MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội tiếp tục thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

01-11-2017 - 09:09 AM | Xã hội

Ngày hôm nay (1/11), các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước của năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Hôm nay 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, Đoàn Chủ tịch sẽ mời 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình.

* Các đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định); Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội);Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu); Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam); Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị); Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị); Nguyễn Thanh Quang(Đà Nẵng); Quách Thế Tản (Hòa Bình); Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Tuấn Anh (Long An); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình); Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau); Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa); Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng)... tham luận các nội dung: Cắt giảm giấy phép con, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính, đảm bảo có tính cạnh tranh trong đội ngũ công chức; giảm các cuộc kiểm tra, thanh tra, nhất là các cuộc trùng lặp về nội dung, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tránh tình trạng "Chính phủ ngày càng kiến tạo, còn khâu thực thi 'hành' ngày càng bạo";...

Các đại biểu cũng góp ý về phát triển hệ thống bán lẻ; xem xét triển khai thí điểm sử dụng tiền ảo; phát triển dịch vụ logistic; phát triển khoa học, công nghệ gắn với sản xuất, thị trường; phân bổ ngân sách đầu tư, phát triển gắn với đặc thù vùng miền và tính trọng điểm của địa phương; bổ sung nhóm hàng quả, rau, củ vào ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu; đề nghị đánh giá rõ nét hơn về vấn đề quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp...

Về các vấn đề xã hội, các đại biểu góp ý các nội dung về thực hiện chính sách BHYT, BHXH; chăm sóc người cao tuổi; công tác bồi thường, ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư; giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư phát triển giao thông vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi biên giới; triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng; làm tốt công tác dự báo, phòng ngừa ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; giải quyết vấn đề người lao động đã qua đào tạo bị thất nghiệp;...

Cho biết, cử tri, nhân dân đánh giá cao chủ đề Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp thực hiện trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng Chính phủ cần sơ kết việc triển khai thực hiện chủ đề này, qua đó lượng hóa các tiêu chí và có kế hoạch thực hiện hiệu quả trong thời gian tới,...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường. Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian qua, biến đổi khí hậu cực đoan hơn, dị thường hơn, gay gắt hơn, do vậy tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là nguyên tắc cơ bản để thích ứng khi xây dựng các ngành hàng chủ lực. Bên cạnh đó, chúng ta đã xuất khẩu nông sản đi hơn 180 nước, do vậy phải chấp nhận độ mở về thị trường,...

Bộ trưởng khẳng định, nếu quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực,... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... Ví dụ, tại ĐBSCL chúng ta phát triển 2 ngành hàng là tôm, cá; các tỉnh đều có thể phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực của địa phương như: Cam Cao Phong Hòa Bình, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp, vải thiều Lục Ngạn, nho Ninh Thuận, hoa Đà Lạt,...

Bộ trưởng cho biết chưa bao giờ chúng ta được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhân dân đối với nông nghiệp như giai đoạn này. Bộ trưởng cho biết, hiện nay các ngành hàng lớn đều đã có các doanh nghiệp lớn, làm rường cột để phát triển thị trường nông sản (sữa, cà phê, thủy sản,...).

Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng cho biết đã xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để quản lý vấn đề này; sắp tới sẽ trình Chính phủ một nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất; đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, rà soát lại theo hướng, gọn bớt đầu mối, sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phâm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giải trình thêm về vấn đề bảo vệ phát triển rừng kết hợp với xóa nghèo bền vững khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế nông nghiệp;...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình các nội dung: Phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; cho biết thời gian qua nhiều ngành công nghiệp (điện tử, khai khoáng, hóa chất, hóa dược...) đã có những bước tiến quan trọng, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân yếu kém của công nghiệp hỗ trợ là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, đào đạo nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường...

Về công tác phòng chống buôn lậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là tình trạng vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường,... nguyên nhân là do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật, các đối tượng buôn lậu cấu kết tinh vi, có hệ thống;... bên cạnh đó, sự phối hợp của từng lực lượng phòng chống buôn lậu ở địa phương điểm nóng (hải quan, quản lý thị trường, công an) còn chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả đấu tranh còn yếu; mặt khác, chất lượng, chuyên môn, phẩm chất của lực lượng phòng chống buôn lậu cũng còn khoảng cách so với đòi hỏi thực tiễn... dẫn đến hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm về vấn đề kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; tiến độ xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài...

Đề nghị đưa quả, rau, hoa thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Vấn đề, làm thế nào để tăng thu nhập cho nông thôn nói chung và đặc biệt là ở vùng miền núi, khi mà quá trình công nghiệp hóa không thể diễn ra nhanh ở miền núi và nông thôn được ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) đề cập khi phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu cho biết, trong thời gian vừa qua, khi các tỉnh Tây Bắc chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ quét, thăm và chứng kiến những khu, bản mà bị đất sụt lở, san tải không còn một khu nhà, thì một trong những điều trăn trở là đến bao giờ đồng bào những khu này có khả năng xây dựng lại nhà cửa, làng bản như cũ? Điều này hết sức khó khăn.

Theo thống kê năm 2016, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng chỉ là 2,03 triệu đồng. “Số tiền này chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, không thể có tích lũy”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trong khi đó, khu vực thành thị thu nhập bình quân đầu người một tháng là 4,4 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của người dân miền núi phía Bắc chỉ bằng 46% của nhân dân vùng thành thị. Và thực tế khoảng 40% dân số ở thành thị thu nhập 4,4 triệu đồng/người. Còn ở nông thôn với khoảng 60% thu nhập chỉ còn 2 triệu đồng - 2,4 triệu đồng/người.

Từ số liệu thống kê gần đây, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhận thấy có những gợi ý quan trọng cho việc giảm nghèo, tăng thu nhập cho vùng miền núi.

Cụ thể, năm 2016, xuất khẩu dầu thô cả nước đạt 2,4 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt 2,15 tỷ USD, xuất khẩu cà phê đạt 3,3 USD, xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD, xuất khẩu quả, rau, hoa 2,45 tỷ USD. Lần đầu tiên năm 2016 xuất khẩu quả, rau và hoa lớn hơn cả xuất khẩu dầu thô.

“Nhìn lại thời điểm năm 2005, xuất khẩu dầu thô đạt 7,3 tỷ USD, gấp 31 lần xuất khẩu rau quả lúc đó là 235 triệu USD. Nhưng hiện nay, năm 2016 xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 0,98 lần quả, rau, hoa”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng các mặt hàng chính như dầu thô 5 năm qua giảm giá trị là 5 tỷ USD; gạo so với 5 năm trước giảm 900 triệu USD, cà phê tương đối ổn định, bình quân 3,2 tỷ USD. Tức là 5 năm qua, cà phê không tăng giá trị xuất khẩu; xuất khẩu thủy sản 5 năm qua tăng bình quân 5%/năm. Riêng quả, rau, hoa tăng bình quân 30%/năm. Dự báo năm 2020, giá trị xuất khẩu quả, rau, hoa có thể đạt đến 10 tỷ USD, tức là hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất.

Từ đó có gợi ý quan trọng trong mặt hàng xuất khẩu, đó là quả, rau, hoa chưa được coi là sản phẩm chủ lực quốc gia, nhưng 5 năm qua đã chứng minh sự tăng trưởng vượt bậc về tiềm năng, ví dụ năm qua thì xuất khẩu quả, rau, hoa nhiều hơn xuất khẩu dầu thô.

“Chúng tôi kiến nghị nên đưa nhóm hàng quả, rau, hoa thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.

Theo đó, bổ sung nhóm hàng quả, rau, hoa xuất khẩu vào nhóm 12 sản phẩm chủ lực. Thực tế cũng cho thấy, quả, rau củ xuất khẩu không cần cánh đồng lớn, từng khu vườn của bà con trồng cây được, đồi nghiêng vẫn trồng tốt. Bài học ở Sơn La cho thấy có nhiều hợp tác xã trồng các loại quả xuất khẩu rất tốt.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị, đối với miền núi, đồng bằng, đặc biệt là miền núi, cần coi lựa chọn các loại quả rau, hoa phù hợp. Mỗi địa phương mỗi địa phương chọn loại quả rau hoa phù hợp trở thành sản phẩm chủ lực nên là hướng đi khả thi và có hiệu quả.

* Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai), Bùi Xuân Thông (Đồng Nai) tranh luận với đại biểu Bùi Sỹ Lợi về việc nhiều doanh nghiệp lách luật chấm dứt hợp đồng đối với những lao động sau tuổi 35 - 40 (có nguyên nhân từ phía người lao động), đại biểu Như Ý bày tỏ đồng tỉnh với ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cho rằng tình trạng doanh nghiệp lách luật chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động có thâm niên là rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và thực hiện chính sách an sinh của nhà nước, đại biểu đề nghị cần đánh giá lại để có giải pháp thực hiện trong thời gian tới, bởi về mặt pháp luật thì không sai, nhưng hệ lụy về mặt xã hội (bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại) là rất lớn... Sau đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đã trao đổi lại với đại biểu Như Ý về vấn đề này; đồng thời nói thêm về vấn đề chế độ BHXH đối với lao động nữ về hưu; chế độ cho người nghèo vay vốn ưu đãi...

Gắn nghiên cứu với sản xuất, thương mại hóa

Đề cập đến vai trò và tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển KT-XH, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu rõ, trong thời gian qua, khoa học - công nghệ đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp vào sự phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, bảo đảm môi trường, giảm thiểu rủi ro, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại nhất định, trong đó có vấn đề về phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ.

Theo đại biểu, mặc dù giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước tăng đáng kể, nhưng nước ta vẫn là một trong những nước đầu tư thấp cho khoa học công nghệ. Ngân sách chi cho khoa học công nghệ những năm gần đây có xu hướng giảm, giai đoạn 2011 - 2015, tổng chi cho khoa học công nghệ trung bình hàng năm chỉ tương ứng 1,54% tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2017, tổng dự toán cho khoa học công nghệ 19.409 tỷ đồng, chỉ bằng 1,4% tổng chi ngân sách nhà nước.

Trong đó, cơ cấu tỉ lệ chi sự nghiệp khoa học công nghệ tương ứng 58%, chi đầu tư phát triển 42%. Chi sự nghiệp chủ yếu là chi lương và hoạt động bộ máy tổ chức khoa học công nghệ chiếm 72 - 75%, chi cho các nhiệm vụ khoa học chỉ chiếm 25 - 28% trong tổng chi sự nghiệp, và chỉ tương ứng từ 10 - 12% tổng chi cho khoa học công nghệ. Tỷ lệ chi này rất thấp.

Việc quản lý chi đầu tư cho khoa học công nghệ chưa theo một đầu mối. Hiện nay, việc chi cho đầu tư phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Hiệu quả chi đầu tư cho toàn ngành khoa học công nghệ chưa được phân tích, đánh giá. Phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, bố trí ngân sách cho nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ theo quy định và hiệu quả chưa cao.

Với thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị, cần chi đủ 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ và tiếp tục có cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ.

Đồng thời, khắc phục tình trạng cát cứ trong chi đầu tư phát triển, thực hiện một việc chỉ giao cho một tổ chức chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phân bổ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Gắn nghiên cứu với ứng dụng sản xuất và thương mại hóa, có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng triển khai các chương trình kế hoạch phát triển phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Tăng tính tự chủ tài chính cho các tổ chức khoa học công nghệ, giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho hành chính, các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng.

Sắp xếp, rà soát lại tổ chức khoa học công nghệ theo hướng tinh gọn, hiệu quả để đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Xâm hại trẻ em: Đánh giá đúng tình hình để có giải pháp phù hợp

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh những bức xúc của cử tri liên quan đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Đại biểu cho rằng, chưa có bao giờ tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục phức tạp như trong thời gian qua.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như: Số trẻ em bị xâm hại ở mẫu giáo gia tăng; xâm hại trẻ sau đó giết trẻ, hoặc đe dọa khiến trẻ bị tổn thương; nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân; một số vụ thầy giáo, bảo vệ nhà trường xâm hại nhiều học sinh, chỉ đến khi các cháu quá hoảng sợ nói với người lớn mới được biết. Sự việc nghiêm trọng như vậy, nhưng có dấu hiệu bỏ qua, bị bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình xử lý vụ án.

Theo đại biểu, gia đình vốn là hàng rào bảo vệ các em, nhưng chúng ta mới quan tâm theo cách truyền thống, mà chưa quan tâm nhiều trang bị cho trẻ các kiến thức cần thiết về giới tính, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sau khi vụ việc xảy ra gia đình không báo với chính quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn để đấy. Qua các vụ việc cho thấy, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn hạn chế và chưa được chuyên nghiệp. Sách giáo khoa còn ít phần thể hiện, giáo viên còn tâm lý e ngại…

Đề cập khó khăn liên quan vấn đề giám định, đại biểu cho rằng, Luật Giám định tư pháp không có quy định với trường hợp này, mà chỉ quy định về giám định chung. Gia đình người bị hại không có quyền yêu cầu giám định ngay, mà chỉ sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Thời gian giám định càng kéo dài thì khả năng chứng minh càng giảm. Do đó, “khi sửa đổi Luật Giám định tư pháp cần quy định cho phép gia đình người bị hại được yêu cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra”, đại biểu đề nghị.

Về công tác quản lý Nhà nước với trẻ em nói chung và với trẻ em bị xâm hại nói riêng, đại biểu nêu rõ “còn nhiều hạn chế”. Theo quy định pháp luật hiện hành, có 15 cơ quan có trách nhiệm, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối. Nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Tất cả đều lấy số liệu theo các vụ án bị khởi tố. “Nếu lấy theo số liệu này không phải ánh đúng tình hình, vì có trường hợp trẻ em và gia đình chấp nhận im lặng bỏ qua. Không đánh giá được tình hình sẽ không có biện pháp phù hợp”, đại biểu nói.

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên