MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước

31-10-2017 - 08:47 AM | Xã hội

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.

Cần có sự chia sẻ với Chính phủ

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tranh luận việc các đại biểu phát biểu rất nhiều về các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ. Theo ông “cần phải có một sự chia sẻ với Chính phủ”.

Dẫn lời đại biểu Dương Trung Quốc, “Quốc hội đồng hành với Chính phủ như thế nào”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “chúng ta nói với Chính phủ nhưng thực ra vấn đề KT-XH liên quan đến trách nhiệm của cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cơ quan hành pháp có trách nhiệm trực tiếp tạo ra xung lực cho sự phát triển KT-XH nhưng các cơ quan khác không thể đứng ngoài cuộc”.

Theo đại biểu, “ở đây cơ quan lập pháp của chúng ta có một đặc điểm là rất nhiều người của cơ quan hành pháp, có những người có chức vụ rất cao đang ngồi ở đây. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì đối với hoạt động của Chính phủ và của các chính quyền địa phương?”.

Đại biểu nhận định và dẫn chứng: “Quốc hội hay cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có vai trò và trách nhiệm gì trong các vụ việc mà dư luận bức xúc, các điểm nóng của đất nước hay chúng ta đứng ngoài cuộc.

Ví dụ, vụ Đồng Tâm, vụ sân gold Tân Sơn Nhất, vụ xẻ thịt Sơn Trà, vụ phá rừng Phú Yên hay việc tăng nhanh chóng số lượng phân bón từ 7.000 loại lên 14.000 loại từ kỳ họp thứ 2 cho đến ngày nay. Như vậy, hai kỳ họp tăng lên 14.000 loại, tức là gấp đôi số lượng phân bón. Người dân rơi vào ma trận phân bón thế này, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, dân vô cùng bức xúc về phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Người dân làm sao phân biệt được 14.000 loại phân bón. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì chưa?”

Tiếp tục nêu một loại câu hỏi: “Cơ quan dân cử đã làm tốt vai trò giám sát, thực hiện việc chính sách pháp luật của Chính phủ, bộ ngành, địa phương và để xảy ra nhiều vụ việc phức tạp về KT-XH hay chưa? Giá trị của việc giám sát như thế nào?” – đại biểu bày tỏ, “tôi rất khắc sâu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư ngay kỳ họp thứ nhất là Quốc hội phải làm tốt công việc giám sát và xử lý kết quả hậu giám sát...” ông thẳng thắn, “tôi thấy trong các Báo cáo của Ủy ban kinh tế cũng như trong dự thảo của nghị quyết chúng ta không đề cập đến vấn đề này. Đặc biệt là lờ tránh, lảng tránh những vấn đề về công tác cán bộ”.

Ông cho biết, bản thân "có sửa vào nghị quyết, sau đây sẽ gửi lại cho Ủy ban Kinh tế để các đồng chí ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).

Hoan nghênh Chính phủ tổ chức "Hội nghị Diên Hồng" về ĐBSCL

Các đại biểu: Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Thị Kim Bé (Kim Giang), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ;... cho rằng bức tranh kinh tế đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi; đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã tổ chức hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cho biết, tại hội nghị Thủ tướng đã có kết luận quan trọng mang tính chuyển hướng chiến lược để phát chuyển bền vững khu vực, đồng thời các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trong kết luận hội nghị; tập trung giải ngân vốn thực hiện các công trình ngăn mặn, điều tiết lũ; đầu tư các công trình trọng điểm để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL; có chính sách đồng bộ, giải pháp đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp mạnh; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản khu vực ĐBSCL...

Trong khâu tổ chức thực hiện, đại biểu cho rằng cấp bách cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tối ưu hóa liên kết giữa các địa phương trong quản lý đất đai, nguồn nước, cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, giao chức năng cụ thể cho bộ ngành, tránh tình trạng 1 mặt hàng nhiều bộ quản lý; đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bỏ hạn điền; xem xét giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn trái; hỗ trợ phát triển các hiệp hội, ngành hàng nông sản;..

Chính phủ đã rất cầu thị

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì những kết quả đã đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng, đặc biệt là thành tích: Ổn định kinh tế vĩ mô; kỷ luật tài chính được kiểm soát chặt chẽ;...

Theo ông, Chính phủ đã rất cầu thị khi nêu rõ những hạn chế và giải pháp khắc phục về quản lý khoáng sản, tài nguyên; thực thi pháp luật chưa nghiêm; bộ máy hành chính còn cồng kềnh; nhiều dự án đầu tư thua lỗ kéo dài;...

Góp ý mục tiêu 2018, ông đề nghị mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% vì dư địa tăng trưởng vẫn còn; tiếp tục kéo giảm bội chi ngân sách ở mức 3,5%; nâng chỉ tiêu về môi trường;...

Đại biểu kiến nghị thêm các giải pháp: Chính phủ có gói giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ (lãi suất) doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là lợi thế quốc gia; tăng đầu tư kết cấu hạ tầng vào khu vực ĐBSCL;...

Năm nay “được mùa lớn”

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng "năm nay là năm được mùa lớn" lần đầu tiên cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch; phấn khởi hơn là Chính phủ vẫn rất thận trọng trong điều hành, không quá lạc quan với những thành tích đã đạt được để có giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo đại biểu việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 từ 6,5-6,8% là sự thận trọng cần thiết và ông ủng hộ đề xuất này. Đồng thời đại biểu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người yếu thế,...

Về tình hình tài khóa của đất nước, ông đề nghị các giải pháp tiết kiệm chi ngân sách; quản lý chặt chẽ, đưa nợ công về mức an toàn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng có tiền không tiêu được; cân đối lại việc thu - chi ngân sách,...

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế;... tái cấu trúc để bộ máy nhà nước thanh thoát lại.

Số liệu GDP đáng tin cậy, được quốc tế công nhận

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển KT-XH, chất lượng tăng trưởng.

Về tốc độ tăng trưởng GDP quý 3/2017, Bộ trưởng khẳng định đây là số liệu đáng tin cậy, phương pháp thống kê chuẩn mực được các tổ chức quốc tế công nhận.

Bộ trưởng cho biết mục tiêu tăng trưởng năm 2017 hoàn toàn có thể đạt được bởi theo thông lệ quý 4 luôn là quý tăng trưởng cao nhất, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng GDP cả năm. Để có được kết quả này, Bộ trưởng cho rằng đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng thời công bố thêm các chỉ số tăng trưởng cơ bản của tháng 10/2017 (vốn FDI, khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa, xuất khẩu...đều tăng cao hơn cùng kỳ) để các đại biểu yên tâm;...

Nhất trí với nhận định của đại biểu về tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt giữa các quý trong năm và cho biết tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào các yếu tố chu kỳ sản xuất, mùa vụ,... quý I thường bị ảnh hưởng lễ hội, thời tiết, mua sắm sản xuất... bình quân quý I chỉ chiếm 18% tổng GDP cả năm.

Về đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, nâng lên, đúng hướng. Cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng có sự chuyển dịch tích cực; các yếu tố tổng hợp có đóng góp ngày càng tăng; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nâng lên; môi trường cạnh tranh ngày càng được cải thiện, được quốc tế công nhận...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình về các mục tiêu đặt ra cho năm 2018; giải thích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm, giải ngân thấp;...

Sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo niềm tin cho người dân, DN

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) cho rằng sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo niềm tin và sự phấn khởi để người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, đại biểu tham gia một số nội dung về cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển nông nghiệp bền vững; có lộ trình cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài; đảm bảo chất lượng tăng trưởng gắn với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người lao động; phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo, phục vụ trong cung cấp dịch vụ công với phương châm thân thiện, đúng hẹn; xây dựng cơ chế để người dân, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính; có chiến lược quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế số;...

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) tham gia một số ý kiến về phát triển nông nghiệp. Đại biểu đề nghị cần tổng kết quá trình chuyển hướng sản xuất nông nghiệp thời gian qua để có hướng đi đúng, an toàn cho thời gian tới; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đại biểu cho rằng cần lựa chọn đúng sản phẩm, khâu đột phát để phát triển; đầu tư thích đáng để phát triển bộ giống tốt gắn với bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý trong nước; sửa đổi chính sách tín dụng trong nông nghiệp, để tránh tình trạng doanh nghiệp nông nghiệp đói vốn; sớm triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng các chuỗi giá trị, lấy thị trường làm thước đo để quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) tham luận về phát triển công nghiệp 4.0, cho rằng cần định vị rõ Việt Nam đang đứng ở đâu trong sân chơi này để xác định cơ hội và giải pháp hành động phù hợp.

Cho rằng khó khăn là rất lớn, nhưng cơ hội cũng mở ra đối với Việt Nam, đại biểu kiến nghị có giải pháp: Chính phủ cần tiên phong công bố chính sách phát triển công nghệ 4.0, đầu tư phân bổ ngân sách hợp lý phát triển khoa học, công nghệ; tập trung phát triển các khoa học công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, phát triển kinh tế chia sẻ...; điều chỉnh cơ cấu kinh tế, hướng vào dịch vụ du lịch, logistic, bán lẻ; xác định rõ trọng điểm đầu tư các ngành nghề; phát triển nguồn nhân lực công nghệ; đối với những ngành nghề như tài chính, ngân hàng, giao thông thế giới đã tiến rất xa chúng ta cần mạnh dạn đầu tư để đi tắt, đón đầu...

Bộ trưởng chia buồn với những mất mát do thiên tai gây ra

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường; công tác phòng chống thiên tai.

Về dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai, Bộ trưởng bày tỏ chia buồn với những gia đình mất mát người thân, tài sản trong các đợt thiên tai vừa qua.

Bộ trưởng bày tỏ đồng tình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu rằng công tác dự báo thiên tai vừa qua còn hạn chế; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan... Bộ trưởng cho biết việc dự báo lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất còn nhiều khiếm khuyết, cần đầu tư nhiều nguồn lực cả về vật chất và con người. Thời gian tới cần hoàn thiện bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét,... để bố trí lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiến hành sơ kết quy định của pháp luật về đất đai, tiếp thu các ý kiến của đại biểu về tích tụ đất nông nghiệp; liên kết đất đai để sản xuất; giải phóng mặt bằng; bảo vệ sinh kế lâu dài của người dân; xem xét lại diện tích đất lúa... nhằm đưa nguồn lực đất đai phục vụ hiệu quả phát triển KT-XH.

Về vấn đề quản lý tài nguyên, khoáng sản nói chung và khai thác cát trái phép nói riêng, Bộ trưởng cho biết thời gian qua bộ đã siết chặt quản lý, lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo, xác định trách nhiệm cụ thể người đứng đầu địa phương và các bộ ngành, đồng thời giao các bộ nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Clip:Bộ trưởng Bộ TN&MT giải trình một số vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.

Không còn con đường nào khác là phải tổ chức lại sản xuất

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nêu rõ, để phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là phải tổ chức lại sản xuất, trong đó tích tụ ruộng đất là một nội dung rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo đảm việc làm, thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế giải quyết vấn đề này rất chậm, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.

Cũng theo đại biểu, một bất cập trong chính sách về đất đai mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất vướng hiện nay là phải thuê đất của chính mình đã bỏ tiền ra để nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người khác khi xây dựng xưởng sản xuất, thành lập doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để thành lập doanh nghiệp họ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua đất xây dựng nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, khi trở thành doanh nghiệp, diện tích đất tiền tỷ đó trở về giá trị bằng 0 vì chuyển sang thuê, trả tiền hàng năm hoặc một lần vì họ không có tài sản đối ứng trong giai đoạn bước đầu hình thành doanh nghiệp. Điều này đã tước đi điều kiện quan trọng họ được vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất mà đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là nguồn lực rất lớn.

Việc tích tụ ruộng đất có thể có nhiều cách như: Thông qua hợp tác, liên kết nông hộ, liên minh nông hộ và doanh nghiệp để dẫn đến tăng quy mô ruộng đất, xuất hiện các trang trại của nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng với những hạn chế, bất cập như hiện nay, theo đại biểu, nếu không được tháo gỡ kịp thời, đồng bộ sẽ rất khó tích tụ được ruộng đất để sản xuất bền vững.

Khẳng định chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức sản xuất có ý nghĩa rất lớn, song đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội 3 nội dung: Một là, xác lập quyền sở hữu về tài sản đầu tư trên đất (nội dung này cũng đã được đại biểu kiến nghị Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3); hai là, xác lập giá trị quyền sử dụng đất khi tham gia doanh nghiệp; ba là, cần sớm sửa đổi hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật Đất đai năm 2013 cùng với các chính sách, pháp luật có liên quan.

Biết bao công sức, trí tuệ và bản lĩnh vượt khó!

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, năm 2017 nỗ lực quyết tâm, chủ động, nhanh nhạy, sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã mang lại hiệu quả cao.

Chính phủ đã kiên trì bám sát các mục tiêu và chủ động sáng tạo trong vận dụng các giải pháp, điều hành chính sách linh hoạt, phát triển đồng bộ thị trường, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối, thu hút nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời và phát triển, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, 13 chỉ tiêu ước tính sẽ đạt và vượt, GDP 2017 dự kiến đạt 6,7%.

Bên cạnh đó, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ gìn an ninh, quốc phòng, mở rộng đối ngoại cũng có nhiều tiến bộ, chuyển biến rất tích cực,... biết bao công sức, mồ hôi, trí tuệ và bản lĩnh vượt khó để được kết quả trên, đại biểu bày tỏ.

Song các hạn chế yếu kém vẫn hiện hữu và nhiều thách thức mà Chính phủ khái quát trong báo cáo còn rất lớn, phải hết sức kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm chính trị cao mới có thể khắc phục. Đại biểu chia sẻ với Chính phủ, đồng tình 7 nhóm giải pháp sắp tới, song cũng mong Chính phủ chọn hướng ưu tiên, chuyển hướng đầu tư để hiệu quả cao hơn, đảm bảo sinh lợi, tăng năng xuất chuyển hóa và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đại biểu mong Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị lưu ý thêm 4 vấn đề mang tính chất xu thế của xã hội như sau:

Thứ nhất, chống tham nhũng, chống lãng phí, triệt tiêu lợi ích nhóm là một xu thế mà Tổng Bí thư đã khẳng định, toàn dân đang hưởng ứng và mong đợi.

Thứ hai, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là xu thế mang tính chất truyền thống. Bất kể hành vi nào xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc đều kích ứng lòng dân, khơi dậy lòng yêu nước và nhân dân sẵn sàng xả thân đấu tranh đến cùng vì mục tiêu lý tưởng đó. Hiện tượng người dân không tin hàng hóa Trung Quốc, công trình Trung Quốc làm, không tin khi làm ăn hợp tác với Trung Quốc và hiện nay có tư tưởng bài xích doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, xu thế phản ứng chính sách. Dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng nhưng khi thực hiện những chủ trương, đường lối này thông qua các chính sách, nếu thiếu minh bạch, có vấn đề sẽ gặp ngay phản ứng gay gắt của nhân dân. Minh chứng cho vấn đề này là những phản ứng trong việc quản lý đất quốc phòng ở Đồng Tâm, sân bay Tân Sơn Nhất, các dự án BOT, 12 đại dự án của Bộ Công Thương, các khiếu nại đông người, vấn đề ô nhiễm môi trường do FORMOSA gây ra và nhiều vấn đề khác nữa trong xã hội mà chúng ta đã nhận thấy.

Thứ tư, xu thế thờ ơ chính trị trong lớp trẻ rất đáng báo động. Lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức... đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Nếu chúng ta phát huy những mặt tích cực triệt tiêu các mặt tiêu cực, các xu thế sẽ là những dòng thác không gì ngăn cản nổi. Chúng tôi rất mong Chính phủ quan tâm thêm trong chỉ đạo, điều hành để mang lại hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động... đang hiện hữu

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ phấn khởi và đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong 10 tháng qua, đánh giá kết quả này đại biểu cho rằng, thứ nhất, là tinh thần, phương châm của Đại hội Đảng toàn quốc về đổi mới toàn diện và đồng bộ đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện bài bản, bước đầu đạt kết quả quan trọng, thể hiện sinh động trong các lĩnh vực của đời sống ở các cấp, các ngành.

Theo đại biểu "một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân như lời tuyên thệ khi nhậm chức của Thủ tướng đang hiện hữu trong đời sống" dù rằng còn rất nhiều việc chúng ta phải làm.

Thứ hai, Đảng và Chính phủ đã và đang quyết tâm cao, mạnh mẽ, quyết liệt trong nhận diện và khắc phục các hạn chế, yếu kém mang tính trầm kha. Tấn công phá vỡ sự trì trệ, quan liêu, tiêu cực, thiếu trung thực, lỗi hệ thống, dấn thân vào những việc khó, mới, phức tạp, đụng chạm. Rõ nhất là xử lý cán bộ vi phạm, chống lợi ích nhóm, tinh gọn bộ máy và giảm biên chế, cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung hoàn thiện thể chế cải cách hành chính, thành lập tổ công tác của Thủ tướng, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành và địa phương.

Thứ ba, nhìn nhận vào kết quả đã đạt được trong bối cảnh khó khăn chồng chất, chúng ta thấy con đường và cách đi là hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng. Kết quả đó đã củng cố, tăng cường đáng kể niềm tin của Đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Vui mừng về kết quả, nhưng đại biểu vẫn còn băn khoăn, và đây có lẽ cũng là băn khoăn của cử tri về hai vấn đề lớn.

Một là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự động.

Hai là con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, xu nịnh, tham mưu theo kiểu hại nước, lợi mình, thiếu công khai minh bạch và can thiệp trái pháp luật còn phổ biến. Đó là những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nước ta không bị lạc hậu và không bị tụt hậu.

Đại biểu cũng góp ý các giải pháp ngăn chặn lợi ích nhóm, hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức "vô cảm"; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; đổi mới nội dung, cách thức, mô hình giáo dục trẻ; nghiên cứu sửa đổi, nâng lương cho giáo viên mầm non; đảm bảo lợi ích của giáo viên mầm non (đại biểu nêu trường hợp cô giáo Loan ở Hà Tĩnh chỉ được nhận lương hưu 1,3 triệu đồng); nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập, chăm sóc đời sống công nhân lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; sửa đổi quy định pháp luật hiện hành theo hướng nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ lợi quyền cho người lao động...

Thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng thông tin về phát triển kinh tế, xã hội vừa được công bố gây ngạc nhiên lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Cho rằng, FDI là bổ trợ quan trọng cho cả quá trình tăng trưởng của nước ta, đại biểu dẫn chứng, sau 25 năm khu vực này đã đóng góp cho GDP từ 2% vào năm 1992 lên 20% vào năm 2016, giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2.000 USD. Tuy nhiên, dự kiến chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng thực tế khu vực này chỉ đón góp vào ngân sách từ 15 - 19%”.

Chỉ ra những bất cập trong quản lý hoạt động của khối doanh nghiệp FDI, đại biểu đề nghị có giải pháp quản lý chặt chẽ, đấu tranh chống chuyển giá, rà soát, sửa đổi lại các chính sách về ưu đãi đầu tư FDI, không thu hút đầu tư bằng mọi giá để các doanh nghiệp khu vực này đóng góp hiệu quả hơn, cao hơn (về chuyển giao khoa học công nghệ, kết nối sản xuất với doanh nghiệp trong nước, nâng cao mức đóng góp về thuế, bảo đảm môi trường, an sinh xã hội...) đối với nền kinh tế đất nước;...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Nghị quyết Trung ương 5 cùng những chỉ đạo quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Góp ý giải pháp phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng, Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của Người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại biểu bày tỏ: “Tôi thực sự xúc động, vui mừng, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nhân trẻ, sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ qua việc công bố “sách trắng”, tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 và mới hôm qua là ra mắt cộng đồng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho những cam kết và quyết tâm này”.

Song cũng theo đại biểu, thì điều còn lại là làm sao luồng sinh khí liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Đây là điều kiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo - điều mà Chính phủ đang từng ngày cam kết với doanh nghiệp và người dân. “Làm sao để rời vai những gã khổng lồ và tự đứng trên đôi chân của mình hay không là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời”, đại biểu Phạm Trọng Nhân trăn trở.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh VGP/ Nhật Bắc

Nghiên cứu điều chỉnh khung giờ làm việc

Clip: Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Cảnh tỉnh Bình Định đề xuất nghiên cứu điều chỉnh khung giờ làm việc

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh giờ khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công, giáo dục. Đại biểu dẫn chứng các nước châu Á và trên thế giới thường bắt đầu giờ làm việc từ 8h30-9h00 và rút ngắn giờ nghỉ trưa để nâng cao hiệu quả làm việc.

Theo đại biểu việc điều chỉnh khung giờ làm việc đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của đất nước như: Tiết kiệm năng lượng; giúp nâng cao sức khỏe người lao động, giảm sức ép giao thông tại các đô thị lớn trong giờ cao điểm; thay đổi khung giờ làm việc còn giúp nâng cao sức khỏe cho học sinh, giúp các bậc phụ huynh chăm sóc con em tốt hơn...

Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý Chính phủ tiến hành rà soát, bố trí vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, tránh dàn trải, gây lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tập trung xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình với nhìn nhận thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đại biểu cũng nhấn mạnh một số hạn chế cần được phân tích thấu đáo và có giải pháp xử lý căn cơ. Cụ thể là, chưa tập trung đồng bộ, xử lý các dự án thua lỗ nặng, đặc biệt là 12 dự án của Bộ Công thương đến nay, việc xử lý rất chậm. Các bộ, ngành rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ? Và đã có giải pháp như thế nào? Theo đại biểu, phải có giải pháp quyết liệt gắn với cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để báo cáo với Quốc hội và thông tin tới cử tri.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ quyết liệt nhưng còn một số bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương vẫn chưa sâu sát, chưa chủ động tháo gỡ cho người dân, chậm xử lý kiến nghị đề xuất. Vì vậy, ngoài giải pháp về kinh tế vĩ mô, ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục phát triển chỉ tiêu KT-XH năm 2018, đại biểu đề nghị sớm khắc phục những yếu kém trên, tạo niềm tin, động lực cho tăng trưởng bền vững với giải pháp thiết thực, kịp thời từ Chính phủ xuống đến các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phấn khởi trước những kết quả đã đạt được về KT-XH, đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến: Tháo gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công; xử lý các dự án thua lỗ yếu kém; đẩy mạnh đổi mới thể chế, cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi thường xuyên, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho phát triển; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân; thúc đẩy hợp tác công tư; xã hội hóa giáo dục; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổng rà soát quỹ đất chưa sử dụng hoặc đã giao cho doanh nghiệp nhưng chưa sử dụng để quản lý hiệu quả; đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; quan tâm hơn nữa đối với người có công để họ được động viên, an ủi...

Các đại biểu: Mai Ánh Tuyết (An Giang); Lại Xuân Môn (Bạc Liêu); KSor H'Bơ Khắp (Gia Lai); Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh); Nguyễn Tấn Anh (Bình Phước); Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình)... góp ý các nội dung: Tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp; phòng chống buôn lậu; nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm; đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới; phát triển kinh tế tư nhân; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển thị trường nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá; đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giống cây, con chủ lực; nâng cao nguồn lực lao động nông thôn; phát triển bảo hiểm nông nghiệp; xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xử lý các vấn đề quốc tế; phát triển KT-XH khu vực Tây Nguyên; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng; phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; xử lý vấn đề thâm hụt ngân sách, quản lý nợ công; điều chỉnh, nâng cao hiệu quả thu ngân sách; tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...

Nhiều điểm sáng về KT-XH

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đánh giá: Năm nay đã có nhiều “điểm sáng” trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. “Sáng” ở tốc độ tăng trưởng, “sáng” trong thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, “sáng” trong chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông có những “điểm sáng” này là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước”.

Nhất trí với các giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đại biểu đề nghị trong năm 2018 cần tập trung cổ phần hóa hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước; thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng cảm với dân, để dân đồng thuận với các chủ trương, quyết sách của chính quyền...

Đại biểu cũng góp ý các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng thuận với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chủ động đấu tranh với các thông tin xấu trên mạng; đề nghị báo chí mở chuyên mục nhận diện thông tin xấu độc, không chính xác...

Nâng cao hiệu quả dự báo, phòng chống thiên tai

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) đề xuất một số nội dung liên quan đến công tác giải ngân đầu tư công; kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh huy động các nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh; bổ sung đánh giá thiệt hại của ngành nông nghiệp do thiên tai gây ra; phát triển chăn nuôi, thủy sản, trồng và bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới một cách thực chất;...

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công; cân đối nguồn lực khi ban hành các chính sách; chỉ ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn lực thực hiện... Đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, có giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây nhiều tác động tiêu cực; đề nghị bố trí nguồn vốn cao hơn cho các tỉnh bị thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán...) nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo thiên tai...

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) góp ý giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc (mưa đá, giá rét, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...); đại biểu đề nghị đầu tư trang thiết bị đển nâng cao hiệu quả công tác dự báo, ứng phó thiên tai bất ngờ; rà soát di dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao; quy hoạch các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai để có chính sách đầu tư, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng thủy văn hiện đại; đầu tư, nâng cấp các công trình ứng phó thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng; thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư khi xây dựng các công trình thủy điện...

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng

Đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) đề nghị Trung ương quan tâm, có cơ chế chính sách ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát triển các tỉnh miền núi phía Bắc; đổi mới thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công; sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên; sửa đổi quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp với thực tế hiện nay;...

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH và sự điều hành của Chính phủ, đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn (lập, phê duyệt, phân giao vốn); thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên; xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng; triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu nội địa; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế;...

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh VGP/Nhật Bắc

XEM CLIP ĐB NGUYỄN SỸ CƯƠNG PHÁT BIỂU:

Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra.

Kết quả đạt được là niềm vui của cả nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội. “Ai cũng nhận thấy có kết quả đó là tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, cũng như của Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả phấn khởi, đại biểu cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như: Trong phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá, Trung ương rất quyết liệt nhưng một số địa phương dường như buông lỏng, nhất là gần tới Tết Âm lịch; tình trạng phá rừng cũng là một ví dụ cho tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khi nhiều địa phương "vô hiệu hóa" chỉ đạo đóng cửa rừng của Chính phủ, buông lỏng cho lâm tặc phá rừng;... theo đó cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này.

Cuối giờ sáng, đại biểu Quốc hội của đoàn Long An đã tranh luận với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về công tác phòng chống buôn lậu của địa phương.

Chấn chỉnh kỷ cương đầu tư công

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) phấn khởi trước kết quả tăng trưởng kinh tế, Chính phủ điều hành quyết liệt, rõ ràng, đồng thời chỉ ra những thách thức lớn cần phải vượt qua trong thời gian tới như: Cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế;... Đại biểu cũng góp ý một số nội dung về công bố kết luận thanh tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy hành chính nhà nước; giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng cho người dân và doanh nghiệp;...

Đại biểu Ngô Sách Thực. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại biểu đề nghị chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Theo ông, người dân đang rất quan tâm đến vấn đề này. Vốn đầu tư phân bổ rất chậm, thời gian từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, dễ tạo ra sức ép giải ngân để đạt mục tiêu về chi ngân sách. Phân cấp đầu tư, thủ tục đầu tư trong tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công còn nhiều bất cập. Trong các văn bản pháp luật hiện hành đề ra nhiều biện pháp công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xe qua trạm thu phí BOT là những việc cụ thể cần làm ngay.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ với nhiều niềm vui (13 chỉ tiêu đều đạt và vượt), Chính phủ có nhiều giải pháp tích cực, năng động, chỉ đạo quyết liệt; doanh nghiệp cũng có nhiều cố gắng; cử tri cũng đồng tình với những tồn tại, hạn chế và những giải pháp Chính phủ đã chỉ ra trong báo cáo.

Đại biểu góp ý các nội dung quản lý thuế như: Giải pháp chống thất thu thuế; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách hoàn thuế của nhà nước để trục lợi; quản lý chặt chẽ hóa đơn; thu hồi nợ đọng thuế; ngăn chặn buôn lậu, hàng giả;... Bên cạnh đó, có giải pháp để tăng cường nuôi dưỡng mở rộng nguồn thu cho ngân sách; kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện cho địa phương phát huy thế mạnh đặc thù để phát triển KTXH bền vững (ví dụ, cần sớm ban hành quy hoạch du lịch cho Quảng Bình để địa phương phát triển du lịch bền vững...)...

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH 2017, các chỉ tiêu kế hoạch KT-XH đặt ra cho năm 2018, tin tưởng năm nay sẽ đạt và vượt 13 chỉ tiêu đề ra.

Đồng thời đại biểu góp ý với Chính phủ có giải pháp năng động trong điều hành để ứng phó với biến đổi khí hậu, để bảo vệ những thành quả đã đạt được về KT-XH của nhà nước và nhân dân trước tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông miền núi, nhất là những tuyến đường bị ảnh hưởng của mưa lũ; xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai; xử lý nghiêm các vi phạm chủ trương đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép...

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), bày tỏ đồng tình nhất trí cao với những đánh giá của Quốc hội về điều hành KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017, đại biểu cũng góp ý về vấn đề cân đối ngân sách đối với các tỉnh miền núi; đổi mới thủ tục, sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền xững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2016 - 2020;...

Đại biểu cũng góp ý về việc bố trí vốn triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện; góp ý đổi mới quy trình thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa (ví dụ, chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số)...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) góp ý về tốc độ tăng trưởng; có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn tăng trưởng; bố trí vốn để tập trung thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, tránh dàn trải; khắc phục tình trạng bội chi ngân sách, quản lý chặt chẽ nợ công, quản lý nguồn vốn ODA;... Đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đẩy nhanh tiến độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách; sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018;...

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong năm 2017, đại biểu đề nghị làm rõ nét một số nội dung trong báo cáo: Mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị; các giải pháp tiêu thụ nông sản; phát triển công nghiệp, du lịch bền vững; phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết;...

Đại biểu đề xuất đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối nông sản, tránh tình trạng giải cứu nông sản; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản; thực hiện chế độ chính sách tinh giản biên chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực...

Đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu năm 2017

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH 2018 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, ngày 23/10: Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tập trung chống thất thu NSNN, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%. Nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Báo cáo khẳng định: Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao (Liên Hợp Quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược

Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 được Chính phủ xác định như sau:

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23 - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Theo PV

Chinhphu.vn/ CLip: VTV1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên