Trung thông tin: Trận lốc xoáy quét qua khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào lúc 15 giờ chiều 27/9 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, trụ sở, cây cối…
Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: Khoảng 300 nhà dân và lều quán, các gian hàng ở chợ Cửa Việt bị sập và tốc mái, 4 người bị thương. Trận lốc xoáy cũng làm bật gốc, gãy đổ nhiều cây xanh, xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường.
Hiện nay, huyện Gio Linh đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền, đồng thời sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.
Trong chiều nay, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã đến kiểm tra hiện trường tại Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nơi vừa bị lốc xoáy quét qua gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, chỉ đạo lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, tập trung ứng phó với bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
17:43
PV Đình Thiệu tại Hội An thông tin, lúc này, tại đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam trời mưa to và ngày một nặng hạt. Từ chiều tối nay, đường phố phố cổ Hội An đã thưa vắng người. Mọi người không có việc đã về nhà chống bão. Nhà cửa, hàng quán cửa đóng then cài, chỉ còn một vài hàng quán bán thực phẩn còn mở của phục vụ người dân và khách du lịch.
17:41
Theo PV Long Phi tại Quảng Nam, trong khi các địa phương ven biển khẩn trương sơ tán dân đến khu vực an toàn tránh trú bão thì tại các địa phương miền núi, lực lượng Công an cơ sở dầm mưa đến tận nhà dân để vận động người dân di dời đến nơi an toàn, tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mưa lớn kéo dài từ hôm qua đến nay, để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại do bão lũ, nhất là tình trạng sạt lở đất tại vùng núi, lực lượng Công an xã đã phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng đến từng nhà dân vận động, hỗ trợ người dân di dời đến khu vực an toàn.
17:33
Thành phố Đà Nẵng có hệ thống camera kết nối trực tiếp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố. Từ hệ thống camera này, lãnh đạo thành phố và người dân có thể theo dõi từ xa diễn biến bão tại những điểm xung yếu. Lãnh đạo thành phố cấm tất cả người dân ra đường từ 20h tối nay đến khi có thông báo mới, chỉ lực lượng làm nhiệm vụ mới được ra đường.
17:32
PV Lê Hiếu/ VOV-Miền Trung đưa tin, nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4. Theo đó, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế như Sư phạm, Khoa học, Ngoại ngữ, Trường Du lịch… sử dụng phòng học, giảng đường để sinh viên đến tạm trú, tránh bão từ chiều 27/9, đồng thời bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên để hỗ trợ. Đại học Huế cũng chỉ đạo các trường phải đảm bảo được việc ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão..
Nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4
17:29
Phóng viên Long Phi/VOV-miền Trung đang có mặt tại tỉnh Quảng Nam cho biết, để ứng phó với bão số 4, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sơ tán hơn 45.000 hộ dân với hơn 155.000 nhân khẩu, trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ. Trong sáng nay, 25.000 dân quân và thanh niên xung kích đã được huy động tăng cường cho các xã vùng xung yếu như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; Phước Sơn, Nam Trà My. Điều đặc biệt, các hộ dân nhà tạm bợ vùng dự án ven biển đã được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp đầu tư tạo điều kiện tốt nhất đón dân về tránh trú bão. Một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển tỉnh Quảng Nam đã mở cửa từ chiều nay để sẵn sàng tiếp nhận hàng ngàn người dân ở các vùng nguy hiểm đến tránh trú bão.
17:25
PV Thanh Hà tại Đà Nẵng cho biết, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, dự kiến 18 giờ chiều nay, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 sẽ họp rà soát công tác ứng phó bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì tại đầu cầu Quảng Trị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ chủ trì. Lúc này, công tác đảm bảo thông tin liên lạc, các điều kiện cho ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão số 4 đã sẵn sàng.
17:14
Gia Lai cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều nay (27/9)
PV Nguyễn Thảo tại Tây Nguyên đưa tin, tỉnh Gia Lai được dự đoán có cấp đội rủi ro cấp 3 trong bão số 4. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã có công điện và văn bản chỉ đạo gửi các địa phương trực thuộc, yêu cầu có phương án ứng phó với bão Noru. Mục tiêu ưu tiên số một là bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân. Phương án đảm bảo 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cũng đã làm việc với Ban chỉ huy PCTT tỉnh Phú Yên để ban hành Quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba ngay trong cơn bão số 4 này.
UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh lên phương án di dời người dân ở các vị trí nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; canh gác nghiêm cấm người dân qua lại các vị trí, địa bàn nguy hiểm; bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh được nghỉ học từ chiều nay 27/9.
17:11
Theo PV Thành Long tại miền Trung, một máy bay của hãng Hàng không Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật, mắc kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sau giờ đóng cửa sân bay.
Theo đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, sau khi gặp sự cố kỹ thuật, các hành khách trên chuyến bay của Hãng hàng không Pacific Airlines được chuyển qua chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airline để tiếp tục hành trình.
Hiện, máy bay của hãng Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật đã được nhân viên mặt đất neo trụ cố định ở sân bay Đà Nẵng để phòng chống bão.
17:08
VOV